|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nikkei Asia: Vắng bóng khách Trung Quốc, du lịch Việt Nam chật vật phục hồi

13:06 | 19/12/2022
Chia sẻ
Nikkei Asia cho rằng chính sách miễn thị thực cùng sự thiếu vắng khách Trung Quốc là hai lý do khiến ngành du lịch của Việt Nam phục hồi chậm.

“Ngành du lịch của Việt Nam vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch COVID dù cho các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ hoàn toàn”, Nikkei Asia nhận định.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần ó 2,4 triệu lượt người, chỉ bằng 15% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Theo Nikkei Asia, dù là ngày cuối tuần, lượng khách đến Vịnh Hạ Long khá thưa thớt. Nhiều tàu tham quan neo đậu tại bến. 

"Lượng khách chỉ bằng một nửa so với trước dịch và hầu như không có khách từ Trung Quốc. Chúng tôi không thể kinh doanh", một lãnh đạo ngành du lịch địa phương nói.

 Khách quốc tế đến Vịnh Hạ Long chỉ bằng một nửa so với trước dịch COVID-19. (Ảnh: Tomoya Onishi).

 

Năm 2019, khoảng 2,9 triệu khách quốc tế đã đến Vịnh Hạ Long, trong số đó có khoảng 60% là khách Trung Quốc. Hiện Việt Nam đang thiếu bóng dáng những du khách này do Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách Zero-COVID.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát (năm 2019), có 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 16% so với năm trước đó.

 Trước dịch COVID-19, các tàu tham quan bận rộn chở khách quốc tế. (Ảnh: Nikkei Asia).

Trong đó, khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc là nhiều nhất, chiếm gần 60% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (khoảng 5,8 triệu khách Trung Quốc và 4,2 triệu khách Hàn Quốc). Tiếp theo đó là Nhật với 950.000 lượt khách và khoảng 640.000 lượt khách đến từ Nga.

10 tháng đầu năm nay, khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm xuống còn 40.000 lượt, khách từ Nhật Bản và Nga lần lượt chỉ đạt 70.000 và 10.000 lượt. Mặc dù có 420.000 lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam 10 tháng 2022 nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với năm trước.

 

Nhiều nước láng giềng với Việt Nam cũng có nhiều điểm du lịch tương tự như Phuket của Thái Lan hay Bali của Indonesia. Nikkei Asia dẫn lời một đại lý du lịch tại Việt Nam cho biết dù đã nối lại các hoạt động du lịch sau hai năm đóng cửa vì đại dịch, Việt Nam không hẳn là điểm đến đầu tiên mà du khách quốc tế nghĩ tới.

Nikkei Asia cho rằng chính sách thị thực của Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến ngành du lịch phục hồi chậm. Việt Nam miễn thị thực cho du khách từ 13 quốc gia. Du khách từ các nước châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể ở lại Việt Nam mà không cần thị thực trong tối đa 15 ngày.

Trong khi đó, Thái Lan chấp nhận du khách từ hơn 50 quốc gia và cho phép họ ở lại tới 45 ngày. “Khi khách châu Âu và Mỹ có xu hướng du lịch dài ngày hơn, du lịch Việt Nam dường như đang bị chậm lại trong cuộc cạnh tranh để bù đắp sự thiếu hụt khách Trung Quốc”.

Du lịch chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam và Chính phủ hy vọng sẽ nâng tỷ lệ đó lên 15% đến 17% vào năm 2030. Tuy nhiên, việc đưa khách Trung Quốc trở lại dự kiến sẽ mất thời gian.

Một thị trường mới đầy hứa hẹn là Ấn Độ với 1,4 tỷ dân có thể sẽ là mục tiêu thúc đẩy du lịch của Việt Nam. Hồi tháng 6, Vietnam Airlines đã mở đường bay thẳng đến Ấn Độ, khởi hành từ Hà Nội, TP HCM đến New Delhi. VietJet Air cũng đã mở thêm 11 đường bay mới từ Việt Nam đến Ấn Độ, nâng tổng mạng bay giữa hai nước lên 17 đường.  

Hồng Hà