Data Talk | The Catalyst 05: Đánh giá hiệu quả đầu tư các quỹ và chiến lược hành động quý II
Data Talk | The Catalyst 05 sẽ cùng chuyên gia phân tích dữ liệu và chiến lược đầu tư quý I/2025, chỉ ra những yếu tố giúp quỹ vượt trội thị trường, đồng thời gợi ý cách xây dựng danh mục tối ưu cho nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh thị trường quý tới.
Đồng hành cùng chương trình Data Talk | The Catalyst 05 là ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Khối Đầu tư PVI Asset Management (host), cùng hai diễn giả:
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Chuyên gia tài chính độc lập;
Ông Lê Tự Quốc Hưng, Trưởng phòng Chiến lược thị trường Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Chiến lược phân bổ ngành, danh mục và thời gian nắm giữ của các quỹ
Cú sốc thuế quan của Mỹ đã tác động đáng kể đến thị trường chứng khoán nói chung và hiệu suất các quỹ nói riêng.
Ông Phương cho biết đối với mỗi quỹ, danh mục (portfolio) sẽ tương đối khác nhau. Tuy nhiên, một xu hướng chung có thể thấy trước nay là thường sẽ dùng một cái rổ chỉ số nào đó. Các quỹ Việt Nam thường là sẽ có nhóm VN30 hoặc VN100, rồi sau đó sẽ loại những cổ phiếu không tốt ra và họ tập trung vào phần còn lại. Chiến lược của các quỹ Việt Nam thường là tập trung vào việc điều chỉnh tỷ trọng của các cổ phiếu trong danh mục sau khi được lọc đó.
Do đó, tỷ trọng trong danh mục đa phần tương đối giống với tỷ trọng của chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi theo từng thời kỳ.
Ví dụ thông thường nhất là nhóm ngân hàng lúc nào cũng có tỷ trọng lớn nhất, và các quỹ ở Việt Nam đa phần tỷ trọng ngân hàng lớn hơn tỷ trọng trong VN-Index.
Thứ hai nữa là nhóm công nghệ, tiêu biểu là câu chuyện với FPT. Khi FPT tăng thì đa phần rất nhiều quỹ có hiệu suất tốt, và khi FPT giảm thì các quỹ trong ngắn hạn cũng phản ánh điều đó rồi.
Trong khi đó, các quỹ thường có xu hướng phân bổ ít hơn vào nhóm bất động sản, vì bất động sản thực ra có nhiều rủi ro.
Ngoài ra, danh mục quỹ thường nắm nhiều cổ phiếu trong VN30 là các doanh nghiệp mô hình holding – nắm giữ nhiều công ty bên dưới và đầu tư đa ngành nghề. Các quỹ cũng thường hạn chế hoặc giữ tỷ trọng thấp vào các nhóm này.
Do đó, trong quý I, xu hướng nhận thấy là các quỹ giảm tỷ trọng vào các ngành đã tăng trưởng trước đó, đặc trưng là công nghệ.
Nói về tính linh hoạt, chỉ số beta cho thấy các quỹ vẫn có độ đa dạng nhất định về danh mục và khẩu vị rủi ro, chứ không nhất thiết có sự tương đồng lẫn nhau. Điểm chung là các quỹ không quá chênh lệch so với VN-Index.
Phân tích sâu hơn về các nhóm ngành chính mà quỹ đáng nắm giữ, ông Hưng nêu tỷ trọng ngân hàng thường chiếm 30-40% danh mục. Các nhà quản lý sẽ chọn đâu là cổ phiếu ngân hàng tốt nhất của ngành đó để phân bổ.
Về lý do chọn ngân hàng, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, và ngân hàng là kênh dẫn vốn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng là một yếu tố có thể quan sát được để dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Đó là xu hướng dài hạn. Từ đó, ngân hàng là một ngành không thể thiếu trong hầu hết danh mục quỹ đầu tư tại Việt Nam.
Một số năm, tỷ lệ nợ xấu lên cao, xu hướng đầu tư theo tăng trưởng sẽ đi xuống. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn sẽ quay lại.
