|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

COVID quét qua vùng nông thôn Trung Quốc, hệ thống y tế địa phương tê liệt

08:10 | 10/01/2023
Chia sẻ
Các khu vực nông thôn trên khắp Trung Quốc đang phải gồng mình chống chọi làn sóng lây nhiễm lớn. Tuy nhiên, tình hình rất căng thẳng bởi vật tư y tế, thuốc thang và cơ sở vật chất điều trị cho bệnh nhân đều thiếu hụt hoặc cạn kiệt.

Các bác sĩ thăm khám cho dân làng ở tỉnh Quý Châu. (Ảnh: Getty Images).

Dân làng ở huyện Luyi (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) thường đã bắt đầu chuẩn bị đón Tết Nguyên đán từ nhiều tuần trước.

Người từ hàng trăm ngôi làng nhỏ sẽ ép dầu từ đậu phộng tự trồng, mổ heo, ngỗng và gà. Họ cũng sẽ treo những câu đối lễ hội mùa xuân, dán giấy đỏ ghi những lời chúc tốt đẹp lên cửa nhà.

Năm nay, Luyi đang chìm trong không khí im lặng đáng ngại. Những người đi qua cánh đồng lúa mì của một ngôi làng trong vùng đều hướng về cùng một hướng: phòng khám của bác sĩ Wang Jian, nơi duy nhất cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản.

Những người khác đang nằm trên giường, chiến đấu với COVID hoặc ở yên trong nhà với hy vọng không bị lây nhiễm, tờ Bloomberg đưa tin.

“Tôi chưa bao giờ phải chữa cho nhiều bệnh nhân như vậy”, bác sĩ Wang cho hay. “Một tuần trở lại đây, hầu như gia đình nào trong thôn cũng có người đến chữa bệnh”.

Ông lo ngại rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi người trẻ làm việc ở các nhà máy hoặc văn phòng trên thành phố trở về nhà nghỉ Tết. Cuộc “đại di cư” của hàng trăm triệu người Trung Quốc có thể làm phức tạp thêm các chuỗi lây nhiễm.

Im ắng và đáng ngại

Biến chủng Omicron đã quét qua các thành phố lớn của Trung Quốc, từ Bắc Kinh, Thượng Hải cho đến Quảng Châu. Hệ thống bệnh viện bị quá tải và số trường hợp tử vong tăng cao.

Giờ đây, biến chủng này đang tấn công các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn, nơi dịch bệnh và nguy cơ tử vong có thể lan rộng hơn do thiếu nguồn lực y tế và dân số già.

Nhiều tỉnh, bao gồm Chiết Giang, Sơn Đông và Hồ Bắc, dự đoán đợt bùng phát sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng này.

“Người ta quá tập trung vào việc Bắc Kinh và Thượng Hải phải vật lộn với dịch bệnh, như thể họ đang nhìn thấy điều tồi tệ nhất, nhưng những gì đang diễn ra ở các khu vực cấp thấp hơn còn đáng ngại hơn nhiều”, phó giáo sư Chen Xi tại Đại học Yale cho hay.

“Đỉnh dịch và tình trạng lây nhiễm nghiêm trọng vẫn chưa tấn công các vùng nông thôn. Cho nên, rắc rối đang chờ Trung Quốc”, ông Chen nói, đề cập đến tác động của cuộc đại di cư Tết Nguyên đán đến khu vực nông thôn.

Các bệnh viện khu vực và phòng khám địa phương không có nhiều kinh nghiệm để chiến đấu với COVID, và họ cũng không nhận được nhiều hỗ trợ, theo Bloomberg. Vật tư y tế và thuốc thang điều trị khẩn cấp đều đang khan hiếm.

Tính đến cuối năm 2020, chỉ có 1,62 nhân viên y tế chăm sóc sức khoẻ cho mỗi 1.000 người dân ở vùng nông thôn Trung Quốc. Trên toàn quốc, tỷ lệ này là 2,9 bác sĩ và 3,3 y tá. Đây là bằng chứng rõ ràng về sự thiếu hụt nguồn lực trầm trọng.

Một cụ bà lớn tuổi được tiêm ngừa COVID. (Ảnh: Getty Images).

