Kinh tế tuyến tính (Linear Economy) là gì? Hậu quả
Kinh tế tuyến tính
Khái niệm
Kinh tế tuyến tính trong tiếng Anh được gọi là Linear Economy.
Kinh tế tuyến tính bắt đầu từ Khai thác tài nguyên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, rồi Sản xuất, Phân phối, Tiêu dùng và cuối cùng là Thải loại. Một cách ngắn gọn, có thể nói đây chính là quá trình biến tài nguyên thành chất thải, do đó tất yếu sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
Kinh tế tuyến tính, dựa vào thác tài nguyên để tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, là cách thức đã đem đến sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và nâng cao mức sống của con người trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, khi các nền kinh tế ngày càng mở rộng và tài nguyên dần cạn kiệt thì cách thức phát triển ấy không thể duy trì. Hơn nữa, môi trường suy thoái do chất thải gia tăng thì bản thân chất lượng cuộc sống của con người cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, các thành tựu của phát triển kinh tế vì thế cũng sẽ không còn nhiều giá trị.
Do đó, xu hướng của nhiều nước hiện nay là chuyển dịch sang Kinh tế tuần hoàn, với cốt lõi là phục hồi và tái tạo, từ đó giảm lượng tài nguyên phải khai thác, đồng thời hạn chế chất thải ra môi trường.
Áp lực từ các vấn đề của kinh tế tuyến tính
Kinh tế tuyến tính đã và đang gây ra những áp lực về suy giảm tài nguyên và gia tăng lượng thải. Thật vậy, so với 50 năm trước, tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của thế giới đã tăng 190%.
Theo ước tính, nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế của con người hiện nay đã gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của trái đất. Vì thế, nếu không thay đổi cách thức phát triển, việc cạn kiệt tài nguyên, ngay cả với các tài nguyên có thể tái tạo, là không thể tránh khỏi.
Về rác thải của thế giới, chỉ tính riêng rác thải nhựa đổ ra biển của năm 2014 đã là 150 triệu tấn trên toàn cầu. Dự đoán đến năm 2050, tổng khối lượng rác thải nhựa thậm chí sẽ nhiều hơn tổng khối lượng cá trong các đại dương.
Ngoài ra, cần kể tới các vấn đề như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái đất, mất rừng, suy giảm đa dạng sinh học, gia tăng phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu diễn ra với qui mô toàn cầu.
Bên cạnh đó, bản thân các nền kinh tế cũng đang có những thách thức mới như: rủi ro của chuỗi cung ứng, sự xuất hiện của các thị trường phi qui định, chiến tranh thương mại và những bất ổn kinh tế khác. Những vấn đề trên đã đặt ra yêu cầu cấp thiết của sự thay đổi.
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế tuần hoàn và sự chuyển dịch tất yếu, VNU Journal of Science: Policy and Management Studies, Vol. 35, No. 3 (2019) 21-28)