'Vua bút bi' Thiên Long: Tôi thành công nhờ dám tin người

Khởi nghiệp ngay sau thời kỳ đất nước thống nhất, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long đã tham gia vào nhiều quyết sách quan trọng của TP HCM và chứng kiến sự chuyển mình của nền kinh tế thành phố. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, VnExpress có cuộc trò chuyện với "vua bút viết" để tìm hiểu về hành trình khởi nghiệp đầy gian khó và những quan điểm kinh doanh, làm người của ông.

- Gần 45 năm qua, bút bi Thiên Long trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt, và nay đang hiện diện tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Khởi đầu hành trình đó là từ một cơ sở rất nhỏ, do chính ông dựng nên trong những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất. Cơ duyên nào đã đưa ông đến với một sản phẩm đã làm thay đổi cả cuộc đời như vậy?
- Tôi là con cả trong một gia đình có 10 người con, sống cùng cha mẹ và bà nội. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới 17 tuổi. Thấy ba mẹ lúc đó rất vất vả lo miếng ăn cho 13 con người mà vẫn không đủ, tôi ý thức mình phải làm gì đó để phụ giúp gia đình nên quyết định ra đời bươn chải.
Thời ấy, không chỉ văn phòng phẩm mà cả nhu yếu phẩm cũng rất khan hiếm. Mỗi lần đi ngang các cổng trường, tôi đều thấy có vài anh ngồi bơm mực, sửa bút rất đông người ghé lại. Tôi nhận ra nhu cầu sử dụng bút lúc đó rất lớn. Tìm hiểu kỹ hơn, tôi biết ở TP HCM đã có một vài cơ sở nhỏ làm bút, tức thị trường là có, chỉ chưa ai làm bài bản. Tôi tự hỏi: Tại sao mình không đi bán bút?

Tôi mang số tiền nhỏ tích cóp được và một chiếc xe đạp "cà tàng" làm vốn. Mang trên mình trách nhiệm "quyền huynh thế phụ", vốn ít ỏi, tôi quyết định đi buôn bút. Lúc đó, chưa nghĩ xa vời gì, chỉ đơn giản là tìm kế sinh nhai. Tôi tới các xưởng nhỏ nhận vài tá bút rồi đem đi bán lẻ lại cho quầy báo, tiệm sách.
Công việc bước đầu có kết quả, tôi dần tích lũy được vốn và quyết định chuyển sang tự sản xuất vào năm 1981- khi trong tay đã có hai chỉ vàng.
- Với số vốn không lớn, lại chưa có kinh nghiệm sản xuất, điều gì khiến ông quyết định như vậy?
- Tôi khi đó không suy nghĩ mình có liều lĩnh hay không, mà chỉ biết đó là việc cần làm để có tiền nuôi gia đình 13 người.
Ban đầu, chỉ là mô hình kinh tế gia đình, có anh em và cha mẹ với rất ít máy móc. Xưởng chỉ là nơi lắp ráp vì xung quanh đã có cộng đồng người Hoa vốn phát triển tiểu thủ công nghiệp từ trước năm 1975, đã có sẵn nơi sản xuất các ống nhựa làm thân bút, ruột bút, đầu bút...

