|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đơn hàng xuất khẩu năm 2024 đang dần đổ về, doanh nghiệp mong nhà máy luôn sáng đèn

07:29 | 03/01/2024
Chia sẻ
Bộ Công Thương đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 6% so với năm 2023, tương ứng 377 tỷ USD. Thời điểm này, các doanh nghiệp ngành dệt may, gỗ, nông sản... đã nhận đơn hàng cho quý I và kỳ vọng những quý tiếp theo có thể tăng tốc.

Doanh nghiệp đã có đơn hàng cho quý I

Gỗ, dệt may, sắt thép nằm trong top 10 ngành hàng đóng góp tỷ trọng khá