ĐHĐCĐ Thiên Long: Tự tin mục tiêu 10.000 tỷ vào 2030, sắp có thương vụ M&A
Sáng ngày 10/4, Tập đoàn Thiên Long (Mã: TLG) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Đại hội có sự tham dự của các cổ đông đại diện cho hơn 75% số cổ phần có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành.
Năm 2024, công ty đứng đầu ngành văn phòng phẩm này ghi nhận cột mốc mới khi doanh thu thuần hợp nhất đạt kỷ lục 3.759 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2023 và hoàn thành kế hoạch đề ra.
Lợi nhuận sau thuế (trừ lợi ích cổ đông không kiểm soát) đạt 461 tỷ đồng, tăng mạnh 29% so với cùng kỳ, là mức cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp và vượt kế hoạch 21% năm.
Kinh doanh nội địa chứng kiến sự bùng nổ của kênh thương mại điện tử. Hoạt động quốc tế ghi nhận thành công ở thị trường Philippines, mở rộng hoạt động tại Nga, Kazakhstan, Mỹ, châu Phi, Trung Đông...
Thiên Long còn mở rộng đầu tư vào Indonesia. Tập đoàn đã quyết định góp vốn 760.000 USD (tương đương 19 tỷ đồng) để thành lập pháp nhân nhập khẩu và kinh doanh văn phòng phẩm tại thị trường 270 triệu dân này.

CEO Trần Phương Nga trình bày tại đại hội. Ảnh: HL.
Tổng giám đốc Trần Phương Nga cho biết mức lợi nhuận tăng 21% là vượt trội nếu so với việc gửi ngân hàng có lãi suất khoảng 5%/năm. Trong đó, kinh doanh quốc tế tăng mạnh 25% khi công ty bắt rễ mạnh ở nhiều thị trường, như là phân phối rộng rãi tại chuỗi Nhà sách Quốc gia Philippines....
"Vì sao hàng Trung Quốc rẻ và nhiều mà Thiên Long vẫn có sức cạnh tranh? Bởi sản phẩm công ty mang tâm huyết và am hiểu thị trường, bắt kịp xu hướng, mức độ thành công của sản phẩm cao hơn các đối thủ", bà Nga nói.
Về chiến lược, lãnh đạo Thiên Long cho biết kinh doanh nội địa đang có 55.000 điểm phân phối và sẽ tiếp tục mở thêm điểm bán, đồng thời kết hợp các thế mạnh để tiếp tục tăng trưởng.
Kinh doanh quốc tế kỳ vọng bứt phá trong thách thức, đặt mục tiêu tăng trưởng 20% ở thị trường xuất khẩu. Ngay cả khi số lượng sản phẩm giảm đi, công ty vẫn có tăng trưởng nhờ nâng tầm sức mạnh thương hiệu, nâng tầm giá bán bình quân bền vững.

Chỉ tiêu kinh doanh của Thiên Long. Nguồn: HL tổng hợp.
Với những kết quả đạt được, HĐQT trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận 2024 với chỉ tiêu trả cổ tức 35%; trong đó bao gồm trả 25% bằng tiền mặt (đã tạm ứng 10% nên còn chi thêm 15%) và 10% bằng cổ phiếu.
Hiện Thiên Long có gần 86,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, theo đó đơn vị dự tính phát hành tối đa 8,64 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông. Thời gian thực hiện trong quý II-III, qua đó tăng vốn điều lệ lên khoảng 950 tỷ đồng.
Tập đoàn dự kiến mức cổ tức là 35% cho năm 2025, duy trì tỷ lệ trả cao nhất này liên tục giai đoạn 2022-2025. Đơn vị có thể thực hiện tạm ứng trong năm với nguồn chi được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến thời điểm chi trả.
Năm nay, tập đoàn đề ra chỉ tiêu doanh thu thuần 4.200 tỷ đồng, tăng 12% so với 2024. Lợi nhuận ròng 450 tỷ đồng, giảm 3% so với mức nền kỷ lục và cao hơn 18% so với kế hoạch năm 2024.
Thảo luận
Đối phó hàng Trung Quốc giá rẻ ra sao?
CEO Trần Phương Nga: Hàng nội địa Trung Quốc đã vào Việt Nam hơn 10 năm rồi. Chúng tôi có thế mạnh lớn về thương hiệu 45 năm nên am hiểu thị hiếu người Việt Nam, có đội ngũ nhà phân phối và khách hàng thân quen để chuyển tải sản phẩm ra thị trường phù hợp.
Bản thân kênh bán hàng GT để xâm nhập được không dễ dàng, các đối thủ vào Việt Nam phải suy nghĩ về tính hiệu quả, nhân viên Thiên Long cũng rất muốn bản vệ thương hiệu và sản phẩm.
Ngoài ra, sản phẩm của Thiên Long không hề mắc mà cực kỳ cạnh tranh để xuất đi Đông Nam Á, hoàn toàn cạnh tranh với hàng Trung Quốc trừ khi đối thủ tấn công không quan tâm giá cả. Trong những tháng đầu tiên 2024 chúng tôi đã rất vất vả nhưng cuối năm lấy lại. Năm 2025 sẽ còn vất vả hơn nửa khi các đối thủ sẽ cạnh tranh nhiều hơn.
Thành viên HĐQT Nguyễn Đình Tâm: Thương hiệu Thiên Long rất được tin yêu, là một thế mạnh để giữ vững thị trường nội địa. Chúng tôi không chủ quan mà luôn phát triển sản phẩm, đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu của người tiêu dùng.
Kế hoạch 2030 có đi đúng hướng?
Chủ tịch Cô Gia Thọ: Chúng tôi vẫn theo đuổi và có cơ sở, hàng giá rẻ thì có khắp nơi nhưng Thiên Long vẫn tăng trưởng.