Với công nghệ, bản chất là doanh nghiệp chỉ tốn chi phí vào nguồn nhân lực, trong khi sự mở rộng, ví dụ phần mềm, tiếp cận người dùng nhanh. Ví dụ như trường hợp Công ty Cổ phần FPT có tốc độ tăng trưởng khoảng 25% trong hai năm trở lại – không thua kém ngân hàng.
Hai năm gần đây, tỷ trọng nhóm bất động sản giảm xuống, do tác động từ bối cảnh thị trường. Dù vậy, tốc độ đô thị hoá vẫn còn – giúp tạo dư địa giá trị thặng dư khi đầu tư bất động sản cho các doanh nghiệp trong ngành. Tốc độ tăng giá bất động sản là một tài sản vô hình chưa thể hiện trên bảng cân đối kế toán.
Nhóm ngành tiếp theo là công nghiệp và liên quan (như xây dựng, thi công hạ tầng điện…). Việt Nam vẫn phát triển công nghiệp nên nhóm này cũng có dư địa tăng trưởng dài hạn.
Hiệu suất đầu tư của các quỹ
Từ đầu năm đến ngày 9/4, hiệu suất sinh lợi của các nhóm ngành do quỹ nắm giữ chủ yếu không khả quan, dẫn đến kết quả đầu tư tương ứng.
Theo ông Hưng, trong ngắn hạn, quỹ sẽ theo dõi kỹ các biến số vĩ mô, địa chính trị để đánh giá ngành đó có thực sự bị ảnh hưởng hay không và như thế nào.
Hiện tại, những phiên gần đây chứng kiến nhiều cổ phiếu bị giảm giá mạnh. Đây là lúc để các quỹ nhận định lại sự ảnh hưởng đến các nhóm ngành.
Quan sát hiệu suất một số quỹ, ông Phương cho biết đa phần đều đang kém hơn so với VN-Index. Tuy nhiên, lấy một quý để đánh giá hiệu quả quỹ theo ông Phương là chưa phù hợp. Điều này đến từ việc chỉ số VN-Index được “kéo” mạnh nhờ nhóm cổ phiếu Vingroup.

Gợi ý cách chọn quỹ phù hợp với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cá nhân
Khía cạnh chọn quỹ cho 3–5 năm, ông Phương cho rằng cần xem xét quỹ nào đã làm tốt trong quá khứ, và chiến lược đầu tư của họ không thay đổi trong ngắn hạn sẽ là lựa chọn tốt cho nhà đầu tư cá nhân tham gia. Trong ngắn hạn, một số quỹ đang bị giảm mạnh hiệu suất do yếu tố chưa cơ cấu danh mục nhanh.
Nhà đầu tư cũng cần dựa vào bản thân, nghĩa là chấp nhận mức beta, độ lệch chuẩn như thế nào, từ đó chọn ra một số quỹ. Điều này nghĩa là tùy vào khả năng chấp nhận rủi ro hay mức độ ưu tiên ổn định của nhà đầu tư.
Một cách tổng quan, những năm qua VN100 đang có hiệu suất tốt hơn khi so với VN30. Từ đó, ví dụ nhà đầu tư ưa thích rủi ro cao hơn sẽ chọn những quỹ nắm giữ cổ phiếu VN100 thay vì VN30.
Thứ hai là khả năng tạo ra lợi nhuận vượt trội. Đa phần các quỹ ở Việt Nam đang có hệ số này tốt.
Thứ ba là quản trị rủi ro. Những quỹ có quản trị rủi ro tốt có thể tạo ra hiệu suất đầu tư tốt hơn, nhìn từ quá khứ.
Một số nhà đầu tư lại chọn việc chủ động đầu tư và mô phỏng danh mục của quỹ, nhằm giảm chi phí. Ông Hưng đánh giá đây cũng là một chiến lược có thể tham khảo.
Với chiến lược này, nhà đầu tư cần cân nhắc yếu tố bỏ ra thời gian để đầu tư theo danh mục. Bên cạnh đó là thời gian để nhà đầu tư nghiên cứu xem ngành đó có thực sự phù hợp với bối cảnh hiện tại hay không.
