Đồng yen mất giá thu hút doanh nghiệp chuyển sản xuất về Nhật Bản
Theo SCMP, trong những năm trở lại đây, chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi doanh nghiệp mang cơ sở sản xuất từ Trung Quốc trở lại quê nhà do những nỗi lo địa chính trị ngày càng gia tăng và chuỗi cung ứng bị kéo dãn trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID. Hiện nay, Tokyo đã có lý do thứ ba là đồng yen yếu đi.
Vào hôm 24/10, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết chính phủ sẽ mở rộng hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp mong muốn rút sản xuất khỏi Trung Quốc và trở lại Nhật Bản.
Trong cuộc họp với Ủy ban Ngân sách Quốc hội Nhật Bản, ông Kishida cho biết gói kích thích kinh tế sẽ bao gồm các biện pháp hỗ trợ tài chính nhằm xây dựng cơ sở sản xuất trong nước với những lĩnh vực như bán dẫn, vắc xin và pin lưu trữ dung lượng lớn. Chi tiết về gói kinh tế sẽ được công bố vào tuần sau.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản xem xét lại hoạt động ở nước ngoài sau những đứt gãy trong đại dịch COVID; nhất là tại thị trường Trung Quốc, nơi quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, với lo ngại xung đột có thể bùng phát do vấn đề đảo Đài Loan.
JVC Kenwood đang chuyển dây chuyền sản xuất hệ thống định vị trong xe ô tô từ Trung Quốc và Indonesia trở về Nhật Bản. Công ty này đang tăng mạnh công suất tại nhà máy ở tỉnh Nagano.
Một quan chức tại công ty sản xuất đồ gia dụng Iris Ohyama, đã nói với Jiji Press về việc chuyển hoạt động sản xuất 50 bộ phận nhựa từ Trung Quốc trở về Nhật Bản trong tháng trước. Quan chức trên liên hệ quyết định này với giá năng lượng tăng vọt.
Hãng quần áo World Co cũng đang tăng cường sản xuất tại Nhật Bản. Công ty hiện đã sản xuất 90% sản phẩm trong nước, so với 40% trong quá khứ.
Hitachi dự kiến sẽ tăng gấp đôi tỷ lệ đồ gia dụng sản xuất tại Nhật Bản để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài lên khoảng 10% tổng sản lượng vào cuối tháng 3 năm sau.
Với sự hỗ trợ tài chính, nhiều công ty có thể lựa chọn việc sản xuất tại Nhật Bản. Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng không có kế hoạch cắt đứt hoàn toàn quan hệ với thị trường rất quan trọng như Trung Quốc.
“Các doanh nghiệp đã suy xét lại về hoạt động tại Trung Quốc ngay cả trước khi những đứt gãy do đại dịch vì căng thẳng chính trị ngày càng nghiêm trọng giữa hai nước. Chính phủ Nhật Bản thời điểm đó cũng đã cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp muốn chuyển hoạt động tại Trung Quốc về nước hoặc sang khu vực Đông Nam Á”, ông Martin Schulz, nhà kinh tế chính sách trưởng tại Global Market Intelligence Unit của Fujitsu cho biết.
“[Các doanh nghiệp] không từ bỏ hoàn toàn Trung Quốc bởi nước này là thị trường quá quan trọng. Nhưng quyết định chuyển hoạt động sản xuất mở ra một sự thay thế, hay chiến lược ‘Trung Quốc cộng một [quốc gia]’”, ông nói thêm.
Cuộc xung đột Ukraine cũng mang đến rủi ro về việc có phần lớn năng lực sản xuất của bị kẹt tại một nước hoặc khu vực, ông cho biết. “Trước kia, quyết định được đưa ra dựa trên các yếu tố kinh tế; giờ đây, các yếu tố chính trị đóng một vai trò lớn hơn nhiều”, ông nói. “Và ngoài ra còn có những lo ngại về triển vọng ở Trung Quốc”.
Đồng tiền rẻ
Để thúc đẩy thêm nhiều doanh nghiệp vẫn đang phân vân, ông Kishida đã chỉ ra rằng đồng yen yếu là một lợi thế. Đồng nội tệ của Nhật Bản đang ở mức thấp nhất trong vòng 53 năm, khiến nước này trở thành một trong những nơi rẻ nhất để sản xuất tại châu Á.
“Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp Nhật Bản đang trở về nhà như an toàn, rẻ và thu nhập nhiều hơn khi xuất khẩu. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng thị trường Nhật Bản đang già đi và thu hẹp nhanh chóng, đi kèm với đó là những hạn chế lớn trong lĩnh vực lao động và quy mô sản xuất”, ông Schulz nói.
“Doanh nghiệp Nhật đang cố sản xuất sản phẩm gần với khách hàng hơn để hạn chế những thách thức liên quan đến việc chuỗi cung ứng bị kéo dãn. Nhưng họ cũng nhận ra rằng Trung Quốc vẫn sẽ là một thị trường tăng trưởng trong thời gian dài sắp tới”, ông nói thêm.
Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda, ông Toshimitsu Shigemura tin rằng lời kêu gọi của Thủ tướng Kishida chỉ có “50% dựa trên các cân nhắc về mặt kinh tế”.
“Chính phủ Mỹ đang tạo áp lực với chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản chuyển sản xuất về nước, đồng nghĩa với việc [lời kêu gọi này] chủ yếu là vấn đề chính trị” ông Shigemura cho biết.
“Có nhiều công ty đang hoạt động rất tốt khi rời khỏi Trung Quốc, nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp kết luận rằng rủi ro quá lớn và ít nhất đang xem xét khả năng quay lại”, ông nói thêm.
Ông Schulz đồng ý rằng các tập đoàn Nhật Bản với công nghệ nhạy cảm đang cảm thấy áp lực phải rời bỏ Trung Quốc. Ông cũng tin rằng “toàn cầu hóa đang và sẽ tiếp tục thay đổi”.