Trung Quốc dọa trả đũa những quốc gia yêu cầu xét nghiệm COVID, nhiều nước quyết không nhượng bộ
Trung Quốc đe dọa trả đũa
Ngày 3/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ning cho biết tại một cuộc họp báo rằng việc nhiều nước sàng lọc COVID-19 đối với riêng khách du lịch từ Trung Quốc là điều Bắc Kinh "không thể chấp nhận được".
Bà nói: "Một số quốc gia đã áp dụng chính sách hạn chế nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc. Điều này không dựa trên cơ sở khoa học và việc áp dụng là không thể chấp nhận được”. Bà cảnh báo Bắc Kinh có thể thực hiện các biện pháp trả đũa, theo nguyên tắc “có đi có lại”.
Theo nhật báo Le Figaro (Pháp), có hơn chục quốc gia đang áp dụng chính sách hạn chế đối với khách du lịch từ Trung Quốc.
Các biện pháp bao gồm yêu cầu xuất trình xét nghiệm PCR hoặc kháng nguyên âm tính trong vòng 48 giờ trước khi bay hoặc nộp hồ sơ xét nghiệm bắt buộc khi đến nơi.
Châu Âu phản pháo
Những chỉ trích từ phía Trung Quốc đã gặp phải sự phản đối tại châu Âu. Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne khẳng định bà không thấy có bất cứ điều gì sai với chiến lược xét nghiệm của Pháp.
Phát biểu trên Franceinfo sáng 3/1, bà Borne cho rằng Chính phủ Pháp đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người dân nước này và đưa ra yêu cầu xét nghiệm đối với công dân đến từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tuần trước, Pháp là một trong số các quốc gia áp dụng xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với du khách Trung Quốc di chuyển bằng đường hàng không, sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ chính sách “Không COVID”. Động thái đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng số ca mắc một cách mất kiểm soát
Italy là quốc gia đầu tiên tại Liên minh châu Âu (EU) công bố áp dụng chính sách xét nghiệm bắt buộc đối với du khách Trung Quốc vào ngày 28/12, sau khi Mỹ đã ra thông báo tương tự cùng ngày. Song, các biện pháp của Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 5/1.
Nối gót Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh cũng đã áp dụng chính sách yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với khách Trung Quốc.
Bà Borne cho biết tại Pháp, việc xác định loại virus sẽ được thực hiện đối với các du khách có kết quả xét nghiệm dương tính. Bà nói: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng không có biến thể mới và chúng tôi đang tuân thủ các quy định của Tổ chức Y tế Thế giới”.
Phản ứng khác nhau của các nước EU đối với sự gia tăng số ca mắc COVID tại Trung Quốc đã gây căng thẳng giữa các nước thành viên. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni kêu gọi một hành động chung trên toàn khối. Trong khi đó, cơ quan khoa học hàng đầu của EU chỉ trích các biện pháp này là "không chính đáng".
Sau cuộc họp của Ủy ban An ninh Y tế EU vào ngày 29/12, các quốc gia trong khối đã quyết định không thực hiện bất kỳ hành động chung nào.
Phản ứng của Mỹ và Australia
Về phần mình, Mỹ lên tiếng bảo vệ chính sách yêu cầu xét nghiệm đối với du khách Trung Quốc, giữa những lo ngại về việc thiếu dữ liệu số ca mắc COVID-19 và khả năng xuất hiện các biến thể mới.
Khi được hỏi về tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người đồng cấp Mỹ Ned Price trả lời báo giới rằng chính sách của Mỹ là một cách tiếp cận hoàn toàn dựa trên khoa học.
Theo ông Price, biện pháp yêu cầu xét nghiệm xuất phát từ sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc và tình trạng thiếu dữ liệu dịch tễ đầy đủ và minh bạch từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông Price nhắc lại rằng Mỹ sẵn sàng chia sẻ vắc xin COVID của nước này với Trung Quốc.
- TIN LIÊN QUAN
-
Financial Times: EU muốn tặng vắc xin ngừa COVID để giúp Trung Quốc khống chế dịch 03/01/2023 - 15:45
Không chỉ Mỹ và châu Âu, Australia và Canada trong tuần này cũng đã gia nhập danh sách ngày càng nhiều các quốc gia yêu cầu du khách từ Trung Quốc thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi lên chuyến bay.
Australia khẳng định nước này sẽ không bị lung lay trước cảnh báo trả đũa của Trung Quốc. Trả lời đài truyền hình quốc gia ABC, Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers khẳng định các quốc gia sẽ tự đưa ra quyết định về chính sách đối với du khách cũng như cách thức kiểm soát dịch COVID trên quy mô rộng hơn.
Ông Chalmers cho rằng yêu cầu xét nghiệm COVID trước chuyến bay không “đặc biệt khó khăn” và “phù hợp với các biện pháp đang được thực hiện ở các quốc gia khác”.