|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau hơn 30 năm hạn chế sinh đẻ, Trung Quốc đang phải gồng mình chống suy giảm dân số

19:07 | 03/01/2022
Chia sẻ
Dân số suy giảm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đánh giá của cộng đồng quốc tế tới sức mạnh tiềm năng của Trung Quốc trong dài hạn, cả về kinh tế lẫn quân sự, chính trị.

Tỷ lệ sinh nở giảm sút cùng với dân số già hóa nhanh chóng đang ngày càng khiến giới lãnh đạo Trung Quốc đau đầu và tác động tới gần như mọi mặt của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc, trong năm 2020 nước này chỉ có khoảng 12 trẻ em được sinh ra, giảm 18% so với mức 14,65 triệu trẻ sinh trong năm 2019. Trung bình cứ 1.000 dân thì có 8,52 trẻ được sinh ra trong năm 2020, mức thấp nhất kể từ khi thành lập nước Trung Quốc năm 1949 đến nay, CNN cho biết.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), một số vùng có tỷ suất sinh giảm hơn 10%, còn thành phố Trì Châu ở tỉnh An Huy ghi nhận số trẻ mới sinh trong 10 tháng đầu năm lao dốc tới 21% so với năm trước.

Ở các thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Giang Tô, tỷ suất sinh đã liên tục dưới 10 trẻ/1.000 dân trong hơn 20 năm qua.

Sau hơn 30 năm hạn chế sinh đẻ, Trung Quốc đang phải gồng mình chống suy giảm dân số - Ảnh 1.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, đại dịch COVID-19 càng khiến cho phụ nữ dưới 30 tuổi không muốn sinh con. Số trẻ mới sinh trong hai tháng cuối 2020 thấp hơn tới 45% so với năm cuối cùng Trung Quốc áp dụng chính sách một con là 2016.

Các chuyên gia dự báo dân số Trung Quốc có thể rơi vào suy giảm ngay trong năm 2022. CNN dẫn lời Giáo sư kinh tế James Liang tại Đại học Peking ở Bắc Kinh cho hay: "Theo các nghiên cứu ban đầu của chúng tôi dựa vào số liệu tạm thời, tỷ suất sinh của Trung Quốc trong năm 2021 nhiều khả năng chỉ khoảng 10 triệu trẻ, thậm chí thấp hơn. Và dĩ nhiên với con số đó, tin tức lớn nhất sẽ là Trung Quốc đang suy giảm dân số".

Dự báo này được đưa ra dựa trên các số liệu thống kê chính thức mà nhà nước Trung Quốc công bố. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc đã bóp méo số liệu để thổi phồng quy mô dân số. Nếu thống kê đúng, dân số của Trung Quốc có thể đã suy giảm từ nhiều năm trước.

Trung Quốc thông báo tổng tỷ suất sinh (TFR) của một phụ nữ nước này vào năm 2019 là 1,7, tức là trung bình mỗi phụ nữ sinh 1,7 người con trong suốt cuộc đời. Theo Tiến sĩ Yi Fuxian, một chuyên gia về sản phụ khoa tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), tổng tỷ suất sinh thực tế của Trung Quốc chỉ là 1,1 – 1,2 vì nước này đã áp dụng chính sách một con trong suốt 35 năm từ 1980 đến 2015.

Để duy trì quy mô dân số ổn định, TFR cần phải bằng 2,1, tức là một cặp vợ chồng sinh ra hai người con để thay thế vai trò của cha mẹ trong xã hội. Việc TFR liên tục thấp hơn 2, cho dù là 1,7 hay 1,1, đều cho thấy dân số của Trung Quốc sớm muộn gì cũng sẽ suy giảm.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, vào tháng 5/2021, Trung Quốc đã cho phép mỗi cặp vợ chồng được phép có ba con, thay thế chính sách hai con áp dụng từ 2016. Chính quyền các cấp sau đó đã đưa ra nhiều biện pháp cụ thể để khuyến khích các gia đình sinh đẻ, gia tăng dân số quốc gia.

Thêm ngày nghỉ khi sinh con

Thời gian nghỉ cơ bản cho phụ nữ khi sinh nở là 98 ngày theo luật quốc gia. Tuy nhiên hơn 20 tỉnh đã cam kết nâng thời gian nghỉ thai sản để khuyến khích sinh con.

Tỉnh Hà Nam và tỉnh Hải Nam cho phép phụ nữ nghỉ tới 190 ngày sau sinh. Ở tỉnh Tứ Xuyên và Quý Châu, các bà mẹ được nghỉ 158 ngày.