Nếu thấy việc bỏ ra thời gian, công sức đó hiệu quả hơn so với đầu tư vào quỹ, nhà đầu tư có thể áp dụng. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là giá, quỹ chỉ công bố danh mục định kỳ chứ không phải từng ngày.
Tăng tỷ trọng tiền mặt cũng là một chiến lược mà một số quỹ áp dụng. Quan điểm của ông Phương cho rằng quỹ không nên "timing" – tức lựa chọn thời điểm mua, bán trên thị trường – quá nhiều. Điều này nên dành cho nhà đầu tư cá nhân.
Quan điểm về chiến lược đầu tư trong quý II
Nhận định về thị trường chứng khoán, ông Phương đánh giá hiện tại đang rơi vào “event-market”, nghĩa là xu hướng do một sự kiện gây ra. Điều này thường rất ngắn.
Tuy nhiên, tác động dài hay ngắn sẽ do sự kiện này ảnh hưởng ra sao. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm và bài toán đặt ra là có tiếp tục giảm nữa hay không.
Hiện tại, nếu so với quá khứ, định giá của thị trường chứng khoán đang rẻ. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn còn đó.
Về giải pháp cho nhà đầu tư cá nhân, ông Phương cho rằng nên đặt vấn đề quản trị tỷ trọng. Với những nhà đầu tư có tiền mặt, việc tham gia có thể bắt đầu, quan trọng là tỷ lệ bao nhiêu, chứ không phải sử dụng toàn bộ đòn bẩy tài chính (full margin).
Ngược lại, với nhà đầu tư nắm tỷ trọng cổ phiếu cao, đây là lúc để cơ cấu danh mục. Nguyên do là triển vọng các nhóm ngành đã khác hẳn so với trước đó.
Nói về ngành bất động sản công nghiệp, ông Hưng cho biết đầu tiên cần xác định các giả định vẫn đang mang tính xác suất, chưa xảy ra. Thị trường vẫn cần chờ thêm 90 ngày.
Trường hợp áp thuế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ khó tiếp tục mở rộng tại Việt Nam, ảnh hưởng đến vòng quay tài sản của doanh nghiệp khu công nghiệp.
Về tổng quan, ông Hưng cho rằng nhà đầu tư cần giảm tỷ trọng ở những nhóm ngành ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế đối ứng, ngược lại tăng tỷ trọng đối với nhóm ngành ổn định hơn.
Việt Nam cũng sẽ tìm ra giải pháp thay thế để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Khi đó, nhà đầu tư cần chú ý những nhóm ngành sẽ hưởng lợi trong xu hướng này.
Nhìn lại lịch sử, ông Hưng cho biết khi chỉ số giá trên thu nhập (P/E) về 10 lần là thời điểm thị trường thường bật lên, do đó nhà đầu tư có thể cân nhắc hành động, “bắt đáy”. Trong kịch bản suy thoái, P/E vẫn có thể giảm hơn nữa.
Về mặt định giá, ông Phương cho rằng bối cảnh thị trường không nên dùng P/E dự phóng (forward) để đánh giá. Giai đoạn hiện tại vẫn tương đối tốt chứ chưa hẳn tốt, dựa trên tương quan rủi ro – lợi nhuận (risk and return).
Kết luận, ông Phương nêu ra bài học để nói về tính quan trọng của thời điểm bắt đầu đầu tư. Đồng thời, nhà phân tích một lần nữa khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân hãy quản trị tỷ trọng của cổ phiếu trong danh mục, hơn là cố gắng “đặt cược” vào một kịch bản nhất định.
Với nhà đầu tư cá nhân, quan điểm của ông Hưng cho rằng bối cảnh thị trường đang tạo nên chênh lệch giữa các loại tài sản. Đây là cơ hội để cân nhắc tăng tỷ trọng vào các công ty niêm yết. Chứng chỉ quỹ là một lựa chọn phù hợp để ủy thác tài sản, qua đó nhà đầu tư được quản lý tài sản chuyên nghiệp hơn.