|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

[Timeline] Chặng đường mở cửa của Trung Quốc sau ba năm khép mình với thế giới

14:42 | 11/01/2023
Chia sẻ
Bước chuyển trong cuộc chiến chống COVID-19 của Trung Quốc xuất hiện kể từ sau khi Thượng Hải bị phong toả hồi cuối tháng 3/2022. Đến nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chính thức mở cửa, loại bỏ hoàn toàn chính sách Zero COVID hà khắc.

 


Cú sốc Thượng Hải

Gần ba năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất còn theo đuổi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để xoá sổ các chuỗi lây nhiễm.

Chuyển biến trên mặt trận chống COVID của Trung Quốc chỉ xuất hiện từ sau khi trung tâm tài chính Thượng Hải - thành phố với 25 triệu dân - bị phong tỏa trong hai tháng kể từ cuối tháng 3/2022.

Thượng Hải chiếm khoảng 20% hoạt động ngoại thương và thu hút 14% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc. Đồng thời, Thượng Hải còn sở hữu cảng biển sầm uất nhất thế giới, với công suất vận chuyển năm 2022 đạt 47,3 triệu TEU.

Vì vậy, khi Thượng Hải bị phong toả, hoạt động sản xuất, tiêu dùng và chuỗi cung ứng của cả nước đều bị đảo lộn nghiêm trọng. Cùng lúc, số ca nhiễm của thành phố này liên tục tăng, chiếm gần 90% tổng số trường hợp nhiễm mới của Trung Quốc khi đó.

Tình trạng gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng không chỉ ảnh hưởng đến các lĩnh vực công nghiệp trong nước. Ngay cả các doanh nghiệp quốc tế lớn cũng bị giáng một đòn mạnh. Ước tính, hàng nghìn nhà cung cấp quy mô lớn, cùng hơn 20.000 cung cấp nhỏ và siêu nhỏ đã bị ảnh hưởng. 

Hầu như tất cả các nhà sản xuất ô tô hàng đầu toàn cầu đều có nhà máy ở Thượng Hải và các thành phố lân cận, bao gồm Bosch, Aptiv, Borg Warner, ZF, Magna, Continental và Valeo. 

Nhà máy Gigafactory 3 của Tesla buộc phải ngừng sản xuất ba tuần do không thể đảm bảo đủ các bộ phận xe hơi và thiết bị bảo vệ để giữ cho dây chuyền lắp ráp hoạt động theo “vòng lặp khép kín".

Một khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc công bố đầu tháng 4 cho thấy, hơn 80% nhà sản xuất đã phải giảm công suất hoặc ngừng hoạt động tại Thượng Hải.

Trong quý II, nền kinh tế Thượng Hải giảm gần 14%, đè nặng lên nền kinh tế chung. Trong cùng quý, GDP của Trung Quốc chỉ tăng trưởng khiêm tốn 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sau Thượng Hải, Thành Đô là thành phố lớn thứ của Trung Quốc bị phong toả, bên cạnh hàng chục địa phương khác trên toàn quốc.

Chỉ tính riêng giai đoạn 20/8 - 5/9, ít nhất 74 thành phố tại Trung Quốc đã bị đặt dưới lệnh phong tỏa một phần hoặc toàn phần. Các địa phương này có tổng dân số khoảng 313 triệu người, đóng góp 20% cho GDP của cả nước, theo ước tính của Nomura.

 

Những phát súng lớn

Do thiệt hại kinh tế từ các vụ phong tỏa, cũng như sau đại hội đảng quan trọng hồi cuối tháng 10, chính quyền Bắc Kinh đã đột ngột công bố một loạt chính sách mới - đánh dấu những thay đổi đầu tiên trên mặt trận chống dịch.

Phát súng đầu tiên là 20 biện pháp phòng dịch tối ưu do Uỷ ban Y tế Quốc gia điều chỉnh và công bố vào ngày 11/11.

Các biện pháp này liên quan đến việc rút ngắn thời gian cách ly đối với khách nhập cảnh, người tiếp xúc gần, công nhân nhà máy; rút gọn cấp phân loại khu vực rủi ro xuống còn “cao” và “thấp"; hạn chế mở rộng phạm xét nghiệm PCR nếu không xác định được nguồn gốc ổ bệnh; và đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, đặc biệt là cho người già.

Phát súng tiếp theo đến từ Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, người dẫn dắt phản ứng chống dịch của Trung Quốc trong ba năm qua. 

Ngày 26/11, bà thừa nhận “Trung Quốc đang đối mặt với tình hình và nhiệm vụ mới, khi khả năng gây bệnh của Omicron giảm dần, vắc xin trở nên phổ biến hơn và kinh nghiệm trong ngăn ngừa và kiểm soát [được cải thiện]".

Đầu tháng 12, Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ hầu hết các chính sách kiểm dịch hà khắc. Các ca nhiễm không triệu chứng hoặc thể nhẹ, và trường hợp F1 có thể cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện.

Trung Quốc cũng sẽ khoanh vùng nguy cơ dịch đến phạm vi nhỏ hơn, dừng triển khai biện pháp phong tỏa. Đồng thời, việc xét nghiệm sẽ được thu hẹp, giảm sát tần suất, chấp nhận hình thức xét nghiệm kháng nguyên.

Ngoài ra, người dân không còn cần phải xuất trình mã sức khoẻ hoặc kết quả xét nghiệm âm tính để tham gia các hoạt động công cộng như mua sắm tại trung tâm thương mại.

Một mặt, các động thái nới lỏng Zero COVID khiến biến chủng Omicron lây lan mạnh hơn, khi Trung Quốc liên tục báo cáo số ca nhiễm mới và tử vong cao kỷ lục trong nhiều ngày. 

Mặt khác, hoạt động kinh tế và sản xuất đều ghi nhận dấu hiệu khởi sắc ở các thành phố được cho là đã đạt đỉnh dịch, như Thành Đô, Bắc Kinh, Thiên Tân, Thâm Quyến, Thượng Hải và Vũ Hán.

Bước sang năm 2023, phát súng lớn nhất và cuối cùng của Bắc Kinh để rút lui khỏi chiến lược Zero COVID là thông báo mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023.

Hàng nghìn du khách đã nhập cảnh vào Trung Quốc trong ngày mở cửa để đoàn tụ với gia đình hoặc thực hiện các chuyến đi mà họ đã mong chờ từ lâu. Rất lâu kể từ khi đại dịch xuất hiện, các gia đình Trung Quốc mới có cơ hội đứng chờ ở sảnh sân bay để đón người thân. 

Dù tâm lý thận trọng vẫn còn, hoạt động du lịch, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi sau khi làn sóng COVID hiện tại lắng xuống.

Theo ước tính trung vị của các nhà phân tích do Bloomberg khảo sát, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm nay. Đây là con số tích cực so với mức tăng trưởng thấp ở Mỹ và khu vực đồng euro.

Một số thậm chí còn lạc quan hơn. Morgan Stanley đã nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc thêm 0,3 điểm % lên 5,7%. Morgan tin rằng tác động ngắn hạn của việc mở cửa sẽ được bù đắp bằng sự phục hồi sớm và mạnh mẽ hơn.

 

Nội dung: Yên Khê - Đồ họa: Alex Chu