Lúc đó, thị trường buôn sỉ chủ yếu tập trung ở chợ Bình Tây, chợ Phùng Hưng. Tôi mới ra làm ăn, chưa có tên tuổi nên không thể chen chân. Muốn bán hàng, tôi phải "gối đầu", tức gửi sản phẩm trước rồi chờ bán xong mới thu được tiền, trong khi vốn có rất ít ỏi, tôi không đủ sức làm vậy. Tôi chỉ đủ tiền mua nguyên vật liệu để sản xuất trong vòng ba ngày. Làm xong, tôi đạp chiếc xe "cà tàng" đi giao khắp các con đường từ sáng đến chiều, bỏ sỉ cho các quầy báo, tiệm sách. Phải đến ngày thứ tư bán hết mới có tiền xoay vòng mua tiếp nguyên vật liệu. Cứ thế làm theo kiểu "cuốn chiếu".
Đến năm 1982, tôi mới bắt đầu bước chân vào thị trường bán sỉ. Một năm sau đó, tôi lập gia đình. Bà xã là người có "máu" kinh doanh rất sớm. Trước đây, bà ấy chuyên bỏ mối xà bông ở chợ nên hai người mới gặp nhau. Nhờ có vợ trợ giúp phần giao bút và thu tiền, tôi có thêm thời gian tập trung cho sản xuất, nghiên cứu, nâng chất lượng sản phẩm và phát triển cơ sở sản xuất.
- Cuối những năm 90, Thiên Long là một trong những đơn vị đầu tiên có mặt ở khu công nghiệp Tân Tạo theo lời kêu gọi, khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước. Quyết định này mang lại cho công ty lợi thế gì?
- Đó cũng là một cơ duyên. Tư tưởng làm ăn của tôi từ trước tới nay là mình làm ở đâu, chỗ đó phải phát triển. Dù lúc đó chỉ là chủ một cơ sở sản xuất nhỏ, tôi vẫn tham gia công tác xã hội, giữ chức Phó chủ tịch Hội từ thiện ở phường 6, quận 6 vào cuối những năm 1980. Cách tổ chức sản xuất của tôi cũng được địa phương ghi nhận nên hay được mời dự các cuộc họp liên quan đến cải cách, tiểu thủ công nghiệp.
Khi TP HCM triển khai chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp cam kết tuyển thêm lao động, tôi đăng ký vay 200 triệu đồng không lãi suất, đồng thời tuyển dụng thêm 200 công nhân. Từ đó, Thiên Long có bệ phóng vững chắc.

Thời điểm 1995, TP HCM sáng kiến thành lập và vận động doanh nghiệp vào khu công nghiệp Tân Tạo để có nơi sản xuất linh hoạt, chính quy, dễ quản lý và bảo vệ môi trường. Tôi nhận thấy đây là đường hướng đúng nên đã đăng ký tham gia. Năm 1996, Thiên Long mua 1,5 ha đất ở khu công nghiệp Tân Tạo và xây dựng nhà máy. Cùng lúc, thành phố có thêm chính sách kết hợp ngân hàng cho các doanh nghiệp trong Tân Tạo được vay 70% để xây dựng nhà xưởng, chúng tôi chỉ cần bỏ 30% vốn. Đây là chính sách rất hay, giúp cả ba bên đều có lợi: Nhà nước quy hoạch được sản xuất; doanh nghiệp có điều kiện đầu tư bài bản; ngân hàng có khách uy tín.
Cuối năm 1999, đầu 2000, chúng tôi chính thức chuyển sản xuất về Tân Tạo. Trước đó, địa điểm sản xuất cũ chỉ hơn 2.000 m2, nhưng phải chứa máy móc. Không gian chật hẹp khiến chúng tôi không thể tăng năng suất hay chuyên môn hóa. Nhưng khi vào khu công nghiệp, mọi thứ thay đổi. Chúng tôi bắt đầu tổ chức bài bản hơn, có phòng nghiên cứu phát triển (R&D), quản lý chất lượng, xử lý nước thải... Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, Thiên Long từng bước trở thành doanh nghiệp chuyên nghiệp.

- 50 năm kể từ khi đất nước thống nhất, TP HCM đã trải qua nhiều lần cải cách và đổi mới về kinh tế. Với Thiên Long, những lần thay đổi ấy mang đến điều gì hoặc lấy đi điều gì?
- Thiên Long nay đã 44 năm tuổi, chứng kiến và tham gia nhiều chính sách, cơ chế từ thời kỳ đất nước rất khó khăn cho đến khi có được nền kinh tế phát triển hàng đầu khu vực. Ban đầu chúng tôi là kinh tế hộ gia đình, rồi lên cơ sở cá thể. Sau đó, Nhà nước kêu gọi tất cả cơ sở gộp vào thành lập một tổ hợp, tương tự như hợp tác xã. Thời điểm đó, trên địa bàn quận 6 có hai cơ sở sản xuất bút nên được tập hợp lại.
Thực tế, mục đích ban đầu của loại hình này rất hay, giúp tận dụng sức mạnh tập thể. Tuy nhiên thời điểm đó vẫn chưa có luật định về góp vốn, về thương hiệu nên công tác tổ chức cho tổ hợp này chưa hoàn thiện. Để hợp thức hóa mô hình tổ hợp, chúng tôi phải tạo ra vài dòng bút viết mang thương hiệu chung, nhưng người tiêu dùng vốn đã quen với thương hiệu riêng của cả hai trước đó, nên sản phẩm làm chung không được ủng hộ. Thêm vào đó, việc gom các cơ sở cùng ngành vào một tổ hợp khiến từng thương hiệu không có động lực phát huy, "hợp" về mặt hình thức nhưng không "hợp tâm".
Sau một thời gian, tôi làm đơn kiến nghị tách ra khỏi tổ hợp. Rất may, Nhà nước cũng nhận ra vấn đề để chấp thuận và điều chỉnh.
Đến năm 1995-1996, Thiên Long trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn, sau đó thành công ty cổ phần đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán. Thiên Long trải qua nhiều thể chế kinh tế khác nhau, qua đó học được nhiều điều. Bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì sinh sống ở một quốc gia đang phát triển từng ngày, từ đó cũng có động lực để phát triển bản thân và doanh nghiệp.

