|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

So sánh tài sản của tỷ phú với GDP quốc gia: Việc vô nghĩa nhưng hàng triệu người vẫn làm

13:02 | 27/10/2021
Chia sẻ
Tài sản ròng của các siêu tỷ phú như Elon Musk, Jeff Bezos, Bill Gates, ... thường được đem ra so sánh với GDP của các quốc gia để dễ hình dung "độ khủng". Tuy nhiên, phép so sánh này hoàn toàn vô nghĩa vì không có bất kỳ mẫu số chung nào.
So sánh tài sản của tỷ phú với GDP quốc gia: Việc vô nghĩa nhưng hàng triệu người vẫn làm - Ảnh 1.

Những tỷ phú trong top 10 giàu nhất thế giới, từ trái qua phải: Warren Buffett, Bill Gates, Jeff Bezos, Elon Musk. (Đồ họa: Song Ngọc).

Tiền, đặc biệt là rất nhiều tiền, luôn thu hút sự chú ý của con người. Vậy nên khối tài sản khổng lồ của các tỷ phú thường là đề tài được bàn tán sôi nổi.

Phép so sánh giữa tài sản ròng (tài sản đã trừ đi nợ) của các tỷ phú với GDP của các quốc gia thường được sử dụng để hình dung mức độ giàu có của các ông bà chủ. Các dòng tít theo kiểu "Tài sản của Jeff Bezos (hoặc Bill Gates, ...) lớn hơn GDP của hàng trăm quốc gia" xuất hiện ở nhiều nơi.

Theo thống kê của Bloomberg Billionaire Index tính đến ngày 27/10 vừa qua, người giàu nhất hành tinh là Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla và tập đoàn hàng không vũ trụ SpaceX, với giá trị tài sản ròng 287 tỷ USD, tăng 117 tỷ so với đầu năm. 

Một số doanh nhân khác cũng có tài sản ròng trên 100 tỷ USD, có thể kể đến như Jeff Bezos - ông chủ của Amazon, Bill Gates - nhà sáng lập Microsoft, Bernard Arnault - ông vua hàng xa xỉ tại Pháp, Warren Buffett - huyền thoại đầu tư của Berkshire Hathaway, ...

So sánh tài sản của tỷ phú với GDP quốc gia: Việc vô nghĩa nhưng hàng triệu người vẫn làm - Ảnh 2.

Các con số tài sản ròng nói trên lớn đến đâu? Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), toàn thế giới có 131 quốc gia và vùng lãnh thổ với GDP năm 2021 nhỏ hơn 100 tỷ USD và 148 nước có GDP dưới 287 tỷ USD.

Tuy nhiên việc so sánh tài sản ròng của các tỷ phú với GDP của các quốc gia lại hoàn toàn không có ý nghĩa.

Vắng bóng mẫu số chung

Tài sản ròng thể hiện số của cải mà một tỷ phú tích lũy, xây dựng được trong suốt mấy chục năm cuộc đời. Còn GDP là giá trị của các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong biên giới một quốc gia trong một năm, khá giống với doanh thu của một doanh nghiệp.

Tài sản ròng được tích cóp hết năm này sang năm khác, còn GDP thì cứ hết mỗi năm lại được "reset" về 0, sang năm sau tính lại từ đầu.

So sánh tài sản ròng với GDP tức là so con số tích lũy mấy chục năm với những gì làm được trong một năm, so một người với tổng của hàng triệu người, so tài sản với doanh thu. Rõ ràng là không có một "mẫu số chung" nào và vì vậy, phép so sánh là vô giá trị.

Hàng ngày, không ai nói "Tài sản của công ty A hiện nay là 5 tỷ USD, còn doanh thu của công ty B là 4 tỷ USD mỗi năm, suy ra công ty A lớn hơn B", cũng không ai nói "Tài sản của tôi ngày hôm nay là 9 triệu USD, còn thu nhập của cô là 3 triệu USD mỗi tháng, suy ra tôi giàu hơn cô". Nếu muốn so sánh thì phải dùng cùng một biến số, doanh thu với doanh thu, tài sản với tài sản, thu nhập với thu nhập, ... 

