|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kinh doanh đường sắt đô thị là gì? Quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp kinh doanh

11:10 | 03/07/2020
Chia sẻ
Kinh doanh đường sắt đô thị là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn từ đầu tư đến vận chuyển hành khách trong đô thị nhằm mục đích sinh lợi
Kinh doanh đường sắt đô thị là gì? Quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp kinh doanh - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: metrorailnews)

Kinh doanh đường sắt đô thị 

Khái niệm

Kinh doanh đường sắt đô thị là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn từ đầu tư đến vận chuyển hành khách trong đô thị nhằm mục đích sinh lợi (Theo qui định tại Khoản 22, Điều 3, Luật đường sắt năm 2017).

Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị

Theo qui định tại Điều 74 Luật đường sắt năm 2017, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị thực hiện quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.

Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị có quyền, nghĩa vụ trong việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp.

Yêu cầu chung đối với đường sắt đô thị

Yêu cầu chung đối với đường sắt đô thị được qui định tại Điều 70 Luật đường sắt năm 2017 như sau:

- Phát triển đường sắt đô thị phải phù hợp với qui hoạch phát triển của địa phương và tạo động lực cho quá trình phát triển đô thị.

- Kết nối hiệu quả các phương thức vận tải khác trong đô thị để chuyên chở hành khách. Công trình đường sắt đô thị phải được đấu nối không gian và đấu nối kĩ thuật với các công trình lân cận, đáp ứng tính đồng bộ theo qui hoạch đô thị.

- Công trình, phương tiện, thiết bị đường sắt đô thị phải đáp ứng yêu cầu kinh tế, kĩ thuật, bảo đảm đồng bộ, an toàn, quốc phòng, an ninh, phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn, cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường.

- Hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

+ Không được trồng cây, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang;

+ Phải được cách li để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép;

+ Đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác phòng chống, cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn.

- Phải bảo đảm thuận tiện cho hành khách và bảo đảm tiếp cận sử dụng cho người khuyết tật theo qui định của pháp luật.

(Tài liệu tham khảo: Tìm hiểu một số qui định pháp luật về đường sắt đô thị, Luật đường sắt 2017)

Diệu Nhi