|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dân số Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm trong 60 năm

13:52 | 17/01/2023
Chia sẻ
Năm ngoái, dân số của Trung Quốc đã giảm từ 1,4126 tỷ người trong năm 2021 xuống 1,4118 tỷ người.  Khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc càng thêm trầm trọng và các chính sách khuyến sinh đẻ vẫn chưa tạo được tác động như ý muốn của chính phủ.

Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế sinh đẻ. (Ảnh: Future Publishing). 

Nỗ lực chưa thành

2022 là năm đầu tiên mà dân số Trung Quốc sụt giảm trong 60 năm qua, trong bối cảnh tỷ suất sinh trên toàn quốc rơi xuống mức thấp kỷ lục. Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đe dọa tạo ra tác động sâu rộng lên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết trong năm 2022, dân số nước này đã giảm 850.000 người so với một năm trước, xuống còn 1,4118 tỷ dân.

Khoảng 9,56 triệu đứa trẻ đã được sinh ra ở Trung Quốc năm ngoái, giảm 9,98% so với năm 2021. Tỷ suất sinh toàn quốc rơi xuống mức thấp kỷ lục là 6,77 trẻ em trên mỗi 1.000 người - thấp hơn mức 7,52 của năm 2021. Đây là tỷ suất sinh thấp nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1949.

 

Trong khi đó, tỷ suất tử vong trên toàn Trung Quốc năm 2022 là 7,37 trẻ trên mỗi 1.000 người. Như vậy, tỷ suất tăng trưởng dân số của Trung Quốc là -0,6 trên 1.000 người.

Dân số của Trung Quốc bao gồm 31 tỉnh, các khu tự trị và thành phố, nhưng không bao gồm Hong Kong, Macau hay Đài Loan.

Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận xét: “Đây là lần đầu tiên dân số Trung Quốc sụt giảm kể từ năm 1961. Nhiều khả năng dân số sẽ tiếp tục đi xuống trong nững năm tới. Điều này rất quan trọng và có ý nghĩa đối với tiềm năng tăng trưởng và nhu cầu nội địa”.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), các nguyên nhân khiến dân số Trung Quốc sụt giảm bao gồm chi phí nuôi con đắt đỏ, sự thay đổi trong tư tưởng về hôn nhân và gia đình của thế hệ mới, cũng như sự giảm tốc của nền kinh tế vì chính sách chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt.

Tăng trưởng dân số của Trung Quốc đã chậm lại kể từ năm 2016. Bắc Kinh đã cố gắng đảo ngược xu hướng này bằng một loạt biện pháp hỗ trợ sinh sản ở cả cấp trung ương lẫn địa phương.

Năm 2021, Trung Quốc đã nới lỏng hạn chế để cho phép các cặp vợ chồng có ba con. Những người có nhiều con hơn cũng không bị phạt.

Các chính sách cũng chuyển sang khuyến sinh. Chính quyền địa phương tung ra một loạt biện pháp để tăng tỷ suất sinh, bao gồm thưởng tiền mặt, giảm giá nhà ở và tiền học, cho các bậc phụ huynh thêm ngày nghỉ phép và những phúc lợi khác.

Tuy nhiên, các khảo sát thai sản trên toàn quốc đã chỉ ra rằng các biện pháp khuyến khích trên vẫn chưa đủ. Hầu hết các cặp vợ chồng không muốn sinh con thứ ba.

 

Ưu điểm hóa thành nhược điểm

Liên Hợp Quốc dự báo Ấn Độ sẽ vượt mặt Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay. Liên Hợp Quốc cũng dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm còn 1,313 tỷ người vào năm 2050 và dưới 800 triệu người vào năm 2100.

Trong bối cảnh số trẻ em mới sinh suy giảm, cuộc khủng hoảng già hóa dân số của Trung Quốc ngày càng trầm trọng. Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc có 280,04 triệu người trên 60 tuổi, tương đương 19,84% dân số. Các con số tương ứng với năm 2021 lần lượt là 267,36 triệu người và 18,9%.

Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc – gồm những người từ 16 đến 59 tuổi – đạt 875,56 triệu người vào cuối năm 2022, tương đương 62% dân số, thấp hơn tỷ lệ 62,5% một năm trước đó.

 

Trong quá khứ, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc được thúc đẩy bởi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao. Nhưng các nhà kinh tế và chuyên gia nhân khẩu học cho biết trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với việc lực lượng lao động bị thu hẹp, sức chi tiêu sụt giảm và áp lực gia tăng trong hệ thống lương hưu.

Nhà kinh tế Zhang nhận định: “Trung Quốc không thể dựa vào lợi tức dân số làm động lực cơ cấu cho tăng trưởng kinh tế được nữa. Trong tương lai, nhân khẩu học sẽ là lực cản. Tăng trưởng kinh tế sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào tăng trưởng năng suất, và yếu tố này được thúc đẩy bởi các chính sách của chính phủ”.

Nhà kinh tế Ren Ziping viết trên WeChat rằng nếu Trung Quốc không tạo ra thay đổi phù hợp thì dân số già hóa sẽ gây ra tác động lâu dài tới tăng trưởng kinh tế.

Ông chỉ ra: “Khoảng cách lương hưu sẽ gia tăng. Tổng nguồn cung lao động tiếp tục giảm dẫn đến chi phí lao động đi lên. Một số ngành sản xuất đã bắt đầu và sẽ tiếp tục chuyển sang Đông Nam Á, Ấn Độ và những khu vực khác”.

Giang