- Sau nhiều năm phát triển, liệu ông có ý định liên doanh với các đối tác nước ngoài để đẩy mạnh tốc độ phát triển của công ty?
- Là một công ty niêm yết trên sàn, Thiên Long từng tiếp xúc và nhận vốn đầu tư của nhiều cổ đông, quỹ đầu tư nước ngoài. Trước đại dịch, chúng tôi đón thương hiệu hàng đầu của Mỹ trong mảng hàng tiêu dùng và gia dụng, làm cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu hơn 7%. Chúng tôi xác định chỉ hợp tác, không liên doanh, không đánh mất bản chất thương hiệu của người Việt. Đến nay, nhóm cổ đông ngoại này đã thoái vốn bớt, không còn là cổ đông lớn.
Tôi nghĩ bây giờ là thời đại mở, thế giới phẳng nên việc bị thâu tóm hay không tùy theo chính sách của doanh nghiệp. Khi nhận đầu tư, chúng ta nên có những cơ chế hợp tác đôi bên cùng có lợi, làm cho chiếc bánh thị phần lớn hơn, có sự cộng hưởng về kỹ thuật, thị trường...
- Ngoài đại dịch Covid-19, trong suốt hành trình khởi nghiệp và phát triển Thiên Long, ông còn từng đối mặt với "cơn sóng dữ" nào?
- Có một lần vào năm 2008 - đúng thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Thiên Long thực sự gặp thử thách lớn. Trước đó, chúng tôi đã mua hai khu đất để mở rộng sản xuất: một ở khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) với kế hoạch phát triển thêm các dòng sản phẩm như tập vở, bút chì, phấn viết; và một ở khu công nghiệp Sonadezi Long Thành (Đồng Nai) để mở rộng sản xuất bìa hồ sơ và tăng công suất cho mảng bút viết, văn phòng phẩm hiện có.
Dự án ở Hà Nam lúc đó có tổng đầu tư lên đến 200 tỷ đồng - khoản đầu tư rất lớn. Nhưng vì lãi suất ngân hàng khi đó có lúc lên tới 20-30% mỗi năm, nên chúng tôi buộc phải dừng kế hoạch sản xuất sản phẩm mới tại Hà Nam, chỉ tập trung nguồn lực cho dự án ở Long Thành. Trừ sự việc này, hơn 40 năm qua, Thiên Long nhìn chung phát triển rất thuận lợi.
Tất nhiên, mỗi thời kỳ đều có thách thức riêng và đó là điều đương nhiên trong kinh doanh. Dù muốn vượt qua khó khăn bằng cách nào, nội lực vẫn là quan trọng nhất. Một khi nội lực doanh nghiệp không đủ mạnh, khó khăn nhỏ cũng khó vượt qua. Từ khi còn là cơ sở nhỏ, chúng tôi đã chú trọng xây dựng nền tảng quản trị: từ hệ thống quản lý chất lượng, bảo hộ lao động, an toàn sản xuất đến sức khỏe cho người lao động... Đó cũng là lý do giúp sản phẩm Thiên Long có thể xuất khẩu qua các thị trường lớn, trong đó có thị trường Mỹ.
Chúng tôi cũng có nội lực mạnh về con người và tài chính, củng cố lòng tin của khách hàng và nhà đầu tư. Nhờ có sức khỏe tài chính tốt, Thiên Long chủ động dự trữ được nguồn nguyên vật liệu trong thời kỳ vật giá leo thang, hạn chế tăng giá bán để không đổ gánh nặng lên người tiêu dùng.
Hiện tại trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng cao với nhiều thương hiệu ngoại gia nhập thị trường, Thiên Long vẫn tự tin về nội lực bán hàng. Sản phẩm của chúng tôi trải đủ mọi kênh truyền thống, bán lẻ hiện đại, bán trực tiếp cho doanh nghiệp (B2B), thương mại điện tử, nhà sách và chuẩn bị cho mô hình O2O (trực tuyến đến cửa hàng trực tiếp).

