Trung Quốc đe dọa quyền lực mềm của Nhật Bản bằng trò chơi điện tử, hoạt hình
Tờ People’s Daily của Trung Quốc gần đây đã kêu gọi đất nước tăng cường lập kế hoạch chiến lược trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Lĩnh vực này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc “quảng bá văn hóa Trung Quốc” và nâng cao tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Bloomberg nhận định rằng dường như Trung Quốc đang ghen tị với quyền lực mềm của người hàng xóm Nhật Bản.
Bất chấp rào cản ngôn ngữ đáng kể, Nhật Bản đã đạt được thành tựu to lớn trong những lĩnh vực văn hóa đại chúng như trò chơi điện tử và hoạt hình (anime). Những công cụ này đã giúp Tokyo giành được bạn bè và duy trì vị thế quốc tế khi sức mạnh kinh tế đang suy giảm.
Trung Quốc cũng muốn thống trị lĩnh vực trò chơi điện tử như bao ngành công nghiệp khác. Và mục tiêu này hiện đang không quá xa tầm với của Bắc Kinh.
Ví dụ, Genshin Impact là một trò chơi nhập vai giả tưởng có vẻ ngoài và cảm giác rất giống Nhật Bản. Tuy vậy, Genshin Impact được sản xuất và phát triển tại Trung Quốc. Năm ngoái, trò chơi này mang về doanh thu 1,8 tỷ USD.
Genshin Impact thu về doanh thu lớn hơn bất cứ trò chơi trên di động nào của Nhật Bản. Trong số 8 trò chơi trên di động thu về hơn 1 tỷ USD năm ngoái, không có sản phẩm nào được sản xuất ở Nhật Bản. Và bất chấp sự hoài nghi ban đầu, Genshin Impact, một trò chơi do Trung Quốc sản xuất, cũng đã chiếm được cảm tình của người Nhật.
Nhật Bản đứng yên
Trung Quốc không phải người duy nhất muốn sử dụng trò chơi điện tử để quảng bá và nâng cao quyền lực mềm. Liên minh châu Âu cũng vừa mới thông qua một đạo luật, kêu gọi xây dựng chiến lược về trò chơi điện tử để thúc đẩy “các giá trị châu Âu”. Đạo luật mang đến các ưu đãi và kêu gọi một chiến lược toàn châu Âu để phát triển các tài sản trí tuệ.
Giữa những nỗ lực nâng cao quyền lực mềm trên toàn thế giới, Nhật Bản đang nằm bất động. Với một số người, Nhật Bản đồng nghĩa với trò chơi điện tử. Những cái tên như Nintendo, PlayStation và Sega đã khắc sâu vào ký ức của những người trung niên. Có lẽ Nhật Bản đã quá tự tin vào vị thế của mình.
Theo Bloomberg, sự thống trị của Nhật Bản trong lĩnh vực trò chơi điện tử chủ yếu là dựa vào may mắn. Và ảnh hưởng của Tokyo trong lĩnh vực này cũng đang dần giảm sút, kể từ khi nắm vị trí độc tôn vào những năm 1990.
Hiện tại, một làn sóng sáp nhập lớn ở nước ngoài đang có nguy cơ tạo thêm những đối thủ thậm chí còn lớn hơn trước. Các nhà sản xuất Nhật Bản vẫn chiếm ưu thế tại thị trường trò chơi di động trong nước. Tuy vậy, những thành công quốc tế vẫn còn quá ít. Tham vọng toàn cầu của Nhật Bản hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào máy chơi game của Nintendo và Sony.
Những động thái gần đây của châu Âu và Trung Quốc là một hồi chuông cảnh tỉnh, thúc đẩy Nhật Bản phát triển một chiến lược hỗ trợ ngành công nghiệp này. Tokyo có thể tăng cường tài trợ, giảm thuế và khuyến khích dạy kĩ năng, thu hút thêm người mới.
Tuy vậy, mức lương thấp tại Nhật Bản đang trở thành một vấn đề lớn. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà cung cấp Giải trí Máy tính, một nhân viên phát triển trò chơi điện tử trung bình, ở độ tuổi giữa 30 và khoảng một thập kỷ kinh nghiệm, chỉ kiếm được 5,5 triệu yên (40.000 USD) mỗi năm.
Thêm vào đó, thời gian làm việc dài và điều kiện cũng vất vả, nên công việc trong ngành trò chơi điện tử giống như một niềm đam mê hơn là nghề nghiệp.
Câu chuyện tương tự đang diễn ra trong ngành công nghiệp hoạt hình của Nhật Bản, nơi mà ngay cả Studio Ghibli (nổi tiếng với các bộ phim như Hàng xóm của tôi là Totoro, Lạc vào vùng đất linh hồn …) cũng phải đối mặt với những chỉ trích về mức lương.
Ngày càng xuất hiện nhiều các sản phẩm theo phong cách “anime Nhật Bản” do các hãng phim có trụ sở tại Thượng Hải hoặc Seoul sản xuất. Kakao Piccoma của Hàn Quốc đang tìm cách thống trị lĩnh vực ứng dụng xem manga của Nhật Bản. Công ty này đang tìm kiếm mức định giá 6 tỷ USD vào năm 2023.
Đồng thời, khoảng cách về lương đang khiến ngày càng nhiều nhà phát triển trò chơi Nhật Bản được phía Trung Quốc săn đón. Ông Toshihiro Nagoshi, nhà sản xuất nổi tiếng của tựa game Yakuza, gần đây đã hợp tác với NetEase.
Câu chuyện về ngành giải trí Nhật Bản tương tự như bao lĩnh vực khác trong quá khứ. Nhật Bản từng đi tiên phong trong ngành sản xuất điện thoại hay chip nhớ, rồi lại đánh mất lợi thế vào thay các đối thủ nhanh nhẹn và quyết liệt hơn.
Sau cuộc Khủng hoảng Tài chính toàn cầu 2008, các nhà sản xuất tivi của Trung Quốc và Hàn Quốc đã chộp lấy các kỹ sư Nhật Bản bằng mức lương hấp dẫn. Kết quả là, dù Sony từng sản xuất TV OLED đầu tiên trên thế giới vào năm 2007, giờ đây hãng đang phải mua tấm nền từ LG để lắp vào TV Bravia của mình.
Kế hoạch mới của Thủ tướng Fumio Kishida đề cấp đến những ngành công nghiệp sôi động như Web3 hay NFT, và bỏ quên mất trò chơi điện tử. Nếu Nhật Bản không thay đổi, ngành công nghiệp giải trí của nước này có thể sẽ nhanh chóng cạn kiệt nguồn sống.