Trung Quốc cạn dần nhân viên giao hàng, phải nhờ đến sự giúp đỡ của người dân
Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống dịch hà khắc. Số ca nhiễm COVID đang gia tăng nhanh chóng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, ngành dịch vụ, vốn đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống thành thị, bị gián đoạn nghiêm trọng nhất, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin.
Theo Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, các công ty chuyển phát nhanh ở nước này đã nhận được 315 triệu đơn đặt hàng và giao 324 triệu bưu kiện vào ngày 16/12, giảm lần lượt 7,4% và 15,2% so với một ngày trước đó.
Tại một trạm giao hàng của JD.com ở khu vực Sanyuanqiao (Bắc Kinh), một nhân viên cho biết đại dịch COVID-19 đã quét qua bưu cục, khiến toàn bộ 9 nhân viên toàn thời gian bị nhiễm bệnh.
“Mọi người trong chúng tôi đều từng dương tính với COVID”, nhân viên này chia sẻ với SCMP.
Một cư dân họ Wang cho biết tiệm bánh của anh ở quận Xicheng (Bắc Kinh) bắt đầu nhận thấy các đơn hàng bị tắc nghẽn vào tuần thứ hai của tháng 12, khi thủ đô Trung Quốc dỡ bỏ hầu hết biện pháp kiểm soát dịch.
“Cửa hàng của tôi có 140 đơn hàng vào ngày 10/12, nhưng không thể giao toàn bộ số bánh”, Wang cho hay. Bình thường, cửa hàng của anh nhận được khoảng 70 - 80 đơn đặt hàng mỗi ngày.
“Nhân viên giao hàng không thể đến lấy 20 đơn và chúng tôi buộc phải vứt bánh đi”, Wang nói thêm.
Trong khi đó, số lượng đơn đặt giao hàng trên các nền tảng như Meituan và Ele.me của Alibaba Group đã tăng vọt khi người dân đặt mua thực phẩm, hàng tạp hoá cũng như thuốc men về nhà.
Một nhân viên giao hàng của Ele.me cho biết anh phải nghỉ 6 ngày vì bị sốt cao sau khi nhiễm COVID. Song, anh nói nhiều đồng nghiệp có các triệu chứng nhẹ hơn thì vẫn tiếp tục làm việc.
Tuy nhiên, nhân viên giao hàng dù gắng sức vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu đặt hàng tăng chóng mặt của người dân. Chính quyền một số nơi đã đề nghị cư dân giúp đỡ.
Một sinh viên 20 tuổi họ Chen cho biết cô đang trong kỳ nghỉ đông và không có xe máy, nhưng cô vẫn đăng ký làm nhân viên giao hàng ở Bắc Kinh sau khi biết tình trạng thiếu hụt lao động này.
Cô đã giao ba đơn thực phẩm vào ngày 20/12, kiếm được tổng cộng 20 nhân dân tệ (khoảng 3 USD). “Vấn đề lớn nhất là tôi không có xe máy điện, vì vậy tôi đã sử dụng ván trượt để giao hàng”, Chen nói.
Ren Meng, một công dân Bắc Kinh khác, cũng đăng ký giúp đỡ. Anh cho biết công việc giao hàng rất vất vả, đặc biệt là vào buổi tối khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C.
“Đăng ký làm tài xế bán thời gian trên Meituan rất dễ dàng, nhưng công việc này rất khó khăn”, người đàn ông 36 tuổi cho hay. “Tôi phải mất một thời gian để nghỉ ngơi sau khi ra ngoài hai giờ và tôi suýt bị cảm lạnh mặc dù đã mặc quần áo dày”.
Ren cho biết anh đã kiếm được 53,5 nhân dân tệ sau khi giao 6 đơn hàng trong hai giờ. Mức lương tối thiểu dành cho lao động bán thời gian ở Bắc Kinh là 25,3 nhân dân tệ/giờ, và 59 nhân dân tệ/giờ trong những ngày lễ theo luật định.
Giới chức tại các tỉnh như Sơn Tây, Chiết Giang, Giang Tô, An Huy, Sơn Đông, Hà Nam, Vân Nam và Tứ Xuyên, cùng các thành phố như Trùng Khánh và Thượng Hải, cũng đã “nối gót” Bắc Kinh kêu gọi người dân hỗ trợ công việc giao hàng.
Doanh nghiệp cũng đã nỗ lực tuyển dụng thêm nhân viên.
Phát ngôn viên của Meituan cho biết công ty đang cố gắng để tuyển thêm nhân viên giao hàng mới và tối ưu hoá các nguồn lực giao hàng.
Tại Thượng Hải, Meituan đã có thể thu hút hơn 5.000 nhân viên giao hàng mới sau khi hỗ trợ hơn 8 triệu nhân dân tệ phí giao hàng cho tài xế. Công ty này dự kiến sẽ trợ cấp thêm 20 triệu nhân dân tệ để tuyển nhiều tài xế hơn.
Meituan - hiện chiếm hơn 70% thị phần và có hơn 5 triệu tài xế đã đăng ký tính đến năm ngoái - cũng cho biết họ sẽ cung cấp hơn 24.000 bộ đồ bảo hộ và 300.000 bộ vật tư y tế cho 2.400 trạm giao hàng trên toàn quốc.
Trong khi đó, Ele.me đang trợ cấp phí giao hàng cho các đơn hàng tại hiệu thuốc, cửa hàng tạp hoá và trái cây ở Bắc Kinh.
Ngoài ra, ứng dụng này cũng đang cấp tiền thưởng lên tới 3.000 nhân dân tệ cho các tài xế mới nhận đơn hàng trong 15 ngày liên tiếp.