|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc bước ra từ bóng đen Zero COVID: Đường phố đông nghịt, bệnh viện quá tải vì hàng triệu ca nhiễm mới

18:48 | 26/12/2022
Chia sẻ
Ngày đầu tuần 26/12, dòng người đeo khẩu trang đổ về các tuyến phố và ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh và Thượng Hải khi hai thành phố lớn nhất Trung Quốc bắt đầu sống chung với COVID-19. Các bệnh viện đang phải gồng mình chống đỡ khi số ca nhiễm lên tới hàng triệu mỗi ngày.

Người dân đi tàu điện ngầm tại Thượng Hải, ngày 26/12/2022. (Ảnh: Reuters).

Sau gần ba năm kiên trì với chính sách Zero COVID, Trung Quốc đã gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa hà khắc và bắt đầu cho phép kinh tế mở cửa trở lại.

Theo Reuters, virus hiện nay đang tự do lan rộng trên khắp đất nước tỷ dân. Nhiều chuyên gia y tế đã bày tỏ nghi ngờ về số liệu thống kê của Trung Quốc khi chính quyền thông báo không có ca tử vong nào mới do COVID trong 6 ngày vừa qua.

Các bác sỹ cho biết bệnh viện đang quá tải vì số bệnh nhân cao gấp 5 – 6 lần bình thường, chủ yếu là người già.

Người dân tại các đô thị lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải từng kiên trì ở trong nhà trong vài tuần đầu mở cửa nhưng hiện nay đã có những dấu hiệu cho thấy cuộc sống đang dần trở lại thời kỳ trước dịch.

Các chuyến tàu điện ngầm ở Thượng Hải và Bắc Kinh đang đông nghịt người, một số con đường trọng điểm của hai thành phố này cũng chứng kiến những đoàn xe ô tô di chuyển chậm chạp trong sáng đầu tuần 26/12 khi nhiều người đến cơ quan làm việc.

Một cư dân Thượng Hải 25 tuổi nói với Reuters: “Tôi đã chuẩn bị để sống cùng đại dịch. Phong tỏa không phải là giải pháp dài hạn”.

Không khí nhộn nhịp tại Thượng Hải những ngày qua trái ngược hoàn toàn với tình trạng hoang vắng hồi tháng 4 và 5 năm nay khi đô thị 26 triệu dân này phong tỏa nghiêm ngặt, hầu như không có ai được ra khỏi nhà.

Nhiều người đã tụ tập về khu chợ Giáng sinh Bund và công viên giải trí Shanghai Disneyland ở Thượng Hải, cũng như công viên giải trí Universal Studios ở Bắc Kinh. Số người đến các danh thắng ở thành phố Quảng Châu phía nam Trung Quốc cuối tuần vừa qua tăng 132% so với tuần trước đó.

“Giờ đây gần như tất cả đều đã trở về một cuộc sống thường nhật”, một cư dân Bắc Kinh 29 tuổi nói.

Công nhân sản xuất thuốc sốt tại tỉnh Quý Châu, tháng 12/2022. (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng nới lỏng các biện pháp phòng dịch và chuẩn bị coi COVID là bệnh đặc hữu. Các chính sách chống dịch gắt gao của Trung Quốc trong gần ba năm qua đã khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế 17.000 tỷ USD rơi xuống mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục chịu thiệt hại trong tương lai gần khi làn sóng COVID lan rộng tới các trung tâm sản xuất khiến cho nhiều công nhân đổ bệnh. Từ năm sau, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mới có thể bật dậy.

 

Tập đoàn xe điện Tesla đã thông báo dừng sản xuất tại siêu nhà máy ở Thượng Hải. Công ty không đưa ra lý do cụ thể cho quyết định đóng cửa nhà máy, nhưng nguồn tin của Reuters cho biết nhiều công nhân của Tesla cũng như của các nhà cung cấp đã nhiễm COVID-19 trong đợt này, khiến cho hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, Tesla còn đang phải ứng phó với tình trạng hàng tồn kho cao khi kinh tế có nguy cơ suy thoái.

Bệnh viện quá tải, hàng triệu ca bệnh mới mỗi ngày

Trung Quốc đã thu hẹp định nghĩa bệnh nhân tử vong vì COVID chỉ còn những người chết vì viêm phổi và suy hô hấp do COVID gây ra. Đây là cách định nghĩa hiếm thấy trên thế giới và bị các chuyên gia y tế cho là không thỏa đáng.

