Ông Trump khởi xướng điều tra chip và dược phẩm, sẽ sớm công bố thuế quan tương ứng

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngồi cùng các quan chức cấp dưới. (Ảnh: Bloomberg).
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy các kế hoạch áp thuế quan đối với chất bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu bằng cách khởi xướng cuộc điều tra thương mại do Bộ Thương mại Mỹ dẫn dắt.
Các động thái trên được công bố vào ngày 14/4. Đây là tiền đề cho việc áp thuế quan trong tương lai và có khả năng sẽ mở rộng cuộc chiến thương mại toàn cầu của Tổng thống Trump.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đã bắt đầu điều tra tác động của “chất bán dẫn và thiết bị sản xuất bán dẫn nhập khẩu” cũng như “dược phẩm và thành phần dược phẩm, bao gồm cả sản phẩm thuốc thành phẩm” đối với an ninh quốc gia.
Cuộc điều tra bắt đầu vào ngày 1/4 theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại và dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng. Theo luật, Bộ trưởng Bộ Thương mại sẽ công bố kết quả điều tra trong vòng 270 ngày, mặc dù ông Trump và các quan chức khác đã ra hiệu rằng nỗ lực này có thể kết thúc sớm hơn.
Ông Trump từ lâu đã lên án hoạt động sản xuất thuốc và chất bán dẫn của nước ngoài là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia và đe doạ sẽ áp thuế với hàng nhập khẩu để khôi phục dây chuyền sản xuất các sản phẩm đó tại Mỹ.
Tuy nhiên, thuế quan đối với dược phẩm và chất bán dẫn cũng có thể gây rối loạn chuỗi cung ứng và kéo chi phí cho người tiêu dùng Mỹ lên cao.
Theo Bloomberg, các mức thuế quan mới của ông Trump đe doạ sẽ làm đảo lộn ngành công nghiệp chip. Các chuỗi cung ứng vẫn còn cảm nhận tác động từ đại dịch và có thể chịu thêm căng thẳng do thuế quan của Mỹ.
Cho đến nay, ngành bán dẫn toàn cầu đã đạt doanh số hơn 600 tỷ USD. Ngành này đang cung cấp các con chip cần thiết cho nhiều sản phẩm từ ô tô, máy bay cho đến điện thoại và đồ điện tử tiêu dùng.
Thông báo mới của chính quyền ông Trump xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Washington miễn trừ chất bán dẫn, điện thoại thông minh, máy tính và các mặt hàng điện tử khác khỏi thuế quan đối ứng.
Thông báo đó là một thông tin tích cực cho các gã khổng lồ công nghệ như Apple và Nvidia, nhưng ông Trump và các cố vấn đã nhanh chóng phát tín hiệu rằng miễn trừ sẽ không kéo dài và Mỹ sẽ sớm áp thuế riêng với chip.
Hai cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ
Cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ về chất bán dẫn dự kiến sẽ có phạm vi rộng nhằm đánh giá việc nhập khẩu cả chip cũ lẫn chip tiên tiến đóng vai trò quan trọng với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo thông báo của chính phủ Mỹ, cuộc điều tra sẽ bao gồm việc nhập khẩu tất cả các chất bán dẫn và thiết bị được sử dụng để sản xuất chúng, cũng như các sản phẩm điện tử có chứa các thành phần đó.
Thuế quan đối với ngành bán dẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều công ty xuất khẩu hàng tỷ USD vi xử lý và hàng hoá liên quan sang Mỹ mỗi năm, Bloomberg dự đoán.
Các nhà sản xuất chip tiên tiến của nước ngoài như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) của Đài Loan và SK Hynix của Hàn Quốc có thể sẽ buộc phải tăng giá hoặc chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn nếu ông Trump thực hiện lời đe doạ áp thuế.
Thuế quan cũng có nguy cơ sẽ khiến chi phí sản xuất chip tại Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt là nếu các nhà sản xuất thiết bị như gã khổng lồ ASML của Hà Lan bị đánh thuế.
ASML là nhà cung cấp lớn nhất thế giới về máy quang khắc hiện đại được sử dụng để sản xuất những con chip nhỏ nhất phục vụ cho AI và các ứng dụng phức tạp khác.
Cuộc điều tra với dược phẩm nhập khẩu sẽ xem xét việc nhập khẩu tất cả các loại dược phẩm, bao gồm cả thuốc gốc thành phẩm và thuốc không phải thuốc gốc, cũng như thành phần để sản xuất thuốc.
Các nhà điều tra cũng sẽ nhắm đến việc nhập khẩu những đầu vào dược phẩm quan trọng khác. Công chúng được mời đánh giá hai cuộc điều tra bằng cách đưa ra bình luận trong 21 ngày tới.
Thuế quan cũng sẽ là một đòn giáng vào các nhà sản xuất thuốc lớn nhất thế giới như Merck & Co. và Eli Lilly bởi hầu như tất cả cơ sở sản xuất của họ đều rải rác trên toàn cầu.
Các công ty dược phẩm đã gấp rút công bố các khoản đầu tư lớn vào Mỹ trước khi có khả năng bị áp thuế. Gần đây nhất, hãng dược Thuỵ Sỹ Novartis cho biết họ có kế hoạch rót 23 tỷ USD vào Mỹ trong 5 năm tới, sau các cam kết tương tự từ Eli Lilly, Merck & Co. và Johnson & Johnson.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo điều đó có thể sẽ không làm giảm tác động của thuế quan.
“Theo quan điểm của chúng tôi, không có biện pháp khắc phục nhanh chóng nào cho các công ty bị ảnh hưởng”, nhà phân tích David Risinger của Leerink Partners cho hay. “Chuyển cơ sở sản xuất sẽ mất nhiều năm và rất tốn kém”.
Các nhà sản xuất thuốc sẽ phải lựa chọn giữa việc chịu phí tổn từ thuế quan hoặc tăng giá thuốc tại thị trường vốn đã đắt đỏ nhất thế giới.