|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một nửa câu chuyện ông Trump không kể nhưng sẽ là điểm yếu lớn của Mỹ trong thương chiến toàn cầu

16:11 | 15/04/2025
Chia sẻ
Câu chuyện thuế quan của Tổng thống Trump luôn tập trung vào thâm hụt thương mại hàng hoá của Mỹ, bỏ quên mất một mảnh ghép quan trọng.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images).

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới nhậm chức gần ba tháng nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, số thông báo về thuế quan mà ông cùng các cấp dưới đưa ra là không đếm xuể.

Lý giải cho một loạt động thái thuế quan vừa qua, nhà lãnh đạo 78 tuổi nhiều lần nhấn mạnh đến mức thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ, nói rằng các nước khác đã “cướp bóc” Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Ông cáo buộc Trung Quốc lợi dụng Mỹ thông qua các hiệp định thương mại không công bằng, lên án mức thuế quan cao của Canada đối với các sản phẩm sữa của Mỹ là không chấp nhận được và chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) dựng lên rào cản thương mại với hàng hoá Mỹ.

Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của câu chuyện thương mại. Trong khi Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hoá từ nước ngoài hơn là xuất khẩu, ngành dịch vụ đang mang về bộn tiền cho nền kinh tế số một thế giới.

Nói một cách dễ hiểu, điều mà Tổng thống Trump đã bỏ qua trong những lời chỉ trích không ngừng của mình là thặng dư thương mại dịch vụ mà đất nước ông ghi nhận hàng năm.

Nước xuất khẩu dịch vụ lớn nhất thế giới

Trong hàng chục năm qua, Mỹ và phần còn lại của thế giới có một “thoả thuận”: các nước khác gửi ô tô, điện thoại, quần áo và đồ chơi đến Mỹ và đổi lại họ nhận được trái phiếu, phần mềm, phim ảnh và dịch vụ tư vấn từ Mỹ.

Trong bối cảnh Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hoá từ nước ngoài hơn và các nhà máy trong nước dần đóng cửa do khả năng cạnh tranh kém, thâm hụt thương mại hàng hoá của nước này đã phình to lên mức kỷ lục 1.211 tỷ USD vào năm 2024, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Dân số.

Song, cùng lúc đó, thặng dư thương mại dịch vụ của Mỹ đã tăng lên 295,1 tỷ USD, từ con số khiêm tốn 77 tỷ USD vào năm 2000. Trong đó, xuất khẩu dịch vụ năm 2024 đạt 1.107,3 tỷ USD và nhập khẩu chạm mức 812,2 tỷ USD.

Đây là sự đảo ngược hoàn toàn so với giai đoạn giữa thế kỷ 20, khi Mỹ là siêu cường sản xuất thế giới: có thặng dư thương mại hàng hoá nhưng thâm hụt thương mại dịch vụ.

 

Dịch vụ dần thống trị nền kinh tế Mỹ khi đất nước trở nên giàu có hơn. Theo một số ước tính, dịch vụ hiện chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ và xuất khẩu dịch vụ đóng góp khoảng 25% sản lượng kinh tế.

Ngày nay, ngành dịch vụ Mỹ hiện diện ở khắp mọi nơi. Ví dụ, mỗi lần một du khách Việt Nam lưu trú tại một khách sạn Mỹ, số tiền chi tiêu sẽ được tính vào xuất khẩu dịch vụ của Mỹ.

Hoặc, mỗi lần một người nào đó ở Canada, Nhật Bản hay Hàn Quốc trả tiền để nghe nhạc, xem phim hay chương trình truyền hình được sản xuất tại Mỹ, họ cũng đang đóng góp vào thặng dư dịch vụ của Mỹ.

Cùng lúc đó, Mỹ còn là nước xuất khẩu dịch vụ lớn nhất thế giới. Theo số liệu năm 2023 của World Bank, Mỹ xếp trên Anh (với kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 581,6 tỷ USD), Đức (442,8 tỷ USD), Ireland (431,4 tỷ USD) và Pháp (369,9 tỷ USD).

