|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kích thích tiêu dùng hậu COVID: Trung Quốc nên tạo thêm việc làm hay phát tiền mặt cho dân?

08:13 | 04/01/2023
Chia sẻ
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã đặt thúc đẩy tiêu dùng làm ưu tiên kinh tế hàng đầu của năm 2023. Tuy nhiên, ngoài những cam kết lớn, họ chưa cung cấp nhiều chi tiết về các bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu đó.

Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images).

Giới hoạch định chính sách của Trung Quốc đã đặt việc thúc đẩy tiêu dùng làm ưu tiên kinh tế hàng đầu của năm 2023. Song, họ vẫn chưa cung cấp chi tiết kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu đó.

Không giống với Mỹ và các quốc gia khác, Trung Quốc đang không muốn tung ra các biện pháp kích thích và trợ cấp cho người tiêu dùng, dù đây vốn là hai động lực để thúc đẩy sự phục hồi hậu đại dịch của các nền kinh tế phương Tây.

Sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc giúp doanh nghiệp đối phó với khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như giúp duy trì việc làm cho người lao động.

Theo Bloomberg, Bắc Kinh lo ngại rằng việc phát tiền mặt miễn phí cho doanh nghiệp và người dân có thể làm phát sinh sự phụ thuộc vào phúc lợi và dẫn đến năng suất lao động thấp hơn.

Cho đến nay, manh mối duy nhất về định hướng chính sách của Bắc Kinh là đến từ cuộc họp kinh tế quan trọng vào tháng 12 năm ngoái.

Tại đây, các quan chức hàng đầu đã liệt kê rằng thị trường nhà ở ổn định hơn, ô tô chạy bằng năng lượng sạch và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là những lĩnh vực mà chính phủ nên kích thích tiêu dùng.

Giới chức cũng cam kết sẽ tăng thu nhập của các hộ gia đình “thông qua nhiều kênh” nhưng không làm rõ chi tiết.

Các nhà kinh tế có liên hệ với chính phủ Trung Quốc - trong đó một số là cố vấn cho các lãnh đạo cấp cao - đã đưa ra những khuyến nghị riêng nhằm thúc đẩy chi tiêu sau ba năm Zero COVID làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Dưới đây là một số lựa chọn chính sách được các nhà kinh tế vạch ra, theo tổng hợp của Bloomberg:

Hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Liu Yuanchun, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, cho rằng trợ cấp trực tiếp cho người dân bằng tiền mặt và phiếu giảm giá sẽ kích thích tiêu dùng trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng cách làm này sẽ tạo ra những tác động gián tiếp có thể gây tiêu cực cho nền kinh tế Trung Quốc.

Trong một bài báo viết hồi tháng 12, ông Liu cho biết các phiếu mua hàng giảm giá (voucher) có thể gây ra xu hướng dịch chuyển tiêu dùng. Nhu cầu đối với các hàng hoá không thể mua bằng voucher sẽ sụt giảm và tác động tiêu cực đến chi tiêu.

Ngoài ra, vị hiệu trưởng cũng cảnh báo rằng các khoản trợ cấp tiền mặt ở Mỹ và châu Âu cũng khiến nhiều công nhân ở đó bỏ việc và sống dựa vào hỗ trợ của chính phủ, kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống.

Hồi tháng 4, ông Liu từng là cố vấn cho Bộ Chính trị Trung Quốc về vấn đề điều tiết vốn. Ông cũng tham dự một số hội thảo kinh tế do Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì.

Theo ông, trong năm 2023, Bắc Kinh nên tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, đồng thời cần hành động mạnh mẽ hơn để củng cố thị trường nhà đất do vai trò to lớn của ngành này với nền kinh tế.

Thị trường nhà đất có thể thúc đẩy nhu cầu của các hộ gia đình về nhiều mặt, từ đồ trang trí nhà cửa cho đến thiết bị gia dụng, ông gợi ý.

“Chính phủ phải hỗ trợ và trợ cấp nhiều hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì bảo vệ những thực thể thị trường này là điều kiện tiên quyết và cốt lõi để ổn định tiêu dùng và đầu tư”, Hiệu trưởng Liu nói.

Ông cũng đề nghị thành lập một quỹ việc làm đặc biệt hướng đến những người lao động nhập cư và sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

 

Tạo thêm việc làm

Ông Jia Kang, cựu Giám đốc một viện nghiên cứu thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, cho rằng để thúc đẩy tiêu dùng, chính phủ cần tạo thêm việc làm. Đầu tư hiệu quả chính là chìa khoá để tạo dựng thêm việc làm cho người lao động.

“Chúng ta không nên nói về tiêu dùng chỉ dưới góc độ tiêu dùng”, ông nhấn mạnh tại diễn đàn tài chính Ifeng mới đây.

Theo ông Jia, Trung Quốc nên tập trung “làm nở chiếc bánh" thị trường lao động bằng cách mở rộng đầu tư để giúp tạo thêm việc làm và thu nhập mới, đồng thời sửa chữa mạng lưới an ninh xã hội để khuyến khích người dân mạnh dạn chi tiêu thay vì tiết kiệm.

Bắc Kinh nên tung ra các biện pháp kích thích có mục tiêu để hỗ trợ việc làm cho những nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, ông gợi ý.

Phát tiền mặt

Ông Guan Qingyou, người đứng đầu Viện Tài chính Thực hành Cấp cao, ủng hộ việc trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho các nhóm thu nhập trung bình và thấp.

Theo Bloomberg, ông coi đây là một biện pháp tạm thời trước khi các giải pháp dài hạn như cải thiện hệ thống an sinh xã hội và cải cách phân phối thu nhập được triển khai.

“Nhiều nhà kinh tế cho rằng người tiêu dùng sẽ chi tiêu một cách tự nhiên miễn là họ có kỳ vọng rõ ràng rằng thu nhập của mình được bảo đảm và tương lai sẽ tốt đẹp hơn”, ông Guan lý giải.

“Không phải vấn đề bây giờ là kỳ vọng của người tiêu dùng rất u ám và họ không có đủ tự tin về tương lai kinh tế của mình hay sao? Điều đó khiến cho việc trợ cấp tiền mặt, kích thích tiêu dùng trở nên cấp thiết hơn”, ông bày tỏ.

Vị chuyên gia kêu gọi chính phủ nên phát tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp mỗi tháng trong vòng 3 - 5 năm.

Phiếu giảm giá

Ông Yao Yang, Hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, là một trong những người đề xuất hỗ trợ tiêu dùng trực tiếp.

Vị này lập luận rằng trong khi các hỗ trợ cho doanh nghiệp, chẳng hạn như giảm thuế, sẽ tiếp tục trong năm nay, nút thắt cổ chai kìm hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc lại nằm ở phía cầu.

Chính phủ nên trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình, chẳng hạn như bằng biện pháp phân phối phiếu giảm giá mua sắm, ông Yao khuyến nghị tại một hội nghị tuần trước.

“Các biện pháp hỗ trợ phải cụ thể và phát đi thông điệp rằng chính phủ sẽ hành động mạnh mẽ để củng cố niềm tin người tiêu dùng và kích thích mong muốn sản xuất của doanh nghiệp”, ông nói.

Nếu Bắc Kinh phát cho mỗi người dân số voucher trị giá 1.000 nhân dân tệ (tương đương 145 USD), doanh số bán hàng có thể tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực của voucher. Khi đó, ông Yao ước tính GDP của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 4.200 tỷ nhân dân tệ.

Yên Khê

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.