Cuộc di dân lớn nhất thế giới đã bắt đầu giữa cơn bão COVID
7/1 đánh dấu ngày đầu tiên trong kỳ “Xuân vận”, được biết đến như cuộc di cư hàng năm lớn nhất trên thế giới. Trung Quốc đang chuẩn bị sẵn sàng cho lượng lớn người di chuyển và khả năng COVID lây lan.
Theo Reuters, kỳ nghỉ Tết Âm lịch tại Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 21/1, và là năm đầu tiên kể từ 2020 không có hạn chế đi lại trong nước. Tháng trước, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng nhiều quy định phòng dịch trong chính sách Zero COVID. Các nhà đầu tư từng kỳ vọng rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp phục hồi nền kinh tế 17.000 tỷ USD.
Tuy vậy, những thay đổi đột ngột trong chính sách phòng dịch đã khiến nhiều người Trung Quốc mắc COVID, tạo ra làn sóng lây nhiễm trên toàn quốc, khiến bệnh viện quá tải, gây tình trạng thiếu thuốc men.
Vào hôm 6/1, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc dự kiến sẽ có hơn 2 tỷ hành khách di chuyển trong 40 ngày tới, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và bằng 70,3% so với năm 2019.
Có nhiều phản ứng trái chiều trên mạng về tin tức trên. Một số bình luận tỏ hoan nghênh quyền tự do trở về quê đón Tết cùng gia đình sau nhiều năm. Số khác lại cho biết sẽ không về quê trong năm nay, bởi lo ngại lây nhiễm cho người lớn tuổi trong gia đình.
Một bình luận trên mạng xã hội Weibo cho biết: “Tôi không dám trở về quê hương vì sợ mang [dịch bệnh] trở lại”.
Có nhiều lo ngại rằng sự di cư ồ ạt của người lao động tại các thành phố về quê sẽ làm tăng số ca nhiễm tại những thị trấn nhỏ và vùng nông thôn, nơi không được trang bị đầy đủ giường ICU (chăm sóc đặc biệt) và máy thở để điều trị trường hợp nặng.
Nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố đang tăng cường dịch vụ y tế cơ sở, mở thêm phòng khám ở nông thôn và thiết lập một “làn xanh” để chuyển thẳng những bệnh nhân có nguy cơ cao, đặc biệt là người già có bệnh nền, từ làng quê lên bệnh viện tuyến trên.
Người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia, ông Mi Feng cho biết: “Khu vực nông thôn của Trung Quốc rộng, dân số đông và nguồn lực y tế bình quân đầu người tương đối thiếu”.
"Cần phải cung cấp các dịch vụ thuận tiện, đẩy nhanh việc tiêm chủng cho người già ở khu vực nông thôn và xây dựng các tuyến phòng thủ cơ sở”, ông nhận định.
Đã qua đỉnh dịch
Một số nhà phân tích cho rằng làn sóng lây nhiễm COVID hiện tại có thể đã đến đỉnh điểm. Ông Ernan Cui, một nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics, đã trích dẫn một số khảo sát trực tuyến cho thấy vùng nông thôn Trung Quốc đã bị nhiễm COVID rộng rãi hơn so với ước tính bao đầu. Hầu hết các khu vực đã qua đỉnh dịch, và “không có nhiều khác biệt giữa thành thị và nông thôn”.
Vào hôm 8/1, Trung Quốc ngừng hạn chế hoạt động đi lại với Hong Kong và chấm dứt yêu cầu cách ly với người nước ngoài. Cô Jillian Xin, người có ba con và sống tại Hong Kong, đã “vô cùng phấn khích” về việc mở cửa.
“Việc mở có nghĩa là những đứa trẻ của tôi cuối cùng cũng có thể gặp ông bà lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu,” cô nói.
Sự gia tăng số ca nhiễm tại Trung Quốc đã gây lo ngại trên toàn thế giới. Hơn 10 quốc gia hiện đang yêu cầu du khách Trung Quốc phải xét nghiệm COVID.
Vào hôm 4/1, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết dữ liệu COVID của Trung Quốc phản ánh sai số lượng ca nhập viện và tử vong ở nước này. Phía Trung Quốc đã hạ thấp mức độ nghiệm trọng của đợt bùng phát vừa qua và lên án yêu cầu xét nghiệm của nước ngoài.
Trọng tâm điều trị
Trong phần lớn thời gian chiến đấu với COVID, Trung Quốc rót nguồn lực vào chương trình xét nghiệm PCR rộng rãi để theo dõi và truy vết ca nhiễm. Tuy vậy, trọng tâm hiện nay đã chuyển sang vắc-xin và điều trị.
Tại Thượng Hải, vào hôm 6/1, chính quyền đã tuyên bố chấm dứt xét nghiệm PCR miễn phí cho cư dân kể từ ngày 8/1.
Một thông tư do 4 bộ của Trung Quốc công bố hôm 7/1 đã báo hiệu sự phân bổ lại nguồn lực tài chính cho việc điều trị. Dự kiến Bắc Kinh sẽ trợ cấp 60% chi phí điều trị cho đến ngày 31/3.
Một số nguồn tin của Reuters cho biết Trung Quốc đang đàm phán với Pfizer để có giấy phép sản xuất và phân phối thuốc kháng virus Paxlovid của công ty này. Trước đó, nhiều người Trung Quốc đã cố gắng mua thuốc ở nước ngoài và chuyển về nước.
CanSino của Trung Quốc thông báo bắt đầu sản xuất thử nghiệm vắc-xin tăng cường mRNA COVID với tên gọi CS-2034. Trung Quốc hiện đang dựa vào 9 loại vắc-xin trong nước, nhưng không có loại nào được điều chỉnh để đối phó với Omicron.
Tỷ lệ tiêm chủng chung tại quốc gia này là 80%, nhưng số người lớn đã tiêm nhắc lại chỉ là 57,9%. Người trên 80 tuổi trở lên chỉ được tiêm nhắc lại khoảng 42,3%.
Trung Quốc công bố ba trường hợp tử vong do COVID vào hôm 6/1, nâng tổng số ca tử vong lên 5.267. Các chuyên gia quốc tế cho rằng định nghĩa về ca tử vong do COVID của Trung Quốc không phản ánh đúng con số thực tế. Một số dự đoán sẽ có 1 triệu người chết vì COVID tại Trung Quốc trong năm nay.