|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Việt Nam phát triển kinh tế số nhanh nhưng đang gặp thách thức vì lừa đảo số tràn lan'

20:48 | 15/04/2025
Chia sẻ
Theo GSMA, Việt Nam đang là một trong những quốc gia phát triển công nghệ số hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương, song làn sóng lừa đảo kỹ thuật số cũng gia tăng làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và kìm hãm tiềm năng đổi mới của công nghệ di động.

"Việt Nam đang có sự tăng trưởng vượt bậc trong các dịch vụ di động và có thể sớm trở thành quốc gia số hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", đây là nhận định của ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Di động Toàn cầu (GSMA).

Phát biểu tại Hội nghị GSMA bàn về tương lại số của Việt Nam diễn ra ngày 15/4, ôngJulian Gorman cho biết, Việt Nam đang có sự tăng trưởng vượt bậc trong các dịch vụ di động và có thể sớm trở thành một quốc gia số hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhờ vào tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, kết nối mạnh và các chính sách hỗ trợ.

Việt Nam cũng đặt mục tiêu đưa đất nước vào top 30 quốc gia số hàng đầu thế giới vào năm 2030, với các mục tiêu táo bạo như phủ sóng 5G và cáp quang trên toàn quốc, phát triển hơn 100.000 doanh nghiệp công nghệ số với lực lượng lao động 1,5 triệu người có kỹ năng về công nghệ số. 

Hiện nay, các công nghệ mới nổi như AI, 5G và Open Gateway đang định hình lại các ngành công nghiệp, cải thiện các dịch vụ công và thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, song hành với tiến trình này, làn sóng lừa đảo kỹ thuật số gia tăng đang đe dọa làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và kìm hãm tiềm năng đổi mới của công nghệ di động.

Ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, GSMA. (Ảnh: H.A).

Theo thống kê, tại Việt Nam, 74% người tiêu dùng hiện sử dụng ví điện tử, nhưng 89% lo sợ bị xâm nhập tài khoản và 95% quan ngại về việc dữ liệu cá nhân bị lạm dụng trên môi trường trực tuyến.

Số người dùng sử dụng kinh tế số ngày một nhiều hơn với tốc độ tăng trưởng hàng chục %. Kỹ thuật số là tương lai, một mặt giúp chúng ta phát triển nhanh song mặt khác đây là mảnh đất màu mỡ cho gian lận, lừa đảo.

"Trong thế giới thực, một đối tượng có thể móc túi chỉ một đến hai nạn nhân. Nhưng trong thế giới số có thể móc túi hàng trăm ngàn người và ai cũng có thể là nạn nhận của lừa đảo", ông Julian Gorman nói.

Những lĩnh vực như y tế, giáo dục… sẽ bị ảnh hướng lớn nếu không có biện pháp bảo vệ. Vì vậy, cần phải có những chính sách đạo đức, chính sách đảm bảo an toàn hơn cho người dùng. 

Hội nghị GSMA cũng đề cập đến nguy cơ gian lận đánh tráo SIM - một vấn đề mà 78% người tiêu dùng Việt Nam lo ngại, cao hơn nhiều mức trung bình của khu vực – cũng như cách tích hợp hiệu quả các công cụ bảo mật dựa trên API, như những công cụ được triển khai trong sáng kiến GSMA Open Gateway, vào các lĩnh vực khác nhau.

Về giải pháp, đại diện GSMA cho rằng, các Chính phủ cần đi trước một bước để ban hành các quy định trước các nguy cơ lừa đảo kỹ thuật số. Bên cạnh đó, cần thu hút sự tham gia của các bên, trong đó có các doanh nghiệp. Cùng với đó là sự phối hợp của các quốc gia trong việc phòng chống các nguy cơ lừa đảo kỹ thuật số. 

"Đặc biệt cần đảm bảo rằng có cơ chế để những nạn nhân có thể lên tiếng. Đảm bảo mọi người có được sự hỗ trợ, có đủ sự tự tin, không đơn thương độc mã trong vấn đề này", ông Julian Gorman nhấn mạnh.

Ông cũng chỉ ra rằng, cần thiết phải có sự phối hợp các hành động trong việc bảo vệ người tiêu dùng, từ việc tăng cường giám sát gian lận đến các chiến dịch giáo dục cộng đồng.

Viettel, một trong những nhà mạng hàng đầu tại Việt Nam, đã tích cực thúc đẩy phát triển các ứng dụng 5G, hiện chiếm gần một phần ba nội dung chính tại Hội nghị. Từ sản xuất thông minh và nông nghiệp chính xác đến nâng cao dịch vụ công, những ứng dụng thực tiễn của 5G đang dần mang lại những lợi ích rõ rệt về mặt xã hội và kinh tế.

"Điều này phản ánh sự vươn lên nhanh chóng của Việt Nam với vai trò là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về 5G, đồng thời khẳng định cam kết của đất nước trong việc thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo", ôngJulian Gorman nhận định.

Dù vậy, theo đại diện GSMA, Việt Nam có tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ, vẫn còn những thách thức liên quan đến kỹ năng số và mở rộng kết nối đến các cộng đồng. Trong đó, cần tăng cường quan hệ hợp tác công - tư trong việc mở rộng vùng phủ sóng di động, nâng cao kỹ năng số và xây dựng môi trường pháp lý hỗ trợ cả sự đổi mới sáng tạo lẫn an toàn số.

Với sự phát triển nhanh chóng của ví điện tử và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các giao dịch an toàn, liền mạch, Việt Nam là một bệ phóng lý tưởng để khởi động nỗ lực này trên toàn ASEAN nhằm bảo vệ niềm tin vào các dịch vụ tài chính số.

Hạ An

Chứng khoán Mỹ có phiên giảm nhẹ dù biến động từ chính sách thuế quan dịu bớt
Các chỉ số chính giảm nhẹ trong phiên 15/4 khi các nhà đầu tư phân tích những báo cáo tài chính đầu tiên của quý I/2025.