Hệ thống y tế của Trung Quốc đang chịu áp lực khổng lồ khi các y tá và bác sỹ ngã bệnh vì lây nhiễm, số bệnh nhân tăng gấp hội, và các nhân viên y tế về hưu đã được gọi trở lại ngành để hỗ trợ, truyền thông nhà nước cho hay.

Tỉnh Chiết Giang, một trung tâm công nghiệp lớn gần Thượng Hải với dân số 65 triệu người, hôm 25/12 thông báo số ca dương tính COVID-19 đã lên tới 1 triệu ca mỗi ngày và có khả năng lên cao gấp đôi trong những ngày tới.

Quan chức y tế của tỉnh Giang Tây ở phía đông nam Trung Quốc dự báo số ca nhiễm bệnh sẽ lập đỉnh vào đầu tháng 1, đồng thời cảnh báo có thể còn nhiều đỉnh dịch khác khi người dân đi về quê ăn Tết Nguyên đán.

Giang Tây lo ngại đợt dịch này sẽ kéo dài ba tháng và khoảng 80% dân số 45 triệu người của tỉnh này sẽ dương tính.

Thành phố Thanh Đảo của tỉnh Sơn Đông ở phía đông Trung Quốc ước tính hiện có tới 530.000 ca bệnh mới mỗi ngày.

Các thành phố trên khắp đất nước đang phải chạy đua để tăng thêm các phòng chăm sóc tích cực (ICU), phòng khám sốt và những cơ sở y tế khác nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh cho biết số phòng khám sốt của thành phố này đã tăng từ 94 lên gần 1.300. Thượng Hải có 2.600 phòng khám kiểu này và đã điều động bác sỹ từ nhiều cơ sở y tế tới hỗ trợ.

Hiện có nhiều lo ngại về khả năng chống dịch của những địa phương nghèo hơn ở Trung Quốc, đặc biệt là khi hàng trăm triệu người lao động nhập cư đi từ thành phố về nông thôn trong dịp Tết sắp tới.

Bác sỹ Howard Bernstein đang làm việc tại Bắc Kinh cho biết ông đã có 30 năm kinh nghiệm trong nghề cấp cứu nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng như hiện nay.

Bệnh nhân đổ về ngày càng đông, đa phần là người già và nhiều người có các triệu chứng viêm phổi nặng vì COVID-19. Nhiều bệnh viện và nhà hỏa táng ở Bắc Kinh đã quá tải.

“Các phòng chăm sóc tích cực đã chật cứng”, phòng cấp cứu, phòng khám và các phòng khoa khác cũng vậy, bác sỹ Howard Berntein tại Bệnh viện Gia đình Thống nhất Bắc Kinh nói.

Trong một tháng qua, bác sỹ Bernstein đi từ chỗ chưa từng chữa trị bệnh nhân COVID đến mức phải thăm khám cho hàng chục người mỗi ngày.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tại một phòng khám sốt di động được chuyển đổi từ một chiếc xe bus, tỉnh Giang Tô, ngày 25/12/2022. (Ảnh: Reuters).

Trao đổi với Reuters, một y tá ở thành phố Tây An cho biết 45 trong tổng số 51 y tá trong khoa của cô và toàn bộ nhân viên phòng cấp cứu đã nhiễm COVID-19 trong vài tuần gần đây.

“Các đồng nghiệp của tôi dương tính rất nhiều”, cô y tá 22 tuổi họ Wang nói. “Gần như tất cả bác sỹ đã nhiễm bệnh”. Cô Wang và các y tế ở những bệnh viện khác được yêu cầu đến làm việc kể cả khi đã xét nghiệm dương tính và có triệu chứng nhẹ.

Một y tá 29 tuổi họ Jiang, đang làm việc tại khoa tâm thần của một bệnh viện tại tỉnh Hồ Bắc, cho biết số nhân viên y tế đang làm việc tại khoa của cô đã giảm quá nửa và khoa đã dừng tiếp nhận bệnh nhân mới. Hiện nay ca làm việc của cô dài tới 16 tiếng và không có đủ người hỗ trợ.

Đức Quyền