|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao chấm dứt Zero COVID sẽ không giúp vực dậy nền kinh tế Trung Quốc?

15:50 | 22/12/2022
Chia sẻ
Theo SCMP, trừ khi chính phủ Trung Quốc tăng tỷ trọng tiêu dùng trong cơ cấu GDP, chỉ chấm dứt chính sách Zero COVID sẽ không thể giúp kích thích tăng trưởng kinh tế đi lên.

Một người phụ nữ ngồi nghỉ tại một trạm xe buýt ở Bắc Kinh. (Ảnh: EPA-EFE).

Bắc Kinh đang từng bước từ bỏ chiến lược Zero COVID. Sau nhiều đợt phong toả khắc nghiệt, động thái này sẽ giúp kìm hãm đà suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, những thách thức kinh tế tồn tại trước đại dịch vẫn còn đó.

Theo SCMP, chỉ các cải cách cơ cấu sâu rộng mới có thể đảo ngược xu hướng tăng trưởng của Trung Quốc và Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không theo đuổi những chính sách như vậy.

Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ lựa chọn con đường ít khó khăn nhất, nhưng nền kinh tế tỷ dân sẽ phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nợ và tài khoá trên hành trình chuyển đổi này.

Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ phải xoay xở với những làn sóng lây nhiễm COVID lớn, bởi người dân vẫn chưa hình thành khả năng miễn dịch cộng đồng.

Sau đó, dịch bệnh tại Trung Quốc sẽ diễn biến tương tự các quốc gia khác. Song, lúc này, công chúng có thể sẽ cố gắng tránh né các cuộc tụ tập đông đúc, dẫn đến sự trì trệ của ngành dịch vụ.

Từ góc độ thiệt hại - lợi ích, Zero COVID là một lựa chọn phù hợp vào năm 2020. Tuy nhiên, khi virus giảm độc lực và dễ lây lan hơn, thì ngay trước khi Thượng Hải bị phong toả vào đầu năm nay, chiến lược đó đã không còn nhiều ý nghĩa.

Trong suốt 8 tháng qua, Trung Quốc đã lãng phí hàng nghìn tỷ nhân dân tệ khi gắng sức theo đuổi một chính sách không còn khả thi. Điều đáng mừng là Bắc Kinh đã cho thấy sự linh hoạt khi quyết định điều chỉnh các biện pháp chống dịch.

 

Thách thức thực thụ

Tuy nhiên, nhìn xa hơn, thách thức kinh tế thực sự của Trung Quốc là mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư của nước này đang ngày càng suy yếu, tạo ra ít lợi ích hơn, tờ SCMP đánh giá.

Trong một thập kỷ vừa qua, lĩnh vực bất động sản nóng sốt và tỷ giá hối đoái được duy trì ở mức thấp đã giúp chính phủ Trung Quốc trợ cấp chi phí vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng.

Doanh thu từ lĩnh vực bất động sản - hiện chiếm khoảng 10% GDP Trung Quốc - đã cung cấp nguồn tiền để chính quyền nhiều địa phương trực tiếp chi trả cho các hạng mục đầu tư.

Chính quyền địa phương cung cấp đất miễn phí, đôi khi xây dựng nhà máy và trả tiền thiết bị vật tư để thu hút nhà đầu tư. Cái giá cho việc này là tỷ trọng của tiêu dùng trong GDP đi xuống và nợ hộ gia đình lại đi lên.

Để thúc đẩy tăng trưởng, SCMP cho rằng Bắc Kinh cần xác định những điểm chưa hiệu quả trong hệ thống kinh tế.

Bong bóng bất động sản của Trung Quốc đang xì hơi, báo hiệu sự kết thúc của mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư bằng nguồn vốn trợ cấp.

Các nhà phát triển địa ốc Trung Quốc đã và đang phải vật lộn để xoay xở các khoản nợ lên tới hàng chục nghìn tỷ nhân dân tệ. Mặc dù họ có thể đề nghị chủ nợ gia hạn thời gian thanh toán, các khoản nợ này đa phần đều là nợ xấu.

Việc kéo dài thời hạn trả nợ chỉ có thể mang lại hiệu quả nếu thị trường bất động sản có thể trở lại đỉnh cao trước đây. Song, đây rõ ràng không phải là điều khả thi. Do đó, hầu hết các khoản nợ này đều sẽ phải xoá sổ (write-off).

Hệ thống tài chính Trung Quốc không thể hoạt động bình thường trong môi trường như vậy. Bắc Kinh có thể can thiệp vào thị trường bất động sản, nhưng cách giải quyết này không bền vững.

Rõ ràng, để vực dậy tăng trưởng, mô hình kinh tế của Trung Quốc cần trở nên hiệu quả hơn - sao cho trong GDP, đầu tư chiếm tỷ trọng nhỏ hơn và tiêu dùng chiếm phần lớn hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thể hiện mong muốn thay đổi hướng đi. Đó là lý do tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ thấp hơn trong những năm tới.

Bên cạnh nút thắt cổ chai về cơ cấu kinh tế nội địa, suy thoái kinh tế toàn cầu rình rập có thể đè bẹp động cơ tăng trưởng duy nhất hiện nay của Trung Quốc: xuất khẩu.

Bất chấp chiến tranh thương mại và lệnh cấm xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ cũng như xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, cỗ máy xuất khẩu của đất nước tỷ dân vẫn hoạt động hiệu quả.

Gần đây, chỉ chính sách Zero COVID mới có tác động đáng kể đến cỗ máy đó. Với khả năng phục hồi như vậy, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ cải thiện nhanh chóng trong những tháng tới.

 

Song, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với áp lực lạm phát dai dẳng, một phần do các biện pháp nới lỏng định lượng được triển khai thời đại dịch. Hút nguồn tiền dư thừa trong nền kinh tế sẽ dẫn đến suy thoái trên quy mô lớn.

Nếu xảy ra, đó có thể là cuộc suy thoái dài nhất trong 4 thập kỷ. Thương mại toàn cầu có thể bị đình trệ hoặc thu hẹp lại. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải vật lộn để tạo ra tăng trưởng trong một môi trường toàn cầu như vậy, SCMP lập luận.

Khả Nhân