- Nhiều doanh nghiệp khi có sức khỏe tài chính vững, tức nội lực mạnh, thường tìm cách đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Thiên Long thì sao?
- Thiên Long vẫn theo đuổi chiến lược đa dạng hóa. Ban đầu, chúng tôi chỉ có bút viết và văn phòng phẩm, nhưng hiện nay mở rộng sang các sản phẩm liên quan đến mỹ thuật.
Công ty đang thí điểm thêm các sản phẩm phong cách sống cho học sinh như bình nước, balo... và hướng tới các sản phẩm xanh, sạch và an toàn cho sức khỏe, đơn cử như bút dùng trong phòng phẫu thuật. Thiên Long chỉ đa dạng hóa trong phạm vi ngành của mình, chưa có ý định chuyển sang lĩnh vực khác.
Ngoài mở rộng danh mục sản phẩm, công ty cũng mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực. Nhiều năm qua, ngành bút viết và văn phòng phẩm ở Đông Nam Á đang thu hẹp lại, các doanh nghiệp chọn chuyển qua các ngành khác có quy mô lớn hơn và lợi nhuận nhiều hơn. Trong khi đó, Thiên Long xuất khẩu từ rất sớm, liên tục tăng trưởng trong nhiều năm. Số liệu từ Agency MRF cho thấy, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ tăng 5-7%, Thiên Long vẫn đạt mức 25% năm 2024. Hiện tại, mảng xuất khẩu đóng góp 20% doanh thu cho công ty. Trong thập kỷ qua, doanh thu thị trường nước ngoài có nhiều năm tăng trưởng hai con số và năm 2024, lần đầu tiên Thiên Long ghi nhận mức nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên trong những năm tới khi áp dụng chiến lược glocalization, tức lấy thế mạnh ở thị trường nội địa (local), chuyển hóa và áp dụng ra quốc tế (global). Công ty đặt mục tiêu sẽ có mặt trong top 5 ngành bút viết và văn phòng phẩm ở Đông Nam Á - nơi có vị trí địa lý chiến lược cùng sự tương đồng về dân số, văn hóa và kinh tế.

- Ông có triết lý kinh doanh 4-6, tức là ông giữ 4 phần lợi cho mình và dành 6 phần cho người khác. Ông có thể giải thích rõ hơn về triết lý này?
- Trong cuộc sống, chơi với bạn bè hay giao thương, người ta thường đặt mối quan hệ cân bằng 5-5, không ai hơn ai. Nhưng tôi nghĩ hạnh phúc là điều chính yếu. Tôi bắt đầu từ con số 0, rất khó khăn nhưng bản thân vẫn vui vẻ nên khi có thêm 1-2 phần đã là hạnh phúc lắm rồi, huống hồ gì khi nhận được 4 phần. Con người phải biết chấp nhận, nếu không thì bao nhiêu cũng không đủ, cũng khổ.
Ở đây không chỉ trong kinh doanh, tôi cũng có xu hướng nhường nhịn khi hợp tác với bạn bè hay trong các buổi họp góp ý kiến.
Tôi còn nhớ vào những năm 80, một người bạn ở Long An có rủ hùn hạp để thu gom dưa hấu, đem lên thành phố bán dịp Tết. Thời điểm đó, dưa hấu mỗi năm chỉ có một mùa chứ không quanh năm như bây giờ. Tôi đồng ý đồng hành với bạn. Vì đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của mình nên quyết định giao cho bạn làm chủ và ngỏ ý chỉ nhận phần lợi nhuận được chia ít hơn. Bạn bè đến với nhau không chỉ vì lợi ích, quan trọng là sự gắn bó, nghĩa tình.
Cũng chính từ triết lý này và quan điểm muốn phát triển môi trường nơi mình làm việc, Thiên Long thực hiện các chương trình CSR từ sớm. Theo tôi, chỉ khi môi trường xung quanh mình phát triển, mình mới có thể hạnh phúc. Vì vậy, chúng tôi luôn chú trọng đến việc chia sẻ, giúp đỡ và đóng góp vào sự phát triển chung. Mặc dù khả năng của mỗi cá nhân hay doanh nghiệp có giới hạn, Thiên Long tập trung CSR vào giáo dục, vì đó là nền tảng phát triển của quốc gia. Các hoạt động CSR của chúng tôi, ngoài "Tiếp sức mùa thi" đã kéo dài 23 năm, còn bao gồm hỗ trợ thầy cô giáo vượt khó và tổ chức cuộc thi vẽ tranh cho thiếu nhi.