Ban lãnh đạo Thiên Long trả lời cổ đông. Ảnh: HL.
Họ đi theo chiến lược nhiều sản phẩm, nhưng giá thành rất cao. Chúng ta tự tin có chỗ đứng, đi theo phương hướng của mình, khi làm thì mình vẫn ra sản phẩm và đẩy hàng nhưng ở mức vừa phải, mục tiêu cuối cùng vẫn là lợi nhuận.
Mục tiêu 10.000 tỷ doanh thu cho năm 2030 là rất tự tin.
Kế hoạch M&A ra sao?
CEO: Hiện nay có deal đến mức gần gần nhưng chưa thể thông tin, sẽ chia sẻ trong thời gian sớm hạn. Công ty không đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá và xem thử tăng trưởng có phù hợp giai đoạn này hay không, cần căn nhắc các mảng kinh doanh. Công ty theo đuổi phát triển bền vững nên không M&A bằng mọi giá.
Triển vọng tăng thị trường Việt Nam và nước ngoài?
Chủ tịch: Không chỉ Việt Nam mà cả Đông Nam Á đều là thị trường trọng tâm. Năm ngoái thị trường Việt Nam tăng trưởng 9%, trong khi Đông Nam Á tăng 25%.
Riêng Philippines đang đứng đầu ở quốc gia này và sắp tới triển khai mạnh mẽ thị trường Indonesia. Myanmar chính trị không ổn định nhưng vẫn bán rất tốt, vẫn hỗ trợ đối tác bên Myanmar.
Đi ra thị trường nước ngoài rất là tự tin, công ty đang phát triển và sắp tới sẽ làm mạnh thêm, sáng tạo thêm để nó vẫn tăng tốt, vẫn phát triển.
Vì sao kế hoạch doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm?
CEO: Khi đặt kế hoạch 2025 chúng tôi rất trăn trở, đúng ra tỷ lệ lợi nhuận còn thấp hơn nữa. Khi muốn hệ thống phân phối lành mạnh thì phải gặt hái và gieo trồng, cần thời điểm chăm chút hệ thống và đầu tư cho tương lai ở nước ngoài.
Chúng ta cần quan điểm dài hạn, đối phó với thách thức lớn từ chính sách của Mỹ, chúng tôi muốn vượt mức lợi nhuận 450 tỷ đồng. Việc đặt ra kế hoạch không có nghĩa là chỉ cố gắng đạt kế hoạch.
Doanh thu 2 tháng đầu năm sụt giảm nhiều do khách hàng không nhập hàng quá nhiều. Kết quả tháng 3 đã thu hẹp khoảng cách rất nhiều, giúp cả quý gần bằng với cùng kỳ và tốt hơn kế hoạch riêng công ty. Số liệu của quý II sẽ tốt hơn cùng kỳ để vượt mục tiêu tăng trưởng.
Chiến lược thị trường nước ngoài?
Ông Tâm: Tập trung chất lượng sản phẩm, thiết kế sản phẩm mới để đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất, giành lấy từng thị trường một theo chiến lược phát triển.
Thiên Long đang tập trung phát triển thêm các thị trường mới như UAE, Nam Mỹ, châu Phi và đều có kế hoạch tìm kiếm thị trường và đang có khách hàng mới ở các thị trường đó, cân đối lại những rủi ro từ khách hàng Mỹ.
Chủ tịch: Thiên Long lấy thế mạnh và kinh nghiệm ở Việt Nam để xuất khẩu và kết hợp với các đối tác để làm. Như đối tác Philippines làm theo định hướng của họ nhưng cách làm vẫn theo mình, đưa nhân sự có kinh nghiệm để tiếp thị, bán hàng… cho nước sở tại.
KH đối với mảng đồ chơi và sách?
CEO: Khi đầu tư vào công ty liên kết sẽ để các công ty vận hành hiệu quả nhất theo từng đơn vị. Tập đoàn sẽ kết hợp các chuỗi nhỏ, dùng hệ sinh thái để phục vụ cho nhau, kết hợp bán combo.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn đó không làm được trong 2 năm trước, nhưng tạo được nền tảng tích lũy, từ 2025 sẽ nâng tầm các công ty để tích hợp nhanh hơn.