|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới chuyên gia dự đoán chặng đường phục hồi của Trung Quốc gập ghềnh đầu năm 2023 nhưng suôn sẻ về sau

08:08 | 29/12/2022
Chia sẻ
Việc Trung Quốc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế COVID cuối cùng có thể sẽ gây ra nhiều gián đoạn cho nền kinh tế trong quý I/2023, nhưng sẽ tạo đà để tăng trưởng phục hồi nhanh và mạnh hơn vào cuối năm.

Màn hình trình chiếu bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại đại hội đảng lần thứ 20 hồi tháng 10. (Ảnh: AP).

Các nhà phân tích nhận định, việc Trung Quốc dỡ bỏ những hạn chế COVID cuối cùng có thể khiến số ca nhiễm tăng mạnh và gây ra nhiều gián đoạn cho nền kinh tế trong quý I năm sau.

Tuy nhiên, các động thái chính sách mới sẽ thúc đẩy khả năng tăng trưởng phục hồi nhanh và mạnh hơn trong cả năm, Bloomberg dẫn lời các chuyên gia nhấn mạnh.

Các quyết định gần đây của Bắc Kinh - bao gồm cả thông báo bãi bỏ yêu cầu cách ly đối với khách quốc tế từ ngày 8/1/2023 - được đưa ra đột ngột và quyết liệt hơn so với dự đoán của hầu hết doanh nghiệp và chuyên gia.

Mặc dù cách làm của Trung Quốc đang gây ra nhiều bất ổn hơn cho triển vọng tăng trưởng vốn đã mong manh của những tháng tới, các nhà phân tích nói việc mở cửa nhanh hơn sẽ rút ngắn thời gian xảy ra các cú sốc kinh tế.

Đồng thời, thiệt hại cũng nhiều khả năng sẽ chỉ tập trung vào những tháng quanh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời điểm mà hoạt động sản xuất và kinh tế thường chững lại.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Yu Xiangrong, kinh tế trưởng của Citigroup tại Trung Quốc, cho hay: “Dường như mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là vượt qua làn sóng lây nhiễm này càng nhanh càng tốt”.

“Bắc Kinh muốn thay đổi chính sách một cách nhanh chóng để mở đường cho nền kinh tế phục hồi toàn diện hơn”, ông nói. Đại dịch sẽ gây ra gián đoạn, nhưng tác động của việc này đến tăng trưởng cả năm tới “có thể thấp hơn” ước tính trước đây.

Giới phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay và nâng dự báo năm 2023 kể từ khi chính phủ đột ngột đặt dấu chấm hết cho chính sách Zero COVID vài tuần trước.

Ước tính trung vị của các nhà kinh tế đã tham gia khảo sát của Bloomberg là tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chững về mức 3% trong năm 2022 và phục hồi lên 4,9% vào năm tới.

 

Hai nhà kinh tế Eric Zhu và David Qu của Bloomberg Economics thậm chí kỳ vọng quá trình mở cửa nhanh hơn có thể kéo tăng trưởng cả năm tới lên 6,3% - cao hơn nhiều so với kịch bản cơ sở của hai ông là 5,1%.

“Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là một điềm may lẫn lộn cho nền kinh tế toàn cầu. Sự hồi sinh của ngành du lịch Trung Quốc có thể thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ trên khắp thế giới.

Hoạt động kinh doanh trong và ngoài Trung Quốc suôn sẻ hơn có thể giúp giảm bớt căng thẳng trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế mạnh hơn sẽ kích thích nhu cầu lớn hơn cho hàng hoá - Trung Quốc có thể sẽ tạo thêm áp lực lạm phát cho các nước khác...”, hai nhà kinh tế giải thích.

Hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài đang rất thận trọng với các kế hoạch đầu tư và tuyển dụng nhân sự tại Trung Quốc, bởi họ vẫn chưa thực sự tin tưởng vào triển vọng tương lai của nền kinh tế tỷ dân.

Ông Noah Fraser, Giám đốc điều hành của Hội đồng Doanh nghiệp Canada-Trung Quốc, cho biết: “Nhiều công ty đã chứng kiến cảnh nhân viên trải qua những khó khăn tột độ trong đại dịch, do đó họ đang ‘chờ đợi và quan sát thêm’”.

“Nhân sự giỏi trên toàn cầu ngày càng ít háo hức chuyển đến Trung Quốc và những thiệt hại mà chính sách Zero COVID gây ra cho niềm tin của doanh nghiệp trong ba năm qua cần thời gian để bù đắp”, ông nói tiếp.

Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, chia sẻ rằng nhiều công ty hiện không vội rót thêm vốn vào Trung Quốc, mặc dù động thái của Bắc Kinh “có khả năng” sẽ thúc đẩy niềm tin doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh Trung Quốc đang trải qua một thay đổi lớn trong chiến lược chống dịch, doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục chờ đợi xem tình hình thực tế những tuần tới như thế nào, sau đó mới đưa ra quyết định đầu tư dài hạn”, ông cho hay.

Theo nhà kinh tế Gary Ng của ngân hàng Natixis, việc Trung Quốc loại bỏ các hạn chế COVID mới đây có thể khiến các nhà phân tích điều chỉnh dự báo tăng trưởng một lần nữa.

Vị chuyên gia này đã hạ kỳ vọng tăng trưởng hai quý cho đến cuối tháng 3 từ mức 3,5% xuống 3%, nhưng tin tưởng rằng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi “mạnh mẽ” từ tháng 4 trở đi.

“Việc thay đổi chính sách sẽ gây ra tổn thương trong ngắn hạn, nhưng là lợi ích lâu dài cho nền kinh tế Trung Quốc”, ông nói. “Trong giai đoạn đầu mở cửa, hoạt động tiêu dùng và sản xuất sẽ suy yếu, khiến chặng đường phục hồi gập ghềnh hơn”.

Ông Yu của Citi cho rằng mức độ di chuyển và chi tiêu tiêu dùng của người dân Trung Quốc sẽ khởi sắc sớm và nhanh hơn dự kiến khi năm mới bắt đầu.

Đồng thời, vị chuyên gia của Citi dự đoán doanh số bán lẻ sẽ tăng 11% trong năm tới lên khoảng 50.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7.200 tỷ USD).

Tuy nhiên, khả năng kinh tế toàn cầu suy thoái trong năm 2023 sẽ hạn chế tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc.

“Điều khó khăn là dù chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực mở cửa, thời điểm họ lựa chọn lại không hoàn hảo”, ông Iris Pang, kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư ING Groep tại Trung Quốc, cho hay.

“Các hoạt động liên quan đến xuất khẩu, bao gồm cả sản xuất, đều sẽ chậm lại và kìm hãm quá trình phục hồi của nền kinh tế tỷ dân”, ông nói thêm.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Warren Buffett chê chứng khoán Mỹ như sòng bạc nhưng hiện tượng này cũng vừa lan đến Trung Quốc
Trong lá thư gửi tới các cổ đông của Berkshire Hathaway đầu năm nay, Warren Buffett đã ví von thị trường chứng khoán ngày nay với một sòng bạc, nơi các nhà đầu tư mua bán chóng vánh với hy vọng lời to.