 

Giờ đây, Ford Motor và General Motors không phải là những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng to lớn nhất với nền kinh tế Mỹ, dù họ vẫn sử dụng một lượng đáng kể lao động.

Microsoft, Alphabet và JPMorgan Chase là những cái tên mới lấp vào vị trí đó khi các sản phẩm phần mềm và dịch vụ tài chính trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ thay cho xe ô tô. Đối với một số công ty dịch vụ lớn nhất, thị trường nước ngoài hiện còn quan trọng hơn Mỹ.

Trong một lưu ý, ông Brad Setser, nhà kinh tế thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết các chiến lược né tránh thuế doanh nghiệp cũng thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ của Mỹ tăng cao hơn.

Nhiều công ty Mỹ báo cáo lợi nhuận ở các quốc gia có mức thuế thấp hơn, sau đó trả phí cho công ty mẹ tại Mỹ. Các khoản phí đó được tính là khoản thanh toán cho quyền sở hữu trí tuệ hoặc quản lý tài sản, về mặt kỹ thuật cũng là xuất khẩu dịch vụ.

Đó là lý do tại sao Mỹ có thặng dư thương mại dịch vụ lớn với Ireland, Thuỵ Sỹ và Quần đảo Cayman.

 

Điểm mạnh hoá ra cũng là điểm yếu

Mặc dù Tổng thống Donald Trump không nhắc đến dịch vụ trong phép tính thâm hụt thương mại của mình, lĩnh vực này lại đang bị kéo vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn.

Hôm 9/4, chủ nhân Nhà Trắng đã leo thang cuộc thương chiến với Trung Quốc bằng cách tăng thuế quan đối ứng với hàng hoá nhập khẩu từ thị trường tỷ dân lên 125%.

Cộng với mức thuế 20% liên quan đến cáo buộc buôn lậu ma tuý fentanyl vào Mỹ, Trung Quốc phải chịu tổng mức thuế 145%, cao hơn nhiều con số mà các nhà kinh tế cảnh báo sẽ phá huỷ quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Song, trong một động thái nhằm cho phép các đối tác khác có thời gian đàm phán thoả thuận với Mỹ, vị tổng thống đã tạm hoãn thuế quan đối ứng với gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 90 ngày.

Trong lúc giới lãnh đạo chạy đua đàm phán với chính quyền Washington, một số đang cân nhắc biện pháp đáp trả nếu hai bên không thể đi đến một thoả thuận. Và dịch vụ - vốn là điểm mạnh trong hoạt động giao thương của Mỹ - cũng là điểm yếu đáng lo của nước này.

Các nước không thể dễ dàng áp thuế quan đối với dịch vụ, nhưng họ có thể đánh thuế (tax), phạt tiền hoặc thậm chí cấm doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại thị trường địa phương. Bản thân người tiêu dùng tại các nước đó cũng có thể xa lánh dịch vụ do các ngân hàng và công ty quản lý tài sản Mỹ cung cấp.

Chia sẻ với tờ Al Jazeera, ông Gary Huffbauer, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cảnh báo: “Các công ty công nghệ và dịch vụ Mỹ có thể mất nhiều thị phần và khả năng tiếp cận thị trường do cuộc chiến thuế quan của ông Trump”.

 

Trên thực tế, Trung Quốc đã hành động. Trong khi phần lớn sự chú ý của Washington tập trung vào thâm hụt thương mại hàng hoá của Mỹ với Trung Quốc, dịch vụ từ lâu đã là điểm sáng đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Chỉ riêng năm 2024, thặng dư thương mại dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc đã đạt gần 32 tỷ USD. Theo đó, Trung Quốc là cái tên xếp hạng ba trong danh sách các đối tác có thâm hụt thương mại dịch vụ lớn nhất với Mỹ.

