Lực lượng lao động của Trung Quốc thu hẹp vì già hóa dân số, môi trường kinh tế thế giới sẽ thay đổi vĩnh viễn
Khoa học và công nghệ không đủ bù đắp
Khi người lao động Trung Quốc khăn gói rời nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam hai tháng trước, Apple đã cảnh báo người tiêu dùng trên khắp thế giới rằng việc giao hàng sẽ bị chậm trễ.
Song, các nhà kinh tế nói rằng sự gián đoạn sản xuất như trên có thể chỉ là sự cố nhỏ khi so với tác động tiềm tàng của một xu hướng khác: sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc. Xu hướng sụt giảm của lực lượng lao động Trung Quốc được dự báo sẽ kéo dài hàng thập kỷ và vĩnh viễn làm thay đổi môi trường kinh tế toàn cầu.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc, được định nghĩa là những người trong độ tuổi từ 15 đến 64, đã giảm từ mức đỉnh 997 triệu người hồi năm 2014 xuống 986 triệu người vào năm ngoái.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 7, nhóm dân số này sẽ bắt đầu đi xuống nhanh chóng trong thập niên 2030 và giảm hơn 60% xuống 378 triệu người vào cuối thế kỷ 21.
Dân số của nhiều nước cũng đang già hóa và giảm sút. Nhưng một số nước lại có vị thế tốt hơn hẳn. Ấn Độ được dự báo sẽ vượt mặt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm sau. Tốc độ già hóa của Ấn Độ sẽ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc trong phần còn lại của thế kỷ. Tại Mỹ, dân số trong độ tuổi lao động năm 2100 được dự kiến là sẽ gần bằng với hiện tại.
Trong hàng chục năm qua, người dân trong độ tuổi lao động của Trung Quốc – chiếm hơn 70% tổng dân số quốc gia – đã biến đất nước này thành công xưởng của thế giới cũng như thành thị trường tiêu thụ khổng lồ.
Sự sụt giảm của nhóm dân số này được cho là sẽ làm tổn thương tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và tạo ra thay đổi trong hoạt động đầu tư và thương mại toàn cầu.
Ông George Magnus, nhà nghiên cứu hợp tác với Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, cho biết: “Về cơ bản, xu hướng tăng trưởng được xác định dựa theo lực lượng lao động và năng suất. Trung Quốc đều đang đối mặt với triển vọng đen tối trên cả hai phương diện”.
“Sự thay đổi của dân số trong độ tuổi lao động và tăng trưởng kinh tế có mối tương quan đồng biến. Khi dân số trong độ tuổi lao động suy giảm, trung bình mỗi năm GDP Trung Quốc cũng sẽ giảm một lượng tương ứng.
Tác động này có thể giảm bớt phần nào bởi những yếu tố như dân nhập cư, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động gia tăng nhờ phụ nữ và những lao động lớn tuổi, hoặc tăng trưởng năng suất được cải thiện”.
S&P Global Ratings ước tính từ nay cho đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 4,4%, rồi tiếp tục giảm xuống 3,1% trong giai đoạn 2031-2040.
Để so sánh, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2017-2021 của Trung Quốc là 6%. Những yếu tố như lực lượng lao động thu hẹp và tăng trưởng năng suất giảm tốc đã được tính đến trong dự báo.
Tại đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ. Ông cho rằng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và năng lượng xanh sẽ là động cơ mới của tăng trưởng trong tương lai.
Nhà nghiên cứu Magnus nhận xét: “Khoa học và công nghệ thực sự có ý nghĩa to lớn đối với triển vọng kinh tế trong tương lai, nhưng chắc chắn chúng không đủ để bù đắp cho vô số yếu tố đang kéo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đi xuống, bao gồm nhân khẩu học”.
Định hướng lại dòng chảy thương mại
Ông Huang Wenzheng, chuyên gia về nhân khẩu học, cho rằng lợi thế cốt lõi của Trung Quốc là 1,4 tỷ dân “chăm chỉ, có chung ngôn ngữ và văn hóa, theo đổi thành công trong cuộc sống”.
“Họ đã giúp Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ và các quốc gia phương Tây, đóng góp to lớn cho sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc. Với tỷ suất sinh thấp hơn hẳn trước đây, Trung Quốc sẽ đánh mất lợi thế dân số trong hai đến ba thế hệ nữa”, ông nói tiếp.
Tỷ suất sinh ở Trung Quốc đã giảm từ 2,6 trẻ/phụ nữ hồi cuối thập niên 1980 xuống còn 1,15 vào năm ngoái, thấp hơn hẳn mức cần thiết 2,1 trẻ/phụ nữ của OECD.
Chính phủ Trung Quốc đã công bố các biện pháp hỗ trợ cho việc chăm sóc trẻ em, nhưng chi phí sống cao và sự phân biệt đối xử ở nơi công sở vẫn tiếp tục ngăn cản những người trẻ tuổi sinh con.
Một trong những giải pháp được đề xuất là thay đổi định nghĩa “tuổi lao động” để tính gộp những người cao tuổi hơn và cải thiện tỷ lệ tham gia lực lượng lao động.
Tại Trung Quốc, tuổi nghỉ hưu hợp pháp của nam giới là 60. Tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 55 đối với nhân viên công sở và 50 đối với lao động cấp thấp. Cuộc khủng hoảng dân số tiềm tàng tại Trung Quốc đã khiến chính phủ phải thông báo lùi độ tuổi nghỉ hưu.
Ông Xiujian Peng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Victoria, khuyên các nước xuất khẩu tài nguyên nên chuẩn bị sẵn sàng. Vị chuyên gia cho rằng "các thay đổi nhân khẩu học tại Trung Quốc rất có thể sẽ buộc các nhà xuất khẩu phải tìm kiếm đối tác mới".
Trong bài phân tích gửi đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 7, ông viết: “Đối với những nước nhập khẩu hàng hóa như Mỹ, đối tác cung ứng của họ sẽ dần chuyển từ Trung Quốc sang những trung tâm xuất khẩu mới nổi.
Bất chấp việc một số chuyên gia nhận định rằng thế kỷ 21 sẽ là ‘kỷ nguyên của Trung Quốc’, các dự báo dân số cho thấy sức ảnh hưởng của nước này có thể sẽ chuyển sang những quốc gia khác, bao gồm Ấn Độ. Dân số Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc trong thập niên tới”.