Một số tỉnh có số ngày nghỉ tăng theo số con. Bà mẹ một con ở tỉnh Chiết Giang có thể nghỉ 158 ngày nhưng nếu như có con thứ 2 và thứ 3, số ngày nghỉ vọt lên thành 188. Tương tự, ở tình Hà Bắc, phụ nữ có một hoặc hai con sẽ được nghỉ 158 ngày nhưng sau khi có con thứ 3 sẽ được nghỉ 188 ngày.

Trung Quốc không có quy định chung về nghỉ thai sản cho nam giới, các ông bố ở hầu hết địa phương được nghỉ tối thiểu 15 ngày sau khi vợ sinh con, tỉnh An Huy và Giang Tây cho nghỉ 30 ngày.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng chính sách cho nghỉ dài ngày có thể phản tác dụng. Thời gian nghỉ càng lâu, các doanh nghiệp càng không muốn nhận phụ nữ trẻ tuổi vào làm việc, khiến cho tỷ suất sinh càng thấp. Vì vậy, chính phủ cần phải chấp nhận trả chi phí nhiều hơn.

Hỗ trợ tài chính

Chính quyền một số địa phương đã cung cấp hỗ trợ tài chính để khuyến khích sinh con.

Tháng 12 vừa qua, chính quyền tỉnh Cát Lâm ở vùng Đông Bắc đã thông báo sẽ cung cấp khoản vay 200.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 700 triệu đồng) cho các cặp vợ chồng có con, mức hỗ trợ lãi suất sẽ tùy thuộc vào số con của mỗi gia đình.

Ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, những gia đình có ba con sẽ được trợ cấp nhà ở 400 nhân dân tệ/m2 (tức 1,44 triệu đồng/m2) nếu mua nhà trước tháng 3/2022.

Tại thành phố cảng Ninh Ba của tỉnh Chiết Giang, chính quyền thông báo sẽ nâng hạn mức cho vay tiền mua nhà lần đầu từ 600.000 lên 800.000 nhân dân tệ (từ 2,2 lên 2,9 tỷ đồng) cho các gia đình có nhiều hơn một con.

Bậc cha mẹ ở quận Linze, tỉnh Cam Túc có thể được hỗ trợ 5.000 nhân dân tệ mỗi năm sau khi sinh con thứ 2 và 10.000 nhân dân tệ mỗi năm sau khi sinh con thứ 3, cho đến khi đứa con được ba tuổi. Những gia đình có hai hoặc ba con sẽ được nhận khoản hỗ trợ nhà ở trị giá 40.000 nhân dân tệ.

Sau hơn 30 năm hạn chế sinh đẻ, Trung Quốc đang phải gồng mình chống suy giảm dân số - Ảnh 3.

Trẻ em tại một bệnh viện ở thành phố Hoài Nam, Trung Quốc. (Ảnh: ImageChina/AP).

Chính phủ cũng cố gắng giảm bớt gánh nặng tài chính của các gia đình bằng cách trấn áp ngành dạy thêm tư nhân và tăng cường quản lý thị trường nhà đất ở các học khu. Nguyên do là chi phí giáo dục cao là nhân tố chính khiến nhiều cặp vợ chồng không muốn sinh con.

Chính quyền làm người se duyên

Quận Luanzhou ở tỉnh Hà Bắc đang xây dựng một cơ sở dữ liệu chính thức về các cư dân độc thân để giúp những người này tìm được cặp đôi ưng ý.

Từ giữa tháng 11, chính quyền đã phát các mẫu thu thập thông tin cá nhân bao gồm giới tính, nghề nghiệp, tình trạng tài chính, thành phần gia đình, … với hy vọng sẽ cung cấp một dịch vụ hẹn hò toàn diện.

Một công dân độc thân đã đăng bài viết lên trang web chính thức "Hòm thư lãnh đạo" do tờ Nhân dân nhật báo quản lý để yêu cầu các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước tổ chức các sự kiện mai mối để giúp những người độc thân mở rộng quan hệ.

Đông trứng

Tháng 8/2021, Ủy ban y tế của tỉnh Hồ Nam tuyên bố ủng hộ hợp pháp hóa biện pháp làm đông lạnh trứng và quyên góp trứng của phụ nữ. Tại Trung Quốc, những phụ nữ chưa kết hôn bị cấm làm đông lạnh trứng và cấm mang thai hộ.

