'Văn minh nhân loại sẽ sụp đổ nếu con người không sinh đẻ thật nhiều': Elon Musk nói quá hay nguy cơ thực sự hiện hữu?
Tại một sự kiện do báo Wall Street Journal tổ chức ngày 7/12, tỷ phú Elon Musk tuyên bố chắc nịch: "Thế giới này không có đủ người. Tôi phải nhấn mạnh là không đủ người".
Vị CEO của Tesla cho rằng tỷ lệ sinh thấp có thể dẫn tới sự sụp đổ của xã hội. "Rất nhiều người, bao gồm cả những nhân vật rất thông minh, nói rằng Trái Đất đang thừa người và dân số đang tăng trưởng mất kiểm soát. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Hãy nhìn vào những con số mà xem, nếu mọi người không sinh đẻ nhiều hơn, văn minh nhân loại sẽ sụp đổ, hãy nhớ lấy lời tôi".
Đây không phải là lần đầu tiên Elon Musk cảnh báo về hiểm họa của dân số suy giảm đối với xã hội. Tháng 7 năm nay, ông viết trên Twitter: "Sự sụp đổ dân số có lẽ là rủi ro lớn nhất đối với văn minh con người".
Elon Musk dựa vào đâu mà khẳng định hùng hồn như vậy?
Nếu mọi người không sinh đẻ nhiều hơn, văn minh nhân loại sẽ sụp đổ, hãy nhớ lấy lời tôi.
Tỷ phú Elon Musk, CEO của Tesla, người giàu nhất hành tinh.
Tổng tỷ suất sinh toàn cầu suy giảm
Một trong những khái niệm quan trọng nhất trong nghiên cứu nhân khẩu học là tổng tỷ suất sinh (Total Fertility Rate, viết tắt là TFR). TFR cho biết số con mà một người phụ nữ sinh ra trong suốt cuộc đời.
Mỗi cặp vợ chồng cần phải sinh hai người con để thay thế vai trò của cha mẹ trong xã hội và duy trì ổn định dân số, tức là TFR chung của một quốc gia tối thiểu phải bằng 2.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào được sinh ra cũng có thể sống đến lúc trưởng thành và tiếp tục sinh con. Vì vậy, tổng tỷ suất sinh trung bình cả nước cần phải bằng 2,1 hoặc cao hơn, tùy thuộc vào tỷ lệ tử vong ở trẻ em của quốc gia đó.
Trong ngắn hạn (khoảng 10 – 15 năm), nếu số trẻ sinh ra lớn hơn số người chết đi thì dân số của quốc gia vẫn có thể tăng. Nhưng khi xét theo khung thời gian dài trải qua nhiều thế hệ (40 – 50 năm trở lên), nếu TFR cứ kiên trì thấp dưới 2 thì chắc chắn dân số sẽ suy giảm vì cha mẹ không tạo ra đủ con cái để thay thế mình.
Tỷ phú Elon Musk đã ba lần kết hôn và ba lần ly dị, nay đang sống cùng bạn gái. Ông có tổng cộng 7 người con nhưng một cháu không may qua đời khi mới 10 tuần tuổi, còn 6 cháu đang khỏe mạnh.
Có thể nói Elon Musk cùng với các bà vợ và bạn gái của ông đã thực hiện tốt nhiệm vụ sản sinh ra thế hệ kế cận để tránh suy giảm dân số.
Gia đình của Elon Musk là như vậy, thế còn tình hình sinh đẻ trên toàn trái đất thì sao?
Theo thống kê gần nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tổng tỷ suất sinh toàn cầu năm 2019 là 2,4, tức là mỗi phụ nữ sinh trung bình 2,4 người con trong cả cuộc đời. Như đã phân tích ở trên, TFR bằng 2,4 là đủ để duy trì ổn định quy mô dân số trong dài hạn.
Tuy vậy, TFR của thế giới đang trong xu hướng suy giảm. Theo thống kê năm 1960, mỗi phụ nữ có trung bình 5 người con trong suốt cuộc đời, năm 1993 giảm còn 3 và gần đây là 2,4.
Nếu xu thế này tiếp diễn, TFR trong những năm tới có thể sẽ giảm xuống dưới 2 và làm mất cân bằng dân số.
TFR ở các vùng địa lý khác nhau cũng không giống nhau. Khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Á, Đông Á và Thái Bình Dương có TFR liên tục nhỏ hơn 2 trong khoảng 10 năm gần đây.
Trung Quốc áp dụng chính sách một con trong 35 năm từ 1980 đến 2015 nên tổng tỷ suất sinh liên tục xuống thấp. Theo số liệu thống kê chính thức, TFR của Trung Quốc năm 2019 là 1,7, tuy nhiên nhiều chuyên gia nghi ngờ con số thực tế chỉ là 1,1 hoặc 1,2.
Hàn Quốc – một nước khác ở khu vực Đông Á - có TFR thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 0,9.
