|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba câu chuyện chủ đạo giúp báo trước triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2023

21:11 | 27/12/2022
Chia sẻ
Xét trên phương diện kinh tế lẫn chính trị, 2022 là năm hỗn loạn nhất của Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ qua. Giờ đây, các nhà đầu tư sẽ rất muốn biết triển vọng năm 2023 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Trung Quốc đang báo cáo số ca nhiễm COVID cao kỷ lục, sau khi giới chức trách hồi đầu tháng 12 bất ngờ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế chống dịch hà khắc từng cản trở hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người dân trong gần ba năm qua.

Song, cho đến nay, dự đoán của các chuyên gia về số ca tử vong trên diện rộng và tình trạng quá tải hệ thống y tế trên toàn quốc vẫn chưa diễn ra. Theo cơ quan y tế Trung Quốc, hơn 90% người dân đã được tiêm phòng đầy đủ.

Một số quan chức cấp cao từng công khai tuyên bố rằng virus đã suy yếu và Trung Quốc có thể vượt qua làn sóng lây nhiễm này một cách nhanh chóng. Sau đó, Bắc Kinh hy vọng có thể sớm vực dậy tình hình kinh tế ảm đảm hiện nay.

Bên dưới là ba chủ đề đáng chú ý mà nhà đầu tư có thể theo dõi để đánh giá triển vọng của nền kinh tế tỷ dân trong năm 2023:

Mở cửa

Theo MarketWatch, người dân Trung Quốc có phần bất ngờ với các động thái nới lỏng chiến lược Zero COVID của Bắc Kinh trong thời gian gần đây.

Hôm 26/12, chính phủ Trung Quốc thông báo nước này sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID kể từ ngày 8/1/2023.

Khách du lịch đến Trung Quốc từ thời điểm trên sẽ chỉ cần xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ tại hải quan.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ chính thức huỷ bỏ yêu cầu cách ly tập trung và xét nghiệm COVID đối với du khách quốc tế nhập cảnh.

Ngay cả trong trường hợp khách bị sốt tại hải quan, họ chỉ cần xét nghiệm nhanh và nếu dương tính với các triệu chứng nhẹ thì chỉ cần cách ly tại nhà.

Trong trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng, du khách được khuyến khích điều trị y tế tập trung.

Trước đó một ngày, Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết họ sẽ dừng việc công bố số ca nhiễm mới hàng ngày và chuyển vai trò này cho cơ quan kiểm soát bệnh tật Trung Quốc.

Tuy nhiên, MarketWatch cho rằng người dân Trung Quốc khó có thể sớm ra nước ngoài du lịch. Hơn một nửa số người tham gia khảo sát do hãng tư vấn Oliver Wyman thực hiện cho biết họ sẽ không đi du lịch nước ngoài trong nhiều tháng tới, hoặc thậm chí là trong hơn một năm tới.

 

Tiêu dùng

Trong đại dịch, khác với các nước phát triển, Trung Quốc hầu như không tung ra các gói kích thích quy mô lớn, mà chủ yếu triển khai các hỗ trợ từ phía cung như thúc đẩy đầu tư hạ tầng.

Việc Bắc Kinh phớt lờ kích thích tiêu dùng, kết hợp cùng tâm lý e ngại của người dân trong nước, khiến hoạt động chi tiêu, mua sắm tại nền kinh tế tỷ dân càng xấu đi rõ rệt.

Song, tình hình có vẻ đang cải thiện. Tại hội nghị kinh tế cấp cao vào tuần trước, các quan chức đã nhấn mạnh rằng “việc phục hồi và mở rộng lĩnh vực tiêu dùng nên được ưu tiên hàng đầu”.

Trong tương lai, Bắc Kinh có thể sẽ triển khai một số biện pháp như tăng thu nhập cho người tiêu dùng, cung cấp các khoản trợ cấp và ưu đãi trong một số lĩnh vực như xe điện, cải tạo nhà ở và dịch vụ dành cho người cao tuổi.

Công ty tư vấn Trivium cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng ưu tiên việc kích thích tiêu dùng trong chương trình nghị sự chính sách năm tới.

Bất động sản

Lĩnh vực bất động sản đã nhận được sự hỗ trợ ngày càng lớn của chính phủ Trung Quốc.

Tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh sẽ sớm công bố một loạt biện pháp mới để thúc đẩy ngành này.

Dự kiến, chính phủ sẽ yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh việc cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn, đồng thời hỗ trợ hoạt động phát hành trái phiếu của các công ty địa ốc tư nhân.

Trong vài tháng qua, các ngân hàng cũng đã hạ lãi suất cho vay thế chấp hơn 1 điểm %, giảm bớt yêu cầu vay cho vay thế chấp và rút ngắn quy trình phê duyệt khoản vay để hỗ trợ người mua nhà.

Ông Andy Rothman, chiến lược gia đầu tư tại Matthews Asia, nhận xét: “Động thái điều chỉnh hướng đi chính sách này sẽ giúp doanh số bán nhà mới dần ổn định trong nửa cuối năm 2023”.

Các nhà phân tích của Trivium đồng tình với ông Rothman. Phía Trivium cho hay: “Chúng tôi dự đoán trong năm tới, Trung Quốc sẽ tung ra nhiều chính sách hơn để khôi phục nhu cầu nhà ở và cải thiện lĩnh vực xây dựng”.

Nếu các động thái nêu trên của Trung Quốc thành công, chúng sẽ là điềm báo tốt cho công cuộc phục hồi của nền kinh tế tỷ dân trong năm 2023.

Theo nhà kinh tế Bruce Pang của Jones Lang LaSalle, khi Bắc Kinh nới lỏng chiến lược chống COVID và tung ra các biện pháp tài khoá chủ động, tâm lý người tiêu dùng sẽ khởi sắc, giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý II.

Điều này sẽ tạo đà cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nửa cuối năm. Ông Pang kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 5% trong năm 2023. Nhiều nhà phân tích khác cũng đang điều chỉnh dự báo theo chiều hướng tăng như vậy.

“Đừng quên, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm tới, trong khi phần lớn thế giới đang thắt chặt tiền tệ”, vị chuyên gia kinh tế lưu ý. 

Khả Nhân