"Cho phép phụ nữ đông lạnh trứng của họ với các điều kiện kèm theo là một nhu cầu thiết thực", Ủy ban y tế Hồ Nam nói. "Đề xuất cho phụ nữ đông lạnh trứng trước, rồi sau này rã đông để mang thai và sinh con hợp pháp là một giải pháp khả thi".

Đông lạnh trứng giúp bảo tồn khả năng mang thai của phụ nữ. Trứng sau khi lấy từ buồng trứng sẽ được đông lạnh và bảo quản trong thời gian dài, khi cần thiết sẽ được rã đông, thụ tinh nhân tạo với tinh trùng để tạo thành phôi và cấy vào tử cung phụ nữ mang thai.

Phương pháp này phù hợp với những phụ nữ chưa sẵn sàng có thai ở thời điểm hiện tại nhưng muốn có con trong tương lai khi tuổi đã tương đối cao, không còn khả năng sinh nở tự nhiên. Đông lạnh trứng cũng được thực hiện với những phụ nữ đang điều trị ung thư hoặc các bệnh khác có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Dạy ông bà cách chăm trẻ

Tháng 10/2021, Đại học Shanghai Normal đã mở các lớp để dạy các bậc ông bà cách chăm sóc trẻ nhỏ, qua đó giúp giảm bớt áp lực lên cha mẹ - những người đang được khuyến khích sinh tới ba con.

Các khóa học này còn có sách giáo khoa riêng và được xây dựng để giúp ông bà chăm sóc trẻ nhỏ một cách khoa học và có hệ thống, giáo dục cho trẻ và xử lý mối quan hệ giữa các thế hệ.

Những nguy cơ khi dân số Trung Quốc suy giảm

Việc dân số suy giảm và già hóa gây ra những tác hại to lớn lên sự ổn định xã hội và kinh tế của Trung Quốc.

Giáo sư James Liang tại Đại học Peking nhận định: "Dân số sa sút sẽ làm cho Trung Quốc tổn thất về tài chính, vì số người trẻ ngày càng ít trong khi số người già cần hỗ trợ lại ngày càng nhiều".

Sau hơn 30 năm hạn chế sinh đẻ, Trung Quốc đang phải gồng mình chống suy giảm dân số - Ảnh 4.

Dân số Trung Quốc già hóa nhanh chóng, thể hiện qua việc tháp dân số phình to ở phía trên và teo tóp lại ở dưới gốc.

"Lo ngại lớn nhất là Trung Quốc sẽ đánh mất lợi thế về quy mô khi không còn là thị trường lớn nhất cho mọi loại hàng hóa và dịch vụ. Trung Quốc có một chuỗi cung ứng cực kỳ hiệu quả là nhờ vào quy mô. Ngoài ra, khả năng cải tiến cũng sẽ không còn mạnh mẽ khi số người trẻ giảm chỉ còn một nửa ngày nay", Giáo sư Liang nói thêm.

Ngay cả khi xét theo số liệu chính thức, dân số của Trung Quốc hiện chỉ lớn hơn quốc gia đứng ngay sau là Ấn Độ khoảng 20 triệu người, trong khi tỷ suất sinh của Ấn Độ lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Việc Ấn Độ nổi lên thành nước đông dân nhất và thị trường lớn nhất là điều không thể tránh khỏi.

Người trẻ Trung Quốc kết hôn ngày càng muộn, thậm chí là quyết sống cuộc đời độc thân. Năm 2020, tỷ lệ đăng ký kết hôn giảm năm thứ 7 liên tiếp xuống còn 8,1 triệu, thấp hơn 40% so với mức đỉnh năm 2013.

Việc khuyến khích kết hôn và sinh đẻ còn có ý nghĩa quan trọng về quân sự. Hiện nay, đại bộ phận quân đội Trung Quốc được cấu thành từ những người sinh ra trong thời kỳ chính sách một con.

Trong lịch sử, chưa có nước nào xây dựng quân đội hoàn toàn từ con một và mô hình này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ. Tuy vậy, không quá khó để hình dung tác động sâu sắc tới gia đình và xã hội khi những đứa con duy nhất bị thương tật vĩnh viễn hoặc thiệt mạng trong chiến tranh.

Trong suốt nhiều thập kỷ, chính quyền các địa phương của Trung Quốc đã buộc hàng triệu phụ nữ nạo phá thai vì vi phạm chính sách một con. Giờ đây, Trung Quốc lại ra sức khuyến khích phụ nữ có thêm con, coi sinh đẻ là yêu nước, nhiều con là văn minh. Tuy nhiên, thay đổi tư tưởng đã ăn sâu bén rễ về gia đình và con cái không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Song Ngọc

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.