|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tranh cãi không ngớt khi dân số thế giới đạt 8 tỷ người

11:08 | 15/11/2022
Chia sẻ
Phe bi quan về dân số lo ngại rằng nạn đói trên diện rộng và thảm họa tự nhiên có thể xảy ra bởi thế giới có quá nhiều người. Ngược lại, những người khác sợ rằng văn minh nhân loại sẽ sụp đổ vì có quá ít người, điển hình là tỷ phú Elon Musk.

 

(Hình minh họa: Reuters). 

Vấn đề dân số toàn cầu dường như rất dễ khiến những người thường ngày rất lý trí trở nên nhạy cảm quá mức. Thế giới đã chào đón công dân thứ 8 tỷ vào hôm nay (ngày 15/11). Các hồi chuông cảnh báo đang gióng lên inh ỏi.

Phe bi quan về dân số từ lâu đã cảnh báo về nạn đói trên diện rộng. Giờ thì họ có thêm cả những lời tiên đoán về thảm họa tự nhiên do thế giới có quá nhiều người. Những người khác thì lo về điều ngược lại. Tỷ phú Elon Musk sợ rằng “dân số sẽ sụp đổ vì tỷ lệ sinh thấp”.

Tuy nhiên, sự thay đổi về dân số trong thập kỷ qua cho thấy cả hai dự đoán mâu thuẫn trên đều sẽ không thành hiện thực.

Thế giới mất 12 năm từ 1998 đến 2010 để dân số tăng từ 6 lên 7 tỷ người và cần khoảng thời gian tương tự để có thêm 1 tỷ người nữa. Nguyên nhân đằng sau mức tăng trưởng này là việc tuổi thọ gia tăng, chế độ dinh dưỡng và dịch vụ y tế cộng đồng cải thiện, số trường hợp tử vong mẹ và trẻ sơ sinh sụt giảm.

Dân số thế giới tiếp tục đi lên bất chấp đại dịch COVID-19. Theo ước tính của Economist, COVID đã giết chết khoảng 16-28 triệu người, tương đương 1/5 tổng số trường hợp tử vong trong cùng thời kỳ.

Do đó, chúng ta có thể thấy rằng không có nhiều bằng chứng cho thấy nhân khẩu học của thế giới đang hay sắp sụp đổ. Dựa trên xu hướng hiện tại, dân số thế giới sẽ tăng lên 9 tỷ người vào năm 2037 và đạt đỉnh 10,4 tỷ người trong khoảng thời gian từ năm 2080 đến năm 2100.

Nỗi lo quá tải dân số dường như cũng bị thổi phổng. Tốc độ tăng trưởng dân số đang suy giảm nhanh chóng. Năm 1963, tổng dân số tăng 2,3%. Tốc độ gia tăng dân số trong năm 2022 là 0,8%, mức thấp nhất kể từ thập niên 1950.

Làm thế nào mà tốc độ tăng trưởng lại suy giảm trong khi dân số vẫn tăng đều đặn 1 tỷ người mỗi 12 năm? Câu trả lời có liên quan đến quán tính và động lượng. Thập niên 1990 và 2000 đều là những giai đoạn dân số tăng trưởng tương đối nhanh. Những đứa trẻ sinh ra vào khoảng thời gian đó hiện đã đến tuổi lập gia đình.

Năm 1987, số người trưởng thành trong độ tuổi 18-49 vào khoảng 2,2 tỷ người. Năm 2022, con số đó là 3,6 tỷ. Nhưng những bậc cha mẹ tiềm năng này dường như mong muốn có gia đình nhỏ hơn.

Tổng tỷ suất sinh – đo số con mà một người phụ nữ dự kiến sẽ sinh ra trong suốt cuộc đời, đã giảm từ 3,3 trong năm 1990 xuống còn 2,3. Như vậy, tổng tỷ suất sinh hiện nay chỉ nhỉnh hơn một chút so với “tỷ suất thay thế” – số con mà một phụ nữ cần có để dân số hiện tại không đổi. Tuy dân số thế giới tiếp tục đi lên, tốc độ gia tăng chẳng có vẻ gì là đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Khác biệt giữa các nước

Theo dự đoán, khoảng một nửa tăng trưởng dân số toàn cầu giai đoạn 2022-2050 sẽ diễn ra tại 8 nước. Trong số đó, 5 nước nằm ở châu Phi (Ai Cập, Congo, Ethiopia, Nigeria và Tanzania). Ba nước còn lại nằm ở châu Á (Ấn Độ, Philippines và Pakistan).

Ấn Độ có lẽ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Dân số châu Phi thì đã vượt qua châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại. Hồi năm 1980, dân số châu Phi chỉ bằng 1/3 hai khu vực này. Các xu hướng trên sẽ gây ra tác động tới cả môi trường lẫn xã hội.

Đầu tiên là các hậu quả môi trường. Người Ấn Độ và châu Phi gây ô nhiễm ít hơn nhiều người Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Theo Liên Hợp Quốc, các nước nghèo và thu nhập trung bình thấp chỉ tạo ra 1/7 lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới. Nhưng 90% dân số gia tăng trong thập kỷ tới sẽ đến từ những nước ít gây ô nhiễm này.

Đôi khi tăng trưởng dân số có thể khiếp áp lực môi trường trở nên trầm trọng hơn. Nhưng xét trên phương diện toàn thế giới, có rất ít bằng chứng cho thấy tăng trưởng dân số có tác động lớn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Luận điểm tương tự cũng có thể áp dụng cho xu hướng già hóa dân số. Khoảng 2/3 dân số thế giới hiện nay sống tại các nước mà dân số đang chững lại hoặc đang suy giảm và tổng tỷ suất sinh thấp hơn tỷ suất thay thế.

Liên Hợp Quốc dự đoán từ nay cho đến năm 2050, dân số tại 61 quốc gia, đa phần là các nước giàu, sẽ giảm 1% hoặc hơn. Dân số giảm chắc chắn sẽ gây ra rắc rối cho xã hội, đặc biệt là khi số người trong độ tuổi lao động để chăm lo cho người về hưu ít hơn trước. Người già có thể sẽ phải chi tiêu ít đi hoặc chính phủ sẽ tăng thuế để trả tiền cho các chương trình phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta chưa thể kết luận rằng dân số suy giảm là mối đe dọa tới nền văn minh. Dựa trên các ước tính bi quan, dân số năm 2100 của một quốc gia giàu có như Đức có thể sẽ chỉ bằng năm 1950 (nếu tỷ suất sinh thấp của quốc gia đó không được cải thiện).

Viễn cảnh đó so với ngày nay có sự khác biệt lớn nhưng chưa chắc đã là thảm họa. Trong 8 thập kỷ tới, năng suất gia tăng có thể đồng nghĩa với việc các quốc gia cần ít lao động hơn để chăm lo cho những người về hưu.

Những lý do trên cho thấy con số 8 tỷ người không thể gây ra thảm họa nhân khẩu học. Thay vào đó, dân số thế giới có vẻ đang ở trong giai đoạn lý tưởng: không quá đông cũng không quá ít.

Giang