Ở Luyi, bác sĩ Wang đang phải vật lộn để chăm sóc cả những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, giống như đồng nghiệp ở các làng khác.

Cả nước đang thiếu thuốc nên ông không thể mua được các loại dược phẩm phổ biến như ibuprofen, thuốc kháng sinh và thuốc kháng virus. Theo bác sĩ Wang, chính quyền địa phương đã không giúp đỡ.

Tình hình còn tồi tệ hơn đối với những người có triệu chứng nghiêm trọng. Lựa chọn duy nhất cho những người bị khó thở là đến một trong số ít bệnh viện lớn hơn trong huyện vì biết đâu họ sẽ có sẵn một chiếc máy thở.

Trong các làng nhỏ thường không có xe cứu thương, vì vậy các thành viên trong giai đình phải tìm cách lái xe 40 phút đến cơ sở y tế gần nhất khi có người bị bệnh nặng.

“Tôi rất buồn khi bảo họ đến các bệnh viện huyện, bởi hiện tại hầu hết đã chật kín người, nhưng đó là hy vọng duy nhất. Không có phòng khám nào có thể cứu họ”, bác sĩ Wang cho hay.

Dù vậy, bác sĩ Wang vẫn tiếp tục làm việc, khi hàng chục bệnh nhân xếp hàng từ sáng sớm đến tối mờ để được chăm sóc mỗi ngày. Nhiều người cần truyền dịch đến mức ông phải điều trị cho các bệnh nhân lớn tuổi ở nhà mình, kế bên phòng khám.

“Hầu hết dân làng không gọi nó là COVID. Thuật ngữ này mới quá. Họ chỉ nói rằng mình bị cảm lạnh”, ông nói.

Tuần trước, Uỷ ban Y tế Quốc gia đã chỉ thị cho chính quyền các địa phương cung cấp kịp thời thuốc kháng virus, máy thở, oxy và những vật tư khác cho các cơ sở y tế, nhưng những bác sĩ như ông Wang vẫn chưa nhận được bất cứ thứ gì.

Chính phủ cũng kêu gọi người lao động nhập cư và sinh viên hoãn về quê nếu họ đang nhiễm bệnh. Đồng thời, Bắc Kinh còn yêu cầu các bệnh viện lớn giúp đỡ những phòng khám ở nông thôn và tạo điều kiện để chuyển bệnh nhân trở nặng lên tuyến trên.

Không đơn độc

Kịch bản tương tự như Luyi đang diễn ra trên khắp Trung Quốc.

Tại huyện Ximeng của tỉnh Vân Nam, gần Myanmar, người ông 81 tuổi của Ding Min đã nhiễm COVID vào cuối tháng 12.

Gia đình đã lái xe hơn 90 phút để đưa ông đến thành phố Puer tìm giường chăm sóc đặc biệt, vì phòng khám trong làng không có thuốc hay cơ sở vật chất để điều trị. Cuối cùng, họ không tìm thấy bệnh viện nào. Ông cụ qua đời ba ngày sau đó.

Gia đình Ding Min vẫn đang chờ nhà tang lễ đến nhận thi thể của ông nội. Họ chưa biết sẽ phải mất bao lâu.

Áp lực đối với các cơ sở y tế địa phương đang gia tăng. Nhu cầu oxy hàng ngày tại một bệnh viện lớn ở một thành phố cấp ba thuộc tỉnh Quảng Đông trong những tuần gần đây đã tăng gấp ba lần và gần như hết công suất.

Bệnh viện này đã nâng gấp đôi số giường chăm sóc đặc biệt vào tháng 12 nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu khi dịch bệnh bùng phát lên đến đỉnh điểm trong tháng 1 tại các quận và huyện lân cận.

Cuộc khủng hoảng vật tư y tế lan rộng đến chính quyền cấp tỉnh. Tỉnh Sơn Tây, một khu vực nông thôn với dân số khoảng 35 triệu người, đang cung cấp thuốc hạ sốt miễn phí, theo thông báo của các quan chức trên WeChat.

Tuy nhiên, mỗi người chỉ được nhận tối đa 6 viên ibuprofen hoặc paracetamol tại các phòng khám địa phương, có thể là không đủ để điều trị COVID.

Khả Nhân

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.