Đáp lại thuế quan của ông Trump, Trung Quốc đã nâng thuế quan đối với hàng hoá Mỹ lên 125%. Đồng thời, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình còn tuyên bố sẽ ngay lập tức hạn chế nhập khẩu phim Hollywood, dù các nhà phân tích cho biết tác động của động thái này sẽ không lớn.

Các hãng phim Hollywood từng tìm đến Trung Quốc, thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới, để thúc đẩy thành tích phòng vé. Tuy nhiên, phim nội địa ngày càng vượt trội so với Hollywood. Gần đây, Na Tra 2 đã vượt qua Inside Out 2 của Pixar để trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Trong tương lai, Bắc Kinh có thể sẽ nhắm đến những ngành dịch vụ quan trọng hơn của Mỹ, bởi người Trung Quốc đang là khách hàng lớn của ngành giáo dục, du lịch và dịch vụ tài chính Mỹ.

Đáng chú ý, gần 1/3 dịch vụ Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc liên quan đến ngành giáo dục, chủ yếu nhờ học phí và sinh hoạt phí của khoảng 270.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Mỹ, theo dữ liệu mới nhất từ Viện Giáo dục Quốc tế.

Mặc dù số du học sinh Trung Quốc tại Mỹ hiện thấp hơn 100.000 so với trước đại dịch, nước này vẫn đứng thứ hai sau Ấn Độ về số lượng sinh viên quốc tế.

 

EU cũng cân nhắc trả đũa thuế quan của ông Trump bằng cách đánh vào thặng dư thương mại dịch vụ của Mỹ với khối. 

Năm 2024, nhóm 27 quốc gia thành viên có thặng dư thương mại hàng hoá khoảng 236,7 tỷ USD với Mỹ. Song, trong lĩnh vực dịch vụ, nơi các doanh nghiệp Mỹ chiếm ưu thế, EU thâm hụt thương mại khoảng 75,6 tỷ USD.

Biện pháp cực đoan nhất mà EU có thể sử dụng là Công cụ chống áp bức (ACI). Được đề xuất lần đầu vào năm 2021, công cụ này chưa được dùng nhưng nó cho phép EU tấn công đối tác thương mại bằng “nhiều biện pháp đối phó tiềm năng”.

Các biện pháp đó bao gồm thuế quan, hạn chế thương mại dịch vụ và giới hạn các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Nếu EU hành động, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Google có thể chịu tổn thương.

Khác với Trung Quốc, EU có kinh nghiệm đối phó với ngành dịch vụ Mỹ hơn. Trong hơn một thập kỷ qua, EU đã nhắm đến các công ty lớn nhất Thung lũng Silicon vì hoạt động kinh doanh vi phạm luật chống cạnh tranh, bảo vệ quyền riêng tư kém và kiểm duyệt nội dung lỏng lẻo.

Sự giám sát chặt chẽ của châu Âu đã dẫn đến những thay đổi đáng chú ý về sản phẩm vì EU, nơi sinh sống của khoảng 450 triệu người, là một thị trường lớn. Chẳng hạn, Google đã thay đổi cách hiển thị kết quả tìm kiếm, Apple phải điều chỉnh Appe Store và Meta tinh chỉnh Instagram cùng Facebook vì các quy tắc của EU.

Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times vào ngày 2/4, ông Mujtaba Rahman, Giám đốc cấp cao tại hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group, đánh giá: “Đòn bẩy thực sự mà người châu Âu có là dịch vụ”.

 

Yên Khê

Hé lộ bức tranh KQKD ngành chứng khoán quý I/2025: MBS, HDS, Kafi, DSC… công bố BCTC
Trong số những cái tên đầu tiên của ngành chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý I, MBS, Kafi ghi nhận tăng trưởng, trong khi HDS, DSC giảm lợi nhuận.