|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp thủy sản thâm nhập vào các thị trường tiềm năng nhờ sức bật của CPTPP

16:10 | 26/12/2022
Chia sẻ
10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trong khối CTPPP đạt hơn 88 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Thủy sản là một trong những ngành hưởng lợi nhiều từ CPTPP, giá trị xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Australia, Mexico, Canada tăng trưởng mạnh.

Doanh nghiệp tận dụng CPTPP ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu

Tại “Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trong khối CTPPP đạt hơn 88 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng 16%. Kết quả này có được nhờ các doanh nghiệp, ngành hàng đang tận dụng tốt các lợi thế từ hiệp định CPTPP, tăng cường trao đổi thương mại với các nước trong khối.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết giai đoạn 2020-2021, xuất khẩu thủy sản sang khối CPTPP chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản và tỷ lệ này ước tính tăng lên 30% vào năm 2022.

Trong đó, ba thị trường chính trong khối CPTPP bao gồm Nhật Bản, Australia, Canada, chiếm 85% kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang khối này. Ngoài ra, các thị trường tiềm năng khác các doanh nghiệp bắt đầu thâm nhập như Mexico, Canada, Chile…

“Doanh nghiệp thủy sản đã tận dụng được khá tốt lợi thế từ hiệp định CPTPP. Đơn cử như việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản tăng trưởng tốt và doanh nghiệp cũng nhập khẩu nguyên liệu của thị trường này để sản xuất, gia công và xuất khẩu”, ông Nam nói.

Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP. (Ảnh: Hoàng Anh

Sở hữu nhiều công ty con chuyên xuất khẩu nông sản, Tập đoàn PAN Group cho rằng CPTPP chính là cú hích cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Hồng Hiệp, Đại diện Tập đoàn PAN cho biết doanh thu năm 2022 của tập đoàn ước đạt 14.000 tỷ đồng, trong đó 50% đến từ xuất khẩu. Ngoài các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, PAN Group cũng đang hướng đến khối CPTPP, đặc biệt là Nhật Bản, Canada, Australia...

"Hiệp định CPTPP mang đến cho các doanh nghiệp xuất khẩu lợi thế cạnh tranh về thuế quan. Đơn cử như ngành tôm, chúng ta đang phải cạnh tranh gay gắt với Ecuador khi nước này ở gần Mỹ, châu Âu, chi phí logistics thấp, Việt Nam lại có thế mạnh về chất lượng, sản phẩm giá trị gia tăng... Ngoài ra, khi logistics gặp khó, chúng tôi cũng linh hoạt, chuyển hướng xuất khẩu nhiều hơn sang Nhật Bản", ông Hiệp nói.

Cũng như thủy sản, ngành điện tử cũng tăng trưởng tốt sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết 9 tháng năm 2022, ngành điện tử vẫn dẫn dầu khối nghiệp chế biến chế tạo với trị giá xuất khẩu gần 87 tỷ USD, trong đó xuất siêu 12,5 tỷ USD. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, khối CPTPP.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành điện tử xuất khẩu chủ yếu thông qua chuỗi cung ứng với các sản phẩm gia công và sản xuất theo thiết kế gốc (ODM).

“Ngành điện tử chủ yếu gia công, cung ứng trong chuỗi… điều này không có gì xấu hổ cả vì chúng ta xuất phát từ con số 0, nên cần từng bước nâng cao năng lực, đầu tư công nghệ, kỹ năng quản trị… để tiếp cận thị trường bài bản và chuyên nghiệp”, bà Hương nói.

Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận ưu đãi từ CPTPP vẫn ở mức thấp

CPTPP mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội, ưu đãi nhưng cũng đi kèm theo thách thức, đặc biệt là các quy tắc liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết tỷ lệ các doanh nghiệp tận dụng ưu đãi của CPTPP đã tăng từ 1,67% năm 2019 lên 6,7% vào năm 2021. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi của từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Bà Trang cho rằng lộ trình thực thi CPTPP mới ở giai đoạn đầu, các ưu đãi thuế quan chưa hấp dẫn bằng các hiệp định khác.  Ngoài ra, quy định xuất xứ của thị trường CPTPP vẫn đang là rào cản lớn của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Trang thông tin bước sang năm 2023 là năm thứ 5 hiệp định thực thi, lộ trình cắt giảm thuế, đưa thuế nhập khẩu về 0% sẽ nhiều hơn, doanh nghiệp cần nắm bắt và tận dụng cơ hội này.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Ngọc Minh, Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết khối CPTPP là thị trường xuất khẩu có quy định về xuất xứ hàng hóa chặt chẽ nhất trong các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia.

Một số ngành hàng, trong đó có dệt may chủ yếu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa sang khối này. Khi các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu của các nước ngoài khối CPTPP và xuất khẩu hàng thành phẩm sang khối CPTPP sẽ không đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng mức thuế quan ưu đãi.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, việc tiếp cận thông tin thị trường còn hạn chế, do vậy cơ hội tiếp cận ưu đãi thuế quan chưa cao.

Bà Ngọc Minh khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin thị trường về nhóm hàng, quy tắc xuất xứ, rào cản kỹ thuật để có chiến lược sản xuất, xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của khối CPTPP.

Ngoài ra, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng các doanh nghiêp cũng cần lưu trữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để phục vụ quá trình hậu kiểm hàng hóa xuất khẩu sang khối CPTPP.

Hoàng Anh