Việc tỷ suất sinh thấp và nguy cơ dân số suy giảm ẩn chứa nhiều hàm ý cho hoạt động kinh tế. Nếu đất nước không có nhiều trẻ em sinh ra và quy mô dân số nhỏ đi, điều đó đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ teo tóp dần, doanh nghiệp không có động lực để đầu tư.
Dòng vốn từ Nhật Bản và Hàn Quốc chảy ra các thị trường nước ngoài trong những năm qua có một phần nguyên nhân đến từ đặc tính nhân khẩu học.
Những nỗ lực trong vô vọng nhằm khuyến khích sinh đẻ
Năm 2015, Bắc Kinh nhận thấy nguy cơ từ việc dân số suy giảm nên đã cho phép mỗi cặp vợ chồng được sinh hai con. Tháng 5/2021, Trung Quốc tiếp tục nới lỏng cho mỗi gia đình được có ba con.
Tuy nhiên tất cả nỗ lực của Trung Quốc đều thất bại. Tỷ suất sinh thô (số trẻ mới sinh trên 1.000 dân) liên tục suy giảm. Tư tưởng gia đình một con là chuẩn mực đã ăn sâu vào tiềm thức của người Trung Quốc, không dễ gì thay đổi được.
Tạp chí The Lancet dự báo dân số Trung Quốc vào năm 2100 sẽ chỉ bằng khoảng một nửa so với quy mô chính thức hiện nay, tức là 732 triệu người.
Việc tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc giảm xuống dưới ngưỡng 2,1 cần thiết để duy trì dân số dài hạn là hệ quả của trực tiếp của chính sách một con.
Nhưng nhiều quốc gia không áp dụng chính sách một con hà khắc như Trung Quốc mà dân vẫn ngại đẻ. Nhìn chung, trình độ dân trí càng cao và đời sống kinh tế càng phát triển thì tỷ suất sinh càng thấp, không cần chính phủ phải cấm đoán. Dù chính phủ có khuyến khích đẻ thêm cũng chưa chắc có tác dụng.
Hai người hàng xóm giàu có của Trung Quốc là Nhật Bản và Hàn Quốc có TFR lần lượt là 0,92 và 1,36, nằm trong nhóm thấp nhất thế giới.
Thống kê của World Bank năm 2019 cho thấy, TFR trung bình của các quốc gia với thu nhập bình quân đầu người cao là 1,57, trong khi của các nước thu nhập thấp là 4,57.
Các quốc gia phát triển đã thử nhiều biện pháp khuyến khích với hy vọng các cặp đôi sẽ sinh nhiều con hơn.
Phụ nữ Phần Lan mang thai tối thiểu 5 tháng có thể đăng ký với chính phủ để nhận hỗ trợ là tiền mặt 170 euro (khoảng 4,4 triệu đồng, được miễn thuế thu nhập) hoặc gói sản phẩm quần áo và đồ chăm sóc trẻ sơ sinh.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thị trấn Miehikkälä ở phía đông nam Phần Lan từng tặng cho mỗi đứa trẻ mới sinh 3.000 euro (khoảng 78 triệu đồng) nhưng vào năm 2018 đã nâng giá trị món quà lên 10.000 euro, mỗi năm tặng 1.000 euro cho đến khi đứa trẻ 10 tuổi.
Từ năm 2021, mỗi người cha/mẹ ở Phần Lan được nghỉ 164 ngày có trả lương khi sinh con. Cha hoặc mẹ có thể chuyển 69 ngày nghỉ của mình cho người kia.
Chính phủ Hy Lạp thưởng cho cha mẹ 2.000 euro (52 triệu đồng) mỗi khi sinh con, kể cả khi gia đình này không phải công dân Hy Lạp.
Chính phủ Hungary cho các cặp vợ chồng trẻ vay tiền nhưng nếu gia đình này sinh con thứ 3 thì sẽ được miễn khoản nợ. Nếu một phụ nữ sinh 4 người con thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trọn đời.
Trung Quốc trước đây phạt nặng những gia đình sinh nhiều hơn một con thì nay chuyển sang thưởng tiền cho những nhà sinh nhiều con.
Tất cả những chính sách khuyến khích kể trên đều không mấy hiệu quả. Nhiều gia đình không muốn sinh con vì lo tình trạng biến đổi khí hậu thêm trầm trọng.
Nhiều cặp vợ chồng nhận thấy hỗ trợ của chính quyền không thấm vào đâu so với chi phí nuôi dạy một đứa trẻ.
Các chính sách hỗ trợ như cho phép nghỉ có lương dài ngày khi sinh con khiến cho phụ nữ khó xin việc hơn nam giới, thành ra phản tác dụng.
Hoặc lý do có thể chỉ đơn giản là các cặp đôi thích hưởng thụ cuộc sống không có (hoặc có ít) con cái.
Dù nguyên nhân có là gì thì việc tổng tỷ suất sinh (TFR) trên thế giới liên tục suy giảm, thậm chí xuống dưới ngưỡng 2,1 ở nhiều quốc gia, cũng là vấn đề đáng ngại. Cảnh báo của tỷ phú Elon Musk là có cơ sở.