|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhật Bản can thiệp cứu đồng yen, rủi ro cho thị trường tài chính có lớn hay không?

11:29 | 23/09/2022
Chia sẻ
Động thái can thiệp của Nhật Bản đối với đồng yen lần này có thể không ảnh hưởng mấy đến thị trường tài chính, nhờ vào một công cụ đặc biệt của Fed.

 

Phía trước Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Ảnh: Getty Images).

Khi Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng yen, có nguy cơ động thái này sẽ gây ra sự xáo trộn không đáng có trên thị trường trái phiếu Kho bạc vốn đã căng thẳng của Mỹ.

Song, rủi ro hiện giờ thấp hơn so với trước đây nhờ vào các công cụ mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sử dụng để đảm bảo thị trường có đủ USD và nơi cất giữ chúng, Bloomberg cho hay.

Hôm 22/9, Nhật Bản đã can thiệp vào đồng yen lần đầu tiên kể từ năm 1998 và để làm điều đó, họ phải có USD để bán. Trước kia, Tokyo có thể cần phải bán ra trái phiếu Kho bạc để tăng lượng tiền mặt cần thiết, nhưng giờ thì không cần nữa.

Hợp đồng repo nghịch đảo do Fed tạo ra cho phép các ngân hàng trung ương nước ngoài có thể giữ một lượng lớn tiền mặt trong hệ thống này để kiếm lãi, thay vì phải cất tiền trong trái phiếu Kho bạc và chứng khoán khác.

Do đó, khi cần đồng bạc xanh cho một mục đích nào đó, các ngân hàng trung ương quốc tế chỉ cần rút tiền ra khỏi hệ thống của Fed mà không khiến thị trường chao đảo, Bloomberg giải thích.

Khi trái phiếu Kho bạc bị bán tháo trong phiên 22/9, các chuyên gia nói việc nhà đầu tư tiếp nhận thông điệp chính sách của Fed từ một ngày trước đó có tác động lớn, chứ không phải do động thái bán ra của bất kỳ chủ nợ nước ngoài nào.

 

Theo dữ liệu của Fed tính đến ngày 21/9, các tổ chức tài chính nước ngoài hiện đang “cất giữ” khoảng 295 tỷ USD trên hệ thống repo nghịch đảo của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới - giảm từ mức 301 tỷ USD hồi một tuần trước.

Các chiến lược gia Phố Wall ước tính rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) hiện có hơn 110 tỷ USD trong các thoả thuận repo với Fed mà họ có thể sử dụng trước khi phải bán ra trái phiếu Kho bạc.

Khi Nhật Bản can thiệp thị trường để củng cố đồng yen vào năm 1997 - 1998, chính phủ đã bán ra khoảng 42 tỷ USD trái phiếu Kho bạc, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính nước này. Chỉ riêng trong một ngày của tháng 4/1998, Tokyo đã bán tới 26 tỷ USD.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Blake Gwinn - trưởng bộ phận chiến lược lãi suất của công ty dịch vụ tài chính RBC Capital Markets, nhận định: “Nếu là BoJ, tôi sẽ sử dụng các hợp đồng repo với Fed đầu tiên [để củng cố đồng yen]”.

“Rút tiền ra khỏi các hợp đồng repo nghịch đảo không tốn kém gì, BoJ sẽ không phải đối mặt với rủi ro. Còn nếu bán ra trái piếu Kho bạc ở thời điểm này, BoJ sẽ chịu lỗ vốn”, ông Gwinn nói thêm.

 

Nếu cuộc can thiệp cần nhiều tiền hơn số đang cất tại Fed, các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản có thể bắt đầu bán trái phiếu Kho bạc. Đây sẽ là các loại trái phiếu có kỳ hạn từ hai năm trở xuống.

Bộ Tài chính Nhật Bản có khoảng 1.290 tỷ USD tài sản dự trữ chính thức vào tháng 8. Trong đó, chính phủ nắm giữ khoảng 1.000 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ, 135 tỷ USD dưới dạng tiền mặt hoặc tiền gửi ngân hàng và 155 tỷ USD tài sản khác.

Và các khoản tiền gửi ngân hàng của chính phủ Nhật Bản nằm tại nhiều ngân hàng nước ngoài khác nhau, trong đó có cả Fed và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).

Theo các chiến lược gia của Bank of America, nếu động thái can thiệp đồng yen của Nhật Bản có bất kỳ tác động nào đến thị trường trái phiếu của Mỹ, thì đó có thể chỉ là tác động thắt chặt đối với các hợp đồng hoán đổi USD ngắn hạn.

Hôm 22/9, mức chênh lệch của hợp đồng hoán đổi USD kỳ hạn hai năm đã tăng hơn 3 điểm cơ bản trước khi đảo chiều, nhưng phần lớn vẫn nằm trong phạm vi giao dịch một ngày trước đó.

Khả Nhân

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.