|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Việt Nam trong nhóm 5 quốc gia có thể thay Trung Quốc làm trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu

15:57 | 27/12/2022
Chia sẻ
Sau chiến tranh thương mại và dịch bệnh COVID, nhiều doanh nghiệp đã xem xét rời bỏ Trung Quốc, tìm đến các quốc gia khác ở châu Á như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Bangladesh và Malaysia.

Theo Insider, Trung Quốc từng là "công xưởng của thế giới" trong 4 thập kỷ. Tuy vậy, danh hiệu này bắt đầu suy sụp khi cựu Tổng thống Donald Trump khởi động chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Tiếp đó, đại dịch và chính sách Zero COVID đã nêu bật tầm quan trọng của việc không phụ thuộc vào duy nhất một quốc gia.

Hậu quả của chiến tranh thương mại vẫn tiếp diễn vào năm 2022. Tổng thống Joe Biden vẫn không hủy bỏ những sắc thuế dưới thời ông Trump. Hơn nữa, vào tháng 10, ông áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mặt hàng bán dẫn công nghệ cao tới Trung Quốc.

Trong tình hình quan hệ thương mại Mỹ-Trung căng thẳng như hiện nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang cố gắng phòng hộ rủi ro bằng cách chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc.

 

Ấn Độ trở thành "công xưởng thế giới mới"

Với đất đai rộng lớn, dân số trẻ, Ấn Độ là lựa chọn thay thế hợp lý nhất cho vị trí “công xưởng thế giới” của Trung Quốc. Đặc biệt, Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2023, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Gã khổng lồ Apple đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone tới bang Tamil Nadu và Karnataka của Ấn Độ. Apple cũng đang xem xét sản xuất iPad ở quốc gia Nam Á này.

Các nhà phân tích của JP Morgan kỳ vọng Apple sẽ chuyển 5% sản lượng iPhone 14 tới Ấn Độ vào cuối năm 2022. Đến 2025, 25% điện thoại iPhone sẽ được sản xuất tại Ấn Độ.

“Ấn Độ có lực lượng lao động lớn, một lịch sử sản xuất lâu đời và chính phủ hỗ trợ ngành công nghiệp, xuất khẩu. Bởi vậy, nhiều nhà đầu tư đang xem xét liệu Ấn Độ có phải là lựa chọn thay thế khả thi cho Trung Quốc hay không”, bà Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành của Everstream, cho biết.

 

Theo Insider, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cố gắng thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ khi nhậm chức năm 2014. Theo dữ liệu chính phủ, FDI vào Ấn Độ đã đạt kỷ lục 83,6 tỷ USD vào năm tài chính trước.

Tuy vậy, vẫn còn những rào cản đáng kể. Hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ vẫn khó khăn hơn so với Trung Quốc, một phần do quan liêu.

Việt Nam sản xuất hàng may mặc, điện tử, đồ gia dụng

Việt Nam đã tiến hành cải cách kinh tế từ năm 1986. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng cuộc cải cách đã đưa Việt Nam từ “một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình trong một thế hệ”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vào năm 2021, Việt Nam đã thu hút hơn 31,15 tỷ USD cam kết vốn FDI, tăng 9% so với năm trước. Khoảng 60% vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến. Thế mạnh chính của Việt Nam là sản xuất hàng may mặc, giày dép, điện tử và đồ gia dụng.

Ngoài Ấn Độ, gã khổng lồ công nghệ Apple đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone cũng như MacBook sang Việt Nam. Nike, Adidas và Samsung cũng đã chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất phụ tùng ô tô

Là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, Thái Lan đã và đang nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất. Thái Lan là trung tâm sản xuất phụ tùng ô tô, ô tô và thiết bị điện tử.

Vào năm 2019, Sony tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy điện thoại thông minh ở Bắc Kinh và chuyển hoạt động sản xuất sang Thái Lan. Cùng năm đó, Sharp cho biết đang chuyển một số hoạt động sản xuất máy in sang Thái Lan do chiến tranh thương mại.

Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 5 châu Á, Thái Lan xếp thứ 2.

Ngay cả doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã đưa một phần chuỗi cung ứng sang Thái Lan. Theo South China Morning Post (SCMP), JinkoSolar đang chuyển sản xuất sang Đông Nam Á để tận dụng chi phí thấp và tránh căng thẳng địa chính trị.

Ông Zhuang Yan, Chủ tịch của Canadian Solar, nhận định: “Việc thành lập nhà máy sản xuất ở nước ngoài không xuất phát từ việc [theo đuổi] cơ hội, mà là một chiến lược để đối phó với thách thức tiếp cận thị trường”.

Từ năm 2020 đến 2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng gấp ba lần, lên 455,3 tỷ baht (13,1 tỷ USD). 

Bangladesh sản xuất hàng may mặc

Ngay cả trước khi COVID làm tê liệt lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, Bangladesh đã nổi lên như một điểm sáng trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc.

Lương tháng trung bình của một công nhân Bangladesh là 120 USD/tháng, ít hơn 1/5 so với một công nhân Quảng Châu, ông Mostafiz Uddin, chủ sở hữu nhà sản xuất hàng may mặc Denim Expert, cho hay.

Bangladesh có lực lượng lao động trẻ, dồi dào và rẻ. (Ảnh: Mohammad Ponir Hossain/Reuters).

“Hơn nữa, chi phí nguyên liệu gia tăng đang thúc đẩy doanh nghiệp may mặc tìm những điểm đến như Bangladesh, nơi giá sản xuất vẫn còn tương đối thấp”, ông Uddin nói thêm.

Ngành sản sản xuất hàng may mặc hiện là trụ cột chính của nền kinh tế Bangladesh, chiếm 85% lượng hàng xuất khẩu, hoặc 42 tỷ USD trong năm 2021. Bangladesh là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. 

Quốc gia Nam Á này đang nỗ lực thu hút đầu tư vào ngành dược phẩm và chế biến nông nghiệp.

Malaysia tận dụng dòng vốn rời Trung Quốc

Malaysia đã thu hút ít nhất 32 dự án chuyển dịch từ Trung Quốc. Ngay cả trước đại dịch, đầu tư công nghệ vào Malaysia đã tăng trưởng do chi phí lao động thấp và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Vào năm 2018, gã sản xuất chip nhớ khổng lồ Micron đã đầu tư 339 triệu USD vào Malaysia. Jabil, một doanh nghiệp sản xuất ốp điện thoại của Mỹ, cũng đã mở rộng hoạt động tại Malaysia.

“Chúng tôi biết một số [doanh nghiệp] bày tỏ dự định chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và đã thu hút họ. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian”, ông Azman Mahmud, cựu Giám đốc của Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia, tuyên bố vào năm 2020.

FDI vào Malaysia đạt 48,1 tỷ USD vào năm 2021, với hoạt động sản xuất đồ điện tử và xe cộ đóng tỷ lệ lớn. 

Minh Quang

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.