Triển vọng phục hồi xuất khẩu dưới góc nhìn của TS. Lê Quốc Phương
Trong năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm. Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm lại.
Lạm phát đã hạ nhiệt, song vẫn neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, nhu cầu suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 7% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2022, nhập khẩu khoảng 327,5 tỷ USD, giảm 9%.
Đánh giá về con số kỷ lục xuất siêu 28 tỷ USD năm 2023 và triển vọng thương mại hàng hóa năm 2024, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Bộ Công Thương.
Không nằm ngoài vòng xoáy của lạm phát cao và suy thoái kinh tế, thương mại hàng hóa của Việt Nam năm 2023 giảm mạnh, ông đánh giá như thế nào về kết quả này?
TS. Lê Quốc Phương: 2023 là năm khó khăn hiếm có của thương mại hàng hóa, đơn hàng giảm, xuất khẩu đi xuống cả về lượng và giá.
Nhìn lại về lịch sử, đây là năm thứ hai kể từ năm 1986, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm mạnh. Trước đó, đợt giảm đầu tiên diễn ra vào năm 2009, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này cho thấy tác động của kinh tế thế giới đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Điều này cũng dễ hiểu bởi kinh tế Việt Nam có độ mở hơn 200%, chúng ta đã ký 16 hiệp định thương mại (FTA) với khoảng 60 nền kinh tế lớn trên thế giới, giao thương với 240 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Việt Nam hiện được xem là cường quốc xuất khẩu trên thế giới, đứng thứ 20 về kim ngạch xuất khẩu. Khi kinh tế thế giới phát triển thì chúng ta được lợi, còn khi kinh tế khó khăn thì chúng ta chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Xuất siêu năm 2023 đạt 28 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước đến nay. Nhìn vào con số này, nhiều ý kiến cho rằng “chưa kịp mừng đã vội lo”, ông nghĩ sao?
TS. Lê Quốc Phương: Xuất khẩu năm 2023 hàng hóa giảm 4%, nhập khẩu giảm 9%. Rõ ràng, nhập khẩu đang giảm mạnh hơn xuất khẩu.
Đối với nhiều nước, nhập khẩu giảm là điều tốt, tuy nhiên với Việt Nam thì không hẳn như vậy. Bản chất, Việt Nam vẫn là nền kinh tế gia công, lắp ráp, đặc biệt là những ngành như điện tử, dệt may, da giày, ô tô… chúng ta cần nhập khẩu nguyên liệu, máy móc để sản xuất, xuất khẩu.
Trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu đơn hàng, điều này khiến sản xuất kinh doanh chậm nhịp, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đi xuống. Chính vì nhập khẩu giảm sâu, chúng ta mới có con số xuất siêu cao kỷ lục.
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã có đơn hàng trở lại. Theo ông, đà phục hồi này có bền vững?
TS. Lê Quốc Phương: Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế thế giới năm 2024 có khá hơn một chút so với 2023, nhưng chưa nhiều.
Điều chúng ta đang kỳ vọng là lạm phát toàn cầu sẽ hạ nhiệt, từ đó các quốc gia, đặc biệt là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ có động thái giảm lãi suất điều hành, kích thích đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Còn khi lãi suất cao, mọi thứ dường như “đứng lại”, không ai dám làm ăn, kinh doanh gì. Như năm 2023, lạm phát ở một số nước cao kỷ lục trong 40-50 năm trở lại đây. Ví dụ, các nước phát triển đặt mục tiêu lạm phát chỉ 2%, tuy nhiên EU đã lên tới 10%, giờ chỉ số này ở EU đang xuống nhưng rất chậm.
Hiện nay, đơn hàng của doanh nghiệp quay trở lại, chủ yếu do tồn kho ở các thị trường cạn dần, chứ không phải nội lực từ tổng cầu thế giới.
Tổng cầu chỉ tăng khi lãi suất giảm, đầu tư và tiêu dùng khởi sắc. Tuy nhiên, ít nhất là qua quý I, lãi suất mới giảm dần, tùy từng khu vực, quốc gia sẽ có sự điều chỉnh sớm hoặc muộn. Các nước thận trọng trong việc điều chính lãi suất bởi họ vẫn lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại.
Thời điểm này, các nước vẫn chưa hạ lãi suất điều hành. Nếu lãi suất cao có thể chống lạm phát, song đây cũng là rào cản cho nền kinh tế tăng trưởng, phát triển.
Hy vọng trong quý I lãi suất sẽ hạ từ từ và sang quý II, quý III.
Một lần nữa phải khẳng định rằng kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến kinh tế thế giới. Những yếu tố “khó đoán định” như xung đột chính trị luôn là ẩn số tác động đến nền kinh tế.
Sau năm 2021, toàn thế giới bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, không ai nghĩa rằng kinh tế năm 2022 sẽ đi xuống. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine đã xảy ra và không ai nghĩ nó có thể kéo dài và tác động lớn thế thế.
Đó không chỉ là cuộc xung đột giữa hai bên, mà còn kéo theo nhiều vấn đề khác như chiến tranh kinh tế, khủng hoảng năng lượng, lương thực, tài chính… Do vậy, kinh tế 2022 mới bất ngờ đi xuống và hệ lụy kéo dài sang năm 2023.
Rồi cuối năm 2023, đầu năm 2024, những yếu tố bất ngờ tiếp tục xảy ra như xung đột Hamas – Isarel, căng thẳng Biển Đỏ… Tất cả điều này tác động rất lớn đến thương mại hàng hóa thế giới.
Trường hợp tổng cầu phục hồi, cho dù Việt Nam nhập siêu trở lại, có lẽ không phải điều đáng buồn, thưa ông?
TS. Lê Quốc Phương: Khả năng này rất thấp, nhưng cho dù Việt Nam có nhập siêu cũng không phải là điều quá đang ngại. Kinh tế nước ta là nền kinh tế mở, gia công xuất khẩu, do vậy các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu cho sản xuất.
Nhìn lại giai đoạn từ 2012 đến nay, xu thế xuất siêu đang chiếm ưu thế, chúng ta chỉ nhập siêu không đáng kể vào năm 2015. Xuất siêu của Việt Nam hiện vẫn đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nên xu hướng này sẽ tương đối bền vững.
Năm nay, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 6% so với năm 2023, tương ứng 377 tỷ USD. Theo quan điểm của ông, mục tiêu này có khả thi?
TS. Lê Quốc Phương: Quy ra con số, xuất khẩu năm 2024 dự kiến tăng hơn 21,5 tỷ USD so với năm 2023. Con số này có thể thực hiện được vì năm 2023 xuất khẩu tăng trưởng âm, mức nền thấp. Do đó, tôi cho rằng mức tăng trưởng 6% là khả thi.
Tuy nhiên, tất cả mọi thứ sẽ phụ thuộc vào tổng cầu thế giới.
Năm 2023, ngành hàng chủ lực như công nghiệp điện tử, dệt may, da giày, gỗ… giảm sâu, chỉ có một số điểm sáng hiếm hoi là nông sản. Theo ông, ngành nào có thể tăng trưởng tốt, ổn định hoặc ngành nào đi lùi trong năm 2024?
TS. Lê Quốc Phương: Lực cầu của mỗi ngành sẽ khác nhau. Do vậy, thời điểm này chưa thể xác định chắc chắn những ngành hàng phục hồi tốt.
Tuy nhiên, tôi cho rằng những ngành hàng “thiết yếu” có thể sẽ khởi sắc sớm hơn, ví dụ như điện thoại, thực phẩm…
Bên cạnh lạm phát, lực cầu, lãi suất, đà phục hồi của từng ngành còn phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng, trong đó có câu chuyện đâu là hàng thiết yếu. Ví dụ như ô tô ở các nước khác được coi là hàng hóa thiết yếu nhưng Việt Nam vẫn được gọi là hàng xa xỉ, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong năm 2023, chúng ta cũng thấy sự đột phá của ngành rau quả và gạo. Cơ hội được dự báo sẽ còn nối dài trong năm 2024. Tuy nhiên, hai ngành hàng này chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn, không thể kéo tăng trưởng của cả xuất khẩu chung lên.
Dựa theo dữ liệu lịch sử, năm 1989, gạo và dầu thô từng là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam, riêng dầu thô đã chiếm tỷ trọng hơn 30%. Tuy nhiên, hiện nay hai mặt hàng này chỉ còn vài %, nhường chỗ cho hàng hóa điện tử, công nghiệp.
Song, khi gạo và rau quả xuất khẩu tốt, nông dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều, đời sống cải thiện. Đây vẫn là điều đáng ghi nhận!
Đâu là thị trường có khả năng phục hồi tốt, thưa ông?
TS. Lê Quốc Phương: Những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo quan sát của cá nhân, tôi cho rằng thị trường Trung Quốc có thể đóng góp nhiều cho sự phục hồi của thương mại của Việt Nam.
Thực tế, Trung Quốc vẫn có một số vấn đề nội tại như hệ lụy từ COVID-19, khó khăn từ thị trường bất động sản, tuy nhiên điểm đáng mừng là thị trường này không phải gánh “quả tạ” lạm phát và lãi suất cao.
Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam, chúng ta có thể kỳ vọng thương mại hai nước sẽ tiếp tục khởi sắc.
Còn thị trường Mỹ, lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát sớm. Mỹ là nước nhiều dầu và khí, thị trường này phục hồi tốt hơn EU.
Trong khi đó, lạm phát ở EU đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức rất cao. EU đang trong quá trình tái cấu trúc, riêng lĩnh vực năng lượng, chuyển từ phụ thuộc vào Nga sang Mỹ và Trung Đông. Đây là bài toán lớn và cần thời gian cho kinh tế ổn định lại.
ASEAN không có vấn đề lớn, đây vẫn là điểm đến an toàn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ phục hồi, tăng trưởng của từng quốc gia trong khối sẽ khác nhau.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chịu tác động chung của suy thoái kinh tế thế giới, tuy nhiên đây là thị trường truyền thống và có mối quan hệ thương mại tốt với doanh nghiệp Việt Nam.
Một khi kinh tế thế giới phục hồi, kinh tế Việt Nam cũng sẽ khởi sắc, cỗ xe “tam mã” xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng sẽ kéo tăng trưởng kinh tế chung.
Xin cảm ơn ông!