Vậy thì tại sao chúng ta lại chấp nhận phép so sánh tài sản ròng của tỷ phú với GDP của quốc gia? Có lẽ là do sự tùy tiện, do không hiểu rõ bản chất của các khái niệm, hoặc do ham muốn một cái gì đó giật gân.

So sánh tài sản của tỷ phú với GDP quốc gia: Việc vô nghĩa nhưng hàng triệu người vẫn làm - Ảnh 3.

Vòi nước và bể nước trên báo cáo tài chính

Tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, ... và các khoản mục khác trên bảng cân đối kế toán của một doanh nghiệp là những biến trữ lượng (stock variable), thể hiện quy mô tại một thời điểm. 

Còn doanh thu, giá vốn hàng bán, lợi nhuận ròng, ... và các khoản mục khác trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là các biến lưu lượng (flow variable), thể hiện những gì làm được trong một khoảng thời gian.

Thử tưởng tượng hình ảnh một con sông đang chảy vào một hồ chứa. Lượng nước trong hồ là biến trữ lượng, có đơn vị là mét khối; còn lượng nước chảy từ con sông vào là biến lưu lượng, có đơn vị là mét khối trên giây.

Trên báo cáo tài chính, đơn vị của các khoản mục tài sản, vốn chủ sở hữu, ... là USD hoặc VND; còn đơn vị của các khoản mục doanh thu, lợi nhuận, ... là USD/năm, VND/quý, ....

Vì đơn vị khác nhau nên như đã nói ở trên, không thể trực tiếp so sánh tài sản với doanh thu.

Trong thực tế, những người phân tích tài chính vẫn thường tính toán chỉ số "vòng quay tài sản" (asset turnover) để xem mỗi đồng tài sản tạo ra được mấy đồng doanh thu trong một năm.

Để khắc phục vấn đề bản chất biến số khác nhau và đơn vị khác nhau, người ta phải dùng doanh thu chia cho trung bình cộng của tổng tài sản đầu kỳ và cuối kỳ chứ không phải chỉ dùng số liệu tài sản tại một thời điểm. Việc dùng số trung bình cộng giúp cho tổng tài sản hạn có hơi hướng giống với biến lưu lượng hơn và hạn chế ảnh hưởng của sự bất thường trong số liệu tại một thời điểm.

Bên cạnh đó, việc so sánh tài sản với doanh thu của cùng một công ty là việc làm hợp với suy luận thông thường (common sense) cũng như lý thuyết kinh doanh, vì một công ty cần phải có tài sản thì mới có thể làm ra doanh thu.

Vậy còn việc so sánh tài sản ròng của tỷ phú với GDP quốc gia thì sao? Khối của cải mà một ông trùm công nghệ, xe hơi, hoặc bán lẻ tại Mỹ tích cóp được có ảnh hưởng thế nào tới năng lực sản xuất của một quốc gia châu Á hoặc châu Phi?

Chương trình Môi trường của Liên Hợp quốc (UNEP) từng soạn thảo Báo cáo Của cải tổng hợp để cung cấp một thước đo khác về mức độ giàu có của một quốc gia thay cho GDP. Trong khi GDP chỉ tính đến lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một năm thì khái niệm của cải theo UNEP bao hàm cả hệ sinh thái gồm sông, hồ, biển, rừng, không khí, ...

Nếu vì mải chạy theo GDP mà khai thác tài nguyên quá mức, tàn phá môi trường, ... thì mô hình tăng trưởng sẽ bị coi là không bền vững.

Trong báo cáo gần đây nhất năm 2018, UNEP cho biết tổng giá trị của cải tại Việt Nam vào năm 2014 là khoảng 1.626 tỷ USD (tính theo giá so sánh năm 2005).

Nếu nhất định phải đặt một tỷ phú và một quốc gia lên bàn cân, độc giả có thể nghĩ đến việc so sánh tài sản ròng của tỷ phú với giá trị của cải của một nước do đây đều là các biến số trữ lượng, mặc dù số liệu của cải không được cập nhật thường xuyên và ít được biết đến hơn so với GDP.

Tổng giá trị của cải ở Việt Nam năm 2014 là khoảng 1.626 tỷ USD.

Song Ngọc