Kinh tế Trung Quốc oằn mình dưới làn sóng COVID sau nới lỏng
Dữ liệu tổng hợp của Bloomberg sử dụng 8 chỉ báo sớm cho thấy hoạt động kinh tế tại Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong tháng 12, khi đợt bùng phát COVID lớn lan rộng khắp đất nước.
Financial Times dẫn lời ông Sun Yang, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho hay chỉ trong 20 ngày đầu tháng 12, khoảng 250 triệu người, hay 18% dân số nước này, đã nhiễm COVID.
Ngay cả trước khi nhiều biện pháp phòng dịch được dỡ bỏ, nền kinh tế Trung Quốc đã gặp khó khăn, với chi tiêu giảm sâu, và sản lượng công nghiệp tăng trưởng chậm nhất kể từ đợt phong tỏa hồi đầu năm.
Doanh số bán lẻ tại Bắc Kinh đã giảm gần 18% trong tháng 11 do các ca nhiễm và hạn chế tăng lên. Tuy vậy, theo dữ liệu tần suất sử dụng tàu điện ngầm và đường bộ, khi các hạn chế được dỡ bỏ trong tháng này, hoạt động đi lại vẫn phục hồi rất ít.
Theo BloombergNEF, vào hôm 22/12, chỉ có 3,6 triệu lượt khách đi tàu điện ngầm tại Bắc Kinh, thấp hơn 70% so với cùng ngày năm 2019. Tắc nghẽn giao thông trên đường phố cũng chỉ bằng 30% so với tháng 1/2021. Những thành phố lớn khác như Trùng Khánh, Quảng Châu, Thượng Hải, Thiên Tân và Vũ Hán cũng chứng kiến mức giảm tương tự.
Doanh số bán nhà và xe ô tô đều giảm trong những tuần đầu tiên của tháng này. Doanh số bán ô tô đã trở thành điểm sáng cho chi tiêu trong năm nay sau khi được chính phủ trợ cấp. Tuy vậy, số lượng xe bán ra vào tháng trước đã đi xuống. Doanh số tụt dốc khiến sản lượng ô tô giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5, thời điểm nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa.
Vào đầu năm, chính sách Zero COVID khiến phụ tùng ô tô bị thiếu hụt và làm một số nhà máy đóng cửa. Hiện tại, COVID đang ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất khi làm cho công nhân bị ốm hàng loạt.
Sự lây lan virus trên toàn Trung Quốc cũng làm giảm sự hưng phấn trên thị trường chứng khoán. Chỉ số Shanghai Composite đã quay lại mức trước khi các nhà chức trách bắt đầu nới lỏng chính sách phòng dịch ngày 11/11.
Giá quặng sắt cũng đã đi xuống, làm lu mờ triển vọng nhu cầu trong ngắn hạn và suy yếu tác động của những chính sách hỗ trợ gần đây cho lĩnh vực bất động sản. Guangfa Futures cho biết các nhà máy thép Trung Quốc hiện đang giảm sản lượng và tồn kho đang tăng lên vào giữa tháng này.
Theo Standard Chartered, sự sụt giảm trên nhiều thị trường phản ánh sự sụt giảm tháng thứ 3 liên tiếp của chỉ số niềm tin doanh nghiệp nhỏ. Dù tháng 12 đã có sự cải thiện nhỏ so với tháng 11, các chỉ số chính vẫn cho thấy doanh nghiệp nhỏ không lạc quan về tình hình hiện tại và tương lai.
Các nhà kinh tế học của Standard Chartered cho biết lĩnh vực sản xuất đã có một số cải thiện, với số lượng đơn đặt hàng mới, doanh số bán hàng và sản lượng đi lên so với tháng 11, và “có khả năng phản ánh tác động tích cực của việc nới lỏng các hạn chế COVID”.
Tuy nhiên, “các doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa tiếp tục đối mặt với nhiều trở ngại do tâm lý người tiêu dùng vẫn yếu trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng”.
Tại nước ngoài, không có nhiều tin tốt cho doanh nghiệp Trung Quốc. Hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm gần 27% trong 20 ngày đầu tháng 12, cho thấy nhu cầu chất bán dẫn của nền kinh tế số hai thế giới đã yếu đi.
Dữ liệu tổng hợp của Bloomberg dựa trên mức trung bình có trọng số của 8 chỉ báo, bao gồm: các cổ phiếu lớn trong nước, tổng diện tích sàn bán ra tại 4 thành phố cấp 1, doanh số thép xây dựng, giá đồng, nhập khẩu từ Hàn Quốc, lạm phát nhà máy, niềm tin doanh nghiệp vừa và nhỏ, và doanh số bán ô tô.
Ngừng công bố dữ liệu
Theo Reuters, người dân và các chuyên gia đang kêu gọi Bắc Kinh cung cấp dữ liệu chính xác hơn về số lượng ca bệnh. Số liệu ca nhiễm đã trở nên không đáng tin cậy khi Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) ngừng báo cáo những trường hợp nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng.
Vào hôm 25/12, NHC đã ngừng công bố số ca nhiễm hàng ngày. CDC Trung Quốc cho biết số ca mắc ngày 25/12 tại nước này đã đạt kỷ lục, nhưng không có trường hợp tử vong nào trong 5 ngày tính đến 24/12.
Theo nguồn tin của Financial Times, chỉ riêng trong ngày 20/12, 37 triệu người Trung Quốc đã bị nhiễm bệnh.
Bắc Kinh đã thu hẹp định nghĩa về trường hợp tử vong do COVID, và chỉ tính đến những người chết do viêm phổi hoặc suy hô hấp bởi COVID.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không nhận được dữ liệu nào từ Trung Quốc về các ca nhập viện mới do COVID từ khi Bắc Kinh nới lỏng hạn chế. WHO cho biết lỗ hổng dữ liệu có thể do chính quyền đang gặp khó khăn trong việc kiểm đếm ca bệnh ở quốc gia đông dân nhất thế giới.