- Ông từng chia sẻ rằng: "Làm gì thì làm, nhưng tối ngủ phải ngon giấc". Điều này thể hiện quan điểm sống và làm việc của ông như thế nào?
- Tôi là tuýp người ưa sự vững chắc, làm gì cũng có sự kiểm soát nhất định. Trước mỗi hành động hay ứng xử, tôi đều suy nghĩ xem đối phương có hài lòng không, có gì chưa vui không. Nhờ đó, cuộc đời tôi có nhiều bạn bè chân tình, đối tác vững chắc và cộng sự gắn bó. Đối xử một cách chân phương, không tính toán giúp tôi mỗi tối đều ngủ rất ngon.
Điều này cũng được tôi áp dụng trong kinh doanh. Thiên Long là một công ty cổ phần, tôi chịu trách nhiệm với cổ đông nên phải giúp họ cũng yên tâm về một doanh nghiệp bền vững tài chính, minh bạch hệ thống, tránh rủi ro.
Song song đó, tôi cho rằng sống thật vẫn là tốt nhất, tức mình nghĩ gì hay làm gì, phải nói đúng như vậy. Giữa người với người, quan trọng nhất là chân tình. Với những người thân tình và tôn trọng, tôi càng phải thú thật.
Để sống thật, tôi xem mình là một quyển sách mở. Tôi sẵn lòng lắng nghe lời góp ý của mọi người, dù là nhân viên, rằng bản thân có chỗ nào sai, chỗ nào chưa đủ hay cần cải thiện. Tôi cũng không ngại chia sẻ những gì bản thân còn thiếu sót để nhận về những lời chỉ bảo, hướng dẫn từ người có chuyên môn.
- Hơn 40 năm phát triển, Thiên Long nhiều lần đổi mới và không "già cỗi". Bí quyết của ông là gì, và làm thế nào để duy trì tinh thần học hỏi trong công ty suốt thời gian qua?
- Bí quyết nằm ở sự học. Tôi luôn tin rằng tinh thần học hỏi là yếu tố quan trọng để không bao giờ "già cỗi". Tôi đã lan tỏa tinh thần này đến toàn bộ công ty bằng sự tin tưởng và khuyến khích mọi người học hỏi, cải tiến mỗi ngày. Tôi đưa nhân viên đi đào tạo, tạo ra môi trường cởi mở để họ có thể phát huy những ý tưởng mới mẻ. Tôi tin rằng lòng tin là yếu tố cơ bản nhất để xây dựng mối quan hệ vững chắc, từ đó, đội ngũ của tôi có thể tự tin thể hiện sáng tạo và đóng góp cho sự phát triển của công ty.
Mọi người đều có thể học, nhưng điều quan trọng là dám tin tưởng và thực hiện điều đó. Tôi là người dám chủ động tin người khác trước tiên, đồng đội cũng vậy, nhân viên cũng vậy, bạn bè cũng vậy, đối tác cũng vậy.
Thời gian đầu khi gầy dựng Thiên Long, tôi tiếp xúc và làm việc với nhiều đối tác nguyên vật liệu hay máy móc thiết bị. Tôi thẳng thắn thừa nhận công ty không biết những gì và nhờ họ chỉ dẫn, đồng thời cung cấp nguyên vật liệu theo yêu cầu. Đó là cách tôi tin tưởng các đối tác của mình. Nhờ vậy, tôi và đội ngũ học hỏi được nhiều kiến thức. Tôi không sợ bộc bạch điểm yếu của bản thân sẽ dễ bị lợi dụng hay dẫn dắt. Vì khi mình tin tưởng họ trước, người ta sẽ cảm nhận được sự chân thành, từ đó cũng đồng lòng cùng mình phát triển.

Hay giai đoạn đầu phát triển công ty, tôi hiểu bản thân không có chuyên môn về kỹ thuật nên phải tìm kỹ sư chuyên về khuôn mẫu để mời hợp tác. Tôi cũng nói thẳng với người kỹ sư khuôn mẫu đầu tiên của Thiên Long rằng tôi không quá rành về kỹ thuật. Sau khi nhìn nhận được vấn đề và đối diện thẳng với nó, tôi chọn tin tưởng để cho những người chuyên nghiệp phụ trách thay vì cố chấp kiểm soát. Tôi tin tưởng và cho các bạn có không gian phát huy thế mạnh của mình, nhờ đó Thiên Long có nhiều bước tiến trong kỹ thuật, làm chủ công nghệ như hiện nay.
Qua mấy chục năm, tôi nghiệm ra việc tin tưởng người khác rồi nhận về những thất bại xảy ra không đáng kể so với những thành công mang lại. Tất nhiên, niềm tin không chủ quan, phải có sự nhìn nhận lý tính.
- Trong vai trò người cha, ông có những nguyên tắc nào khi giáo dục con cái về sự nghiệp và cuộc sống?
Tôi dạy các con phải nuôi dưỡng tâm - tài - đức. Có tài phải có tâm và có đức. Tôi quan niệm rằng tâm và đức là hạt nhân để làm người, còn tài năng là điều bắt buộc phải có nhưng đôi khi chỉ vận dụng được ở một lĩnh vực nào đó. Con cái có điều kiện học tập tốt hơn tôi rất nhiều nên tài năng của chúng cũng vượt trội hơn tôi. Nếu các con có thêm tâm và đức, cơ hội thành công sẽ rất lớn. Triết lý về tâm - tài - đức là truyền thống tốt và di sản của người Việt và tôi luôn học tập và hướng về điều đó.
Triết lý về tâm - tài - đức là di sản và hành trang lớn nhất mà tôi để lại cho các con. Với tôi, tài sản để lại đôi khi vì lý do nào đó có thể mất đi. Tuy nhiên tâm - tài - đức sẽ trường tồn theo thời gian. Khi các con có đủ 3 yếu tố trên, mọi người xung quanh đều yêu quý, giúp các con có mạng lưới mối quan hệ rất tốt, từ đó mang đến nhiều cơ hội lớn. Suy cho cùng, kinh doanh hay xây dựng sự nghiệp đều là hành trình làm người.
- Ông chuẩn bị như thế nào cho thế hệ kế cận của Thiên Long?
- Thiên Long vốn đã có quy trình vận hành chuẩn ngay từ những ngày đầu. Ở giai đoạn chỉ là một cơ sở sản xuất vào những năm 1990, tôi đã không điều hành trực tiếp. Năm 1993, tôi còn sang Đài Loan (Trung Quốc) học tập và nghiên cứu vì ở nhà đã có đội ngũ quản lý. Cho đến hôm nay, toàn bộ công ty đều do những người chuyên nghiệp điều hành. Nhờ có quy trình chuẩn, tôi mới an tâm và công ty mới đạt tới trình độ kiện toàn. Một doanh nghiệp không phải lúc nào người chủ đứng ra điều hành tất cả là tốt. Mỗi bộ phận trong công ty đều được trao toàn quyền trong phạm vi chuyên trách của họ. Và trong bộ máy của Thiên Long, mỗi bộ phận đều chuẩn bị một người kế cận, một "hạt giống" cho tương lai.

Nội dung: Tất Đạt
Ảnh: Thành Nguyễn
Video: Công Khang - Tất Đạt
Đồ họa: Tất Đạt - Hoàng Khánh