|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao các cặp vợ chồng Trung Quốc được cho tiền cũng không mặn mà sinh con thứ ba?

06:53 | 03/01/2023
Chia sẻ
Gánh nặng kinh tế, thiếu thời gian chăm sóc và sức ép công việc là những lý do khiến các bậc cha mẹ Trung Quốc ngần ngại sinh con thứ ba. Nhiều chính quyền địa phương đã tung các biện pháp khuyến khích song vẫn không đủ để tạo động lực gia tăng dân số.

Nhiều khả năng Trung Quốc đã chứng kiến dân số tăng trưởng âm trong năm 2022. (Ảnh: AFP)

Để đối phó với những thách thức về tình trạng già hóa dân số, vào tháng 5/2021, Bắc Kinh đã tuyên bố cho các cặp vợ chồng có thể có tối đa ba con. Chính sách trên được ban hành sau một thay đổi lớn vào năm 2016, khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ và cho phép các cặp vợ chồng có hai con.

Gần một năm rưỡi sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra chính sách sinh con thứ ba để thúc đẩy tỷ lệ sinh, số cặp vợ chồng Trung Quốc muốn có ba con vẫn rất thấp.

Người dân không mặn mà sinh con thứ ba

Theo cuộc khảo sát do Học viện Phát triển Dân số Quảng Đông thực hiện vào tháng 11-12/2021, tại Quảng Châu, một thành phố giàu có ở miền nam Trung Quốc, chỉ có khoảng 9% cư dân muốn có ba con trở lên.

Kết quả khảo sát được công bố vào tháng 8 trên cho thấy hơn 80% trong số 23.323 người mong muốn có con đều trả lời chỉ muốn sinh từ một đến hai con.

Theo một cuộc khảo sát tương tự được thực hiện tại thủ đô Bắc Kinh năm ngoái, trong số 2.060 người ở độ tuổi từ 18 đến 50, chỉ 4,2% xác định có “khả năng cao” sẽ sinh ba con.

Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm ngoái tại tỉnh Thiểm Tây nằm ở phía tây bắc cho thấy gần 70% trong số 417 người được hỏi tỏ ra ngần ngại hoặc không muốn có ba con và chỉ có 7,3% số người tỏ ra hào hứng.

Theo một báo cáo được công bố vào tháng 2, phụ nữ không muốn sinh ba con nhiều hơn nam giới, những người trẻ tuổi không muốn sinh ba con nhiều hơn những người ở độ tuổi trung niên và trình độ học vấn càng cao thì mong muốn sinh ba con càng thấp.

Báo cáo trên nhấn mạnh tỷ lệ sinh thấp của Trung Quốc không thể đảo ngược chỉ bằng cách nới lỏng các hạn chế về sinh đẻ.

Tỷ suất sinh của Trung Quốc thấp hơn mức 2,1 cần thiết để duy trì quy mô dân số ổn định, đồng thời thấp hơn cả những nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản.

Theo nghiên cứu, gánh nặng kinh tế trong quá trình nuôi dạy con cái, tình trạng thiếu hụt thời gian, sức khỏe và áp lực công việc là những trở ngại chính khiến các bậc cha mẹ ngần ngại sinh thêm con.

Ông Jiang Quanbao, Giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Giao thông Tây An, cho biết: “Giống như nhiều quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, việc sẵn sàng có hai con rất phổ biến ở Trung Quốc, nhưng đây là một hoàn cảnh lý tưởng, phần lớn người dân không thể hiện thực hóa điều này. Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc sẽ giảm hơn nữa trong năm nay”.

Theo ông Jiang, nhiều khả năng Trung Quốc đã chứng kiến dân số suy giảm trong năm 2022.

 

Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy lần cuối cùng nước này chứng kiến tỷ lệ tử vong vượt tỷ lệ sinh là vào năm 1960 - thời điểm xảy ra nạn đói lớn tại Trung Quốc.

Chính sách khuyến khích từ chính phủ

Cuộc khảo sát được công bố vào tháng 8 cũng cho thấy chính sách hỗ trợ của chính phủ có thể thúc đẩy nhu cầu sinh con thêm 31 điểm phần trăm. Điều này có nghĩa các biện pháp hỗ trợ sẽ đóng vai trò quan trọng để gia tăng tỷ lệ sinh.

Chính quyền nhiều tỉnh và thành phố đã đưa ra các sáng kiến để khuyến khích người dân sinh thêm con như tăng thời gian nghỉ cho cha mẹ đi kèm với khoản hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cho thấy các biện pháp khuyến khích hiện tại vẫn chưa đủ.

Khi so sánh lợi ích về chi phí, báo cáo từ cuộc khảo sát tại Thiểm Tây nhận định trong hoàn cảnh hiện nay, quy mô của các biện pháp hỗ trợ mà chính phủ đưa ra vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí nuôi dạy và rất khó để giảm chi phí nuôi dạy thông qua chính sách hỗ trợ. Do đó, phản ứng chung của dư luận đối với chính sách ba con là tương đối tiêu cực.

Cuộc khảo sát tại Quảng Châu cũng cho thấy 77,8% số người tham gia cho rằng việc giải quyết vấn đề chăm sóc trẻ sẽ có tác động lớn đến tâm lý sẵn lòng sinh con của người dân. Nhưng đàn ông tỏ ra tự tin hơn phụ nữ về vấn đề này, vì phụ nữ có xu hướng nghĩ rằng không nên đánh giá quá cao tác động của những chính sách hỗ trợ từ chính phủ.

Trà My

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.