Trung Quốc mở cửa biên giới, cơ hội 'vàng' cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2023
Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất trong năm 2023
Ngày 26/12, Trung Quốc phát đi thông tin sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch COVID-19 kể từ ngày 8/1/2023. Quyết định này là bước đi cuối cùng của Trung Quốc trong việc hủy bỏ chính sách Zero-COVID được nước này áp dụng trong suốt ba năm qua, theo SCMP.
Sự mở cửa của thị trường 1,4 tỷ dân được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Trao đổi với người viết bên lề hội nghị tổng kết ngành thuỷ sản 2022, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết khi Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ bùng nổ trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp vì chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
“Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023 nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác”, bà Lê Hằng nói.
Nói về các mặt hàng xuất khẩu, đại diện VASEP phân tích cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc, cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết.
Mặt khác, thời gian gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ cá tra và các loại cá nước ngọt khác nhiều hơn cá rô phi, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.
Còn đối với mảng tôm, bà Hằng cho rằng Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn nhưng tôm Việt Nam khó cạnh tranh ở Trung Quốc ở cả phân khúc cao cấp và nguyên liệu. Do vậy, các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng sang các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, EU...
Trước đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cũng cho rằng doanh nghiệp thuỷ sản muốn tăng trưởng xuất khẩu thì phải đi sâu vào Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022 với kim ngạch gần 1,5 tỷ USD.
Mặt khác, thuỷ sản Việt Nam cũng đã có thị phần tại các tỉnh có lượng tiêu thụ lớn như Sơn Đông, Thượng Hải, Liêu Ninh, Phúc Kiến, Bắc Kinh và Thiên Tân. Các địa phương này chiếm 87% tổng kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc. Tính riêng tỉnh Sơn Đông, một năm tỉnh này nhập khẩu 4 tỷ USD thuỷ sản.
Theo ông Hoè, thời gian tới doanh nghiệp cần có biện pháp đặc thù để tiếp thị vào thị trường Trung Quốc một cách hiệu quả hơn so với hiện nay, trong đó có thiết lập cơ quan bán hàng trực tiếp của người Việt. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần xem xét chọn lựa địa phương nào phù hợp.
"Thị trường Trung Quốc với hơn 1 tỷ dân và nhiều tỉnh, diện tích 1 tỉnh cũng rất lớn. Do đó, chúng ta cần coi Trung Quốc giống như liên minh Châu Âu 27 nước với phong tục, chính sách mỗi tỉnh khác nhau.
Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ chính sách của từng địa phương để có sách lược phù hợp với từng sản phẩm. Đặc biệt với sản phẩm tôm cần tính toán kỹ hơn vì cạnh tranh từ Ecuador và Ấn Độ rất lớn", ông Hoè nói.
Mục tiêu 10 tỷ USD năm 2023 và những thách thức đang chờ
2022 là năm thăng hoa của thủy sản khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 11 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2021. Đây là con số kỷ lục của ngành thủy sản sau hơn 20 năm tham gia vào thương mại quốc tế.
Bà Lê Hằng cho rằng kết quả này có được nhờ nhu cầu tiêu thụ của các thị trường phục hồi hậu COVID-19, giá các loại thủy sản xuất khẩu cũng tăng 20-50%. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nhanh chóng bắt nhịp với hội chợ xúc tiến thương mại, tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA để gia tăng doanh thu xuất khẩu.
Doanh nghiệp cũng có sự linh hoạt về cơ cấu sản phẩm, thị trường xuất khẩu, khi khối EU, Mỹ, Nhật Bản chật vật vì lạm phát, biến động tiền tệ thì doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng sang các thị trường có nền kinh tế ổn định, ít chịu tác động của lạm phát như Mexico, ASEAN…
Tuy nhiên ngay từ quý IV/2022, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bắt đầu thấm đòn lạm phát, đơn hàng giảm và ít dần cho đến quý I/2023. Trong bối cảnh khó khăn này, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt 10 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022.
Bà Lê Hằng nhận định đằng sau con số 11 tỷ USD của năm 2022, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những bài toán về chậm, hoãn giao hàng, chi phí bảo quản, lưu kho cao, thiếu vốn…
Những thách thức của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tác động đến việc thu mua nguyên liệu cho nông dân, người dân cũng “khát” vốn cho việc đầu tư nuôi trồng vụ mới. Khó khăn chồng chất khó khăn có thể tạo ra hiệu ứng domino kéo lùi tăng trưởng của ngành thủy sản.
“Giai đoạn đầu năm 2023, doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu sang các nền kinh tế tiềm năng như Trung Đông. Dự báo nửa sau năm 2023, kinh tế các nước và nhu cầu thị trường sẽ hồi phục, điều này thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trở lại. Do vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nguyên liệu, nguồn lực, nguồn vốn để có thể đón cơ hội”, bà Lê Hằng nói.