|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những thách thức Nhật Bản cần đối mặt nếu lựa chọn can thiệp để cứu đồng yen

00:00 | 08/09/2022
Chia sẻ
Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho hay Chính phủ Nhật Bản đã sẵn sàng hành động nếu các động thái "nhanh chóng, một chiều" trên thị trường tiền tệ tiếp tục kéo dài. Động thái này cho thấy sự cẩn trọng của Nhật Bản về việc đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm.

 

 Đồng yen của Nhật Bản tại một ngân hàng ở Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trả lời các phóng viên vào ngày 7/9, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho hay Chính phủ Nhật Bản đã sẵn sàng hành động nếu các động thái "nhanh chóng, một chiều" trên thị trường tiền tệ tiếp tục kéo dài. Động thái này cho thấy sự cẩn trọng của Nhật Bản về việc đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm. 

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki từ chối bình luận khi được hỏi chính phủ có thể thực hiện những bước nào để ngăn chặn đà giảm của đồng yen.

Các phát biểu của Chánh văn phòng Nội các Matsuno tương tự như những nhận xét được đưa ra trong một tuyên bố chung hiếm hoi của chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) hồi tháng Sáu. Khi đó, cả chính phủ Nhật Bản lẫn BoJ đều bày tỏ lo ngại và sẵn sàng ứng phó với sự sụt giảm mạnh của đồng yen, vào thời điểm đồng nội tệ Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm là 134,55 yen đổi 1 USD.

Hôm 7/9, đồng yen đã tiếp tục giảm xuống còn 144,38 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1998.

Trong bối cảnh hiện tại, có lẽ giới chức Nhật Bản sẽ không chỉ can thiệp bằng lời nói. Họ vẫn có thể hành động để ngăn chặn sự sụt giảm quá mức của đồng yen. Nhưng đi kèm với lựa chọn này cũng là những thách thức không dễ giải quyết.

Cách thức can thiệp ra sao?

Khi Nhật Bản can thiệp để ngăn chặn đà tăng giá của đồng yen, Bộ Tài chính nước này sẽ phát hành các trái phiếu ngắn hạn để tăng lượng nội tệ nắm giữ. Sau đó, Bộ này có thể bán ra lượng yen đó trên thị trường để làm suy yếu giá trị của đồng tiền Nhật Bản.

Nếu muốn can thiệp để ngăn chặn đà giảm của đồng yen, các nhà chức trách Nhật Bản phải khai thác kho dự trữ ngoại hối quốc gia để bán đồng USD ra thị trường rồi đổi lấy đồng yen

Trong cả hai trường hợp, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản sẽ đưa ra yêu cầu để can thiệp. BoJ sẽ đóng vai trò là bên thực hiện yêu cầu này trên thị trường.

Yếu tố nào sẽ thúc đẩy quyết định can thiệp?

 Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tại thủ đô Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN).


Do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, Nhật Bản từ trước đến nay tập trung vào việc ngăn chặn sự tăng giá mạnh của đồng yen trong khi có cách tiếp cận “để mặc” đối với sự giảm giá của đồng tiền này.

Chính phủ Nhật Bản rất hiếm khi can thiệp bằng cách mua vào đồng yen. Lần gần nhất Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ là vào năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á gây ra tình trạng bán tháo đồng yen và dòng vốn nhanh chóng chảy ra khỏi khu vực. Trước đó, Nhật Bản cũng đã can thiệp để chống lại sự giảm giá của đồng yen vào năm 1991-1992.

Việc can thiệp tiền tệ thường rất tốn kém và có thể dễ dàng thất bại, do các động thái như vậy khó tạo ảnh hưởng đến giá trị của đồng tiền trên thị trường ngoại hối toàn cầu khổng lồ.

Đó là một trong những lý do quan trọng khiến nó được coi là động thái cuối cùng được lựa chọn. Chính phủ Nhật Bản sẽ chỉ “bật đèn xanh” cho một quyết định như vậy khi sự can thiệp bằng lời nói không ngăn được đà “rơi tự do” của đồng yen. Không chỉ mức độ mà tốc độ giảm của đồng yen sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc các nhà chức trách đưa ra quyết định về việc liệu có nên và khi nào nên can thiệp thị trường.

Một số nhà hoạch định chính sách nói rằng, sự can thiệp sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu Nhật Bản phải đối mặt với mối đe dọa ba phía - xảy ra tình trạng đồng thời bán tháo đồng yen, cổ phiếu và trái phiếu nội địa. Điều này tương tự như tình trạng dòng vốn “chảy ra” mạnh mà một số nền kinh tế mới nổi đã trải qua.

Những thách thức phải đối mặt

Việc can thiệp bằng cách mua vào đồng yen khó hơn việc bán ra đồng yen.

Dự trữ ngoại hối của Nhật Bản hiện ở mức 1.330 tỷ USD, lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và có thể bao gồm chủ yếu là "đồng bạc xanh". Mặc dù khá dồi dào, kho dự trữ này vẫn có thể nhanh chóng cạn kiệt nếu Chính phủ Nhật Bản cần một khoản tiền khổng lồ để can thiệp thị trường và tác động đến tỷ giá.

Điều đó có nghĩa là lựa chọn này sẽ có giới hạn về thời gian: Chính phủ Nhật Bản không thể can thiệp bằng cách mua vào đồng yen mãi. Nó không giống như can thiệp bằng cách bán đồng yen - nơi Chính phủ Nhật Bản có thể liên tục phát hành trái phiếu để tăng lượng nội tệ nắm giữ.

Bên cạnh đó, các động thái can thiệp tiền tệ của Nhật Bản cũng sẽ cần có sự đồng ý không chính thức của các đối tác trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Đặc biệt, Nhật Bản cần sự phối hợp của Mỹ nếu nước này muốn điều chỉnh cặp USD/yen. Đây là việc không dễ dàng vì Mỹ có truyền thống phản đối các ý tưởng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại trừ trường hợp thị trường biến động quá mạnh.

Trước đây, Nhật Bản từng nhận được sự hỗ trợ của G7 cho việc can thiệp thị trường sau trận động đất/sóng thần năm 2011 và trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Nhưng tình hình hiện giờ đã khác. Các đối tác chủ chốt của Nhật Bản thường không thích một quốc gia thiết lập hoặc tác động đến tỷ giá hối đoái, vì họ muốn các lực lượng thị trường thực hiện. Cả G7 và G20 đã có các thỏa thuận để kết thúc những động thái đó.

Ngoài ra, sự suy yếu hiện tại của đồng yen một phần do sự kết hợp của việc BoJ tiếp tục các chính sách kích thích tiền tệ trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất. Theo nghĩa đó, các động thái can thiệp thị trường của Tokyo có thể được coi là sự kiện do Nhật Bản tự định hướng và điều đó có thể làm suy yếu sự ủng hộ của cả hai nhóm trên.

H.Thủy (Tổng hợp)

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.