|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Khu vực PIIGS là gì? PIIGS và tác động kinh tế lên EU

16:37 | 02/07/2020
Chia sẻ
PIIGS là từ viết tắt của Bồ Đào Nha (Portugal), Ý (Italy), Ireland, Hy Lạp (Greece) và Tây Ban Nha (Spain), là những nền kinh tế yếu nhất thuộc khu vực đồng euro trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
Khu vực PIIGS là gì? PIIGS và tác động kinh tế lên EU - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Youtube

PIIGS 

Khái niệm

PIIGS là từ viết tắt của Bồ Đào Nha (Portugal), Ý (Italy), Ireland, Hy Lạp (Greece) và Tây Ban Nha (Spain), là những nền kinh tế yếu nhất thuộc khu vực đồng euro trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Vào thời điểm đó, năm quốc gia yếu kém về sản lượng kinh tế lẫn sự bất ổn tài chính. Điều này đã làm tăng nghi ngờ về khả năng thanh toán trái phiếu của các quốc gia và làm dấy lên lo ngại rằng các quốc gia này sẽ vỡ nợ.

Nguồn gốc của thuật ngữ PIIGS

Khu vực đồng euro, vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008, đã chấp nhận việc sử dụng một loại tiền tệ duy nhất là đồng euro. Trong những năm đầu thập niên 2000, được thúc đẩy chủ yếu bởi chính sách tiền tệ phù hợp đã khiến các quốc gia thuộc khu vực này tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất rất thấp.

Điều này dẫn đến các quốc gia có nền kinh tế yếu trong khu vực, đặc biệt là PIIGS, có thể tiếp cận được nguồn vốn vay dễ dàng hơn. Tuy nhiên, họ khó có thể thanh toán được các khoản vay này một cách hợp lí nếu có một cú sốc tiêu cực lên hệ thống tài chính. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 chính là cú sốc tiêu cực này, dẫn đến tình trạng kinh tế kém hiệu quả khiến họ không có khả năng trả lại các khoản vay mà họ đã vay. Hơn nữa, việc tiếp cận vào các nguồn vốn bổ sung cũng đã không còn.

Vì các quốc gia này đã sử dụng đồng euro làm tiền tệ, nên họ nằm dưới sự ra lệnh của Liên minh châu Âu (EU) và bị cấm triển khai các chính sách tiền tệ độc lập để giúp chống lại suy thoái kinh tế toàn cầu do cuộc khủng hoảng tài chính 2008 gây ra. Để giảm sự suy đoán rằng EU sẽ từ bỏ các quốc gia yếu kém về kinh tế này, các nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 10 tháng 5 năm 2010 đã phê duyệt gói ổn định trị giá 750 tỉ euro để hỗ trợ các nền kinh tế PIIGS.

Từ cuối những năm 1970, việc sử dụng thuật ngữ này thường bị chỉ trích là xúc phạm. Việc sử dụng tên lóng này (nghe giống với từ Pig nghĩa là con lợn trong tiếng Anh) lần đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1978, khi được sử dụng để xác định các quốc gia châu Âu có nền kinh tế kém như Bồ Đào Nha, Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha (PIGS). Ireland đã không "tham gia" nhóm này cho đến năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra đã khiến nền kinh tế của nước này rơi vào tình trạng nợ nần rất khó kiểm soát và tình hình tài chính trở nên tồi tệ giống như các quốc gia PIGS.

PIIGS và tác động kinh tế lên EU

Theo Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu, tăng trưởng GDP của khu vực đồng euro đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm là vào năm 2017. Tuy nhiên, các quốc gia PIIGS đã bị đổ lỗi cho việc làm chậm sự phục hồi kinh tế của khu vực đồng euro sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do làm tốc độ tăng trưởng GDP thấp, tỉ lệ thất nghiệp cao lẫn mức nợ cao trong khu vực.

So với mức đỉnh trước khủng hoảng, GDP của Tây Ban Nha thấp hơn 4,5%, Bồ Đào Nha thấp hơn 6,5% và Hy Lạp thấp hơn 27,6% so với đầu năm 2016. Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất ở EU lần lượt là 21,4% và 24,6% - mặc dù theo các ước tính cuối năm 2017, những con số đó sẽ giảm xuống còn 14,3% và 18,4% vào năm 2020, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tăng trưởng chậm chạp và tỉ lệ thất nghiệp cao ở các quốc gia này là ỉý do chính khiến tỉ lệ nợ trên GDP của khu vực đồng euro tăng từ 79,2% vào cuối năm 2009 lên mức cao nhất là 92% trong năm 2014. Tỉ lệ này năm 2018 ở mức 85,1%.

Một mối đe dọa đối kinh tế của EU?

Những rắc rối kinh tế của các quốc gia PIIGS đã dấy lên cuộc tranh luận về hiệu quả của đồng tiền chung euro. Các nhà phê bình chỉ ra rằng sự chênh lệch kinh tế liên tục có thể dẫn đến sự tan vỡ của khu vực đồng euro. Đáp lại, các nhà lãnh đạo EU đã đề xuất một hệ thống bình duyệt (peer review) để phê duyệt ngân sách chi tiêu quốc gia nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn nữa giữa các quốc gia thành viên EU.

Vào ngày 23/6/2016, Vương quốc Anh đã bỏ phiếu rời khỏi EU (BREXIT), điều mà nhiều người đã viện dẫn do các vấn đề của EU liên quan đến nhập cư, độc lập chủ quyền và sự hỗ trợ liên tục cho các nền kinh tế thành viên yếu kém. Điều này đã dẫn đến gánh nặng thuế cao hơn và mất giá đồng euro.

Trong khi những rủi ro chính trị liên quan đến đồng euro được BREXIT đưa ra, thì thêm vào đó là các vấn đề nợ của Bồ Đào Nha, Ý, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha đã giảm nhẹ trong những năm gần đây. Các báo cáo năm 2018 chỉ ra rằng tâm lí nhà đầu tư đã được cải thiện đối với các quốc gia, bằng chứng là Hy Lạp quay trở lại thị trường trái phiếu vào tháng 7 năm 2017 và sự tăng nhu cầu về nợ dài hạn của Tây Ban Nha.

(Theo Investopedia)

Lê Huy