|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh nhân Trung Quốc lần đầu xuất ngoại sau ba năm, hy vọng vực dậy công việc kinh doanh và nền kinh tế

14:40 | 21/12/2022
Chia sẻ
Lần đầu tiên trong ba năm qua, chính quyền các địa phương trên khắp Trung Quốc đang dốc sức hỗ trợ doanh nhân ra nước ngoài gặp gỡ đối tác, giành lại những đơn hàng đã mất và vực dậy nền kinh tế nội địa.

(Ảnh minh hoạ: SCMP).

Những chuyến xuất ngoại đầu tiên

Trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên sau ba năm, Chen Yuan - chủ một công ty xuất khẩu máy tính và phụ kiện điện thoại tại Trung Quốc - đã chọn Dubai là điểm dừng chân đầu tiên của mình. Anh mô tả việc gặp gỡ một số khách hàng lâu năm là “cuộc hội ngộ thú vị của những người bạn cũ”.

“Ba năm qua, họ không đến Trung Quốc và chúng tôi thì không ra ngoài được”, anh Chen chia sẻ. “Một trong những khách hàng đã rất vui và nói với tôi rằng ‘lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy một khuôn mặt Trung Quốc’”.

Chen khởi hành vào ngày 6/12 cùng một nhóm khoảng hơn chục doanh nhân và quan chức chính quyền từ thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang.

Sau 4 ngày gặp gỡ với các khách hàng cả cũ lẫn mới, cũng như tham dự các sự kiện thương mại ở Trung Đông, cả nhóm bay đến Jakarta, lặp lại quy trình đó một lần nữa, tờ SCMP cho biết.

Ngày anh Chen đặt chân đến Indonesia, ông chủ công ty dệt may Shen Wei, đến từ thành phố Gia Hưng lân cận, cũng vừa trở về từ Nhật Bản trên một chuyến bay do chính quyền thành phố đặt sẵn.

Shen vừa tham dự Hội chợ Thời trang châu Á kéo dài ba ngày ở Tokyo. Ông là thành viên của một nhóm gồm hơn 90 đại diện công ty dệt may.

“Trước đây, việc ra nước ngoài gặp gỡ khách hàng là rất phổ biến, vì vậy chúng tôi khi đó không trân trọng cơ hội nhiều như bây giờ”, ông Shen cho hay.

Sau khi đột ngột điều chỉnh chính sách chống dịch trong vài tuần qua, chính phủ Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính quyền nhiều địa phương đã vội vã cử các phái đoàn doanh nghiệp ra nước ngoài, thu hút thêm hợp đồng làm ăn mới.

Trong ba năm qua, Trung Quốc đã tự cô lập mình với thế giới, dẫn đến số đơn hàng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vào thị trường tỷ dân giảm dần.

Theo SCMP, khoảng hai tháng nay, giới chức Trung Quốc đã đồng hành cùng doanh nghiệp từ các trung tâm xuất khẩu lớn như Chiết Giang, Giang Tô và Quảng Đông cũng như từ các vùng kinh tế quan trọng như Tứ Xuyên và Sơn Đông.

Họ cùng nhau tham dự một loạt hội chợ thương mại để kết nối với các đối tác mới ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi và các nước châu Á khác.

Đối với hầu hết những người này, đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên kể từ khi đại dịch lần đầu bùng phát vào cuối năm 2019.

Ông Gao Zhendong, nhà tư vấn đã giúp đỡ nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng sản xuất tại Đông Nam Á những năm gần đây, cho biết: “Đó là tín hiệu tích cực và cần thiết cho các nhà đầu tư cũng như các nhà xuất khẩu Trung Quốc”.

“Chúng tôi dự đoán các hoạt động thương mại như thế này sẽ bùng nổ mạnh mẽ vào đầu năm tới”, ông Gao nói thêm.

 

Vết sẹo khó phai mờ ngay tức khắc

Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng doanh nghiệp Trung Quốc khó có thể xoa dịu ngay lập tức những vết sẹo hình thành trong thời gian dài nền kinh tế bị cô lập.

Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh nhu cầu hàng hoá từ các nền kinh tế phát triển đang dần suy yếu khi nguy cơ suy thoái lớn dần và quá trình đa dạng hoá chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc tăng tốc.

“Doanh nghiệp sẽ cần thời gian để bù đắp thiệt hại, quá trình phục hồi sẽ không diễn ra nhanh chóng”, ông Chen bày tỏ.

Vào thời điểm này trong năm, nhà máy của ông Shen tại thành phố Gia Hưng thường nhận được rất nhiều đơn hàng, nhưng năm nay khách nước ngoài đặt hàng chậm hơn, khiến ông cảm thấy lo lắng.

Hiện tại, các doanh nghiệp dệt may cấp thấp tại Trung Quốc đã dịch chuyển đến nơi khác nhằm mục đích nâng cấp ngành công nghiệp nội địa. Mặt khác, Mỹ và châu Âu đang giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Cùng với đó, tình trạng gián đoạn sản xuất do các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của Bắc Kinh đã thúc đẩy khách hàng quốc tế tìm kiếm nhà cung cấp thay thế cho Trung Quốc, ông Shen cho hay.

“Khách hàng nước ngoài quan tâm nhất đến sự ổn định của chuỗi cung ứng - nghĩa là liệu sản phẩm có được giao đúng hạn hay không”, vị doanh nhân nói. “Khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục bất ổn, dần dần họ sẽ tìm kiếm đối tác khác ở Đông Nam Á”.

Doanh nghiệp Trung Quốc có thể giải quyết một số thách thức thương mại bằng cách duy trì quan hệ tốt với khách hàng, lý tưởng nhất là thông qua tương tác trực tiếp.

Song, hầu hết các nhà xuất khẩu Trung Quốc - đặc biệt là các công ty nhỏ và siêu nhỏ với nguồn ngân sách eo hẹp - lại bị kẹt trong nước bởi các thủ tục cách ly kéo dài, giá vé máy bay quốc tế đắt đỏ,...

Gần đây, chính quyền các địa phương đã trợ cấp chi phí chuyến bay và khách sạn cho doanh nhân ra nước ngoài. Ngoài ra, họ còn đảm bảo rằng quá trình xin thị thực sẽ diễn ra suôn sẻ và sẽ có chuyến bay khứ hồi quay về nước.

Ông Shen cho hay: “Ngồi lại và trò chuyện cùng nhau sẽ hữu ích hơn nhiều so với việc viết hàng trăm email”.

Ông đã đàm phán được một đơn hàng mới trị giá 1 triệu USD sau khi gặp khách hàng ở Hàn Quốc, lần đầu tiên sau gần ba năm. Thoả thuận đạt được ngay trước chuyến công tác Nhật Bản.

 

Tìm kiếm khách hàng mới thậm chí còn cấp bách hơn đối với Chen. Anh đã chứng kiến thị phần tại Mỹ sụt giảm đáng kể kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% đối với hàng hoá Trung Quốc.

“Nhu cầu từ châu Âu cũng đang thu hẹp, cuộc khủng hoảng năng lượng và cuộc chiến tại Ukraine cũng ảnh hưởng đến chúng tôi”, Chen cho hay.

Mở rộng thị phần tại Trung Đông và Đông Nam Á là mục tiêu chính của Chen khi anh quyết định tham gia phái đoàn do chính quyền Ninh Ba tổ chức. Nhờ đó, anh được gặp các nhà nhập khẩu và hiệp hội doanh nghiệp ở Dubai và Jakarta.

Theo dữ liệu từ hãng tư vấn logistics Descartes, trong tháng 10, lượng hàng nhập khẩu bằng container của Mỹ tăng 0,2% so với tháng 9. Song, nhập khẩu từ Trung Quốc lại sụt 5,5%, xuống còn 45.071 TEU.

Thay vì Trung Quốc, Mỹ đã tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Dữ liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của nước này trong tháng 11 giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 10, mức giảm ghi nhận là 0,3%.

Bất chấp nỗ lực của chính quyền nhiều địa phương nhằm giành lại các đơn hàng, hầu hết chuyên gia kinh tế dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục đi xuống trong nửa đầu năm tới khi nền kinh tế toàn cầu chững lại.

Ông Lu Hua, chủ một công ty gia công linh kiện tại Quảng Đông, cho rằng chính phủ cần phải làm nhiều hơn để khôi phục niềm tin của doanh nghiệp ngoại vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

“Thị trường cần một thứ rất đơn giản, đó chính là lòng tin”, ông nhấn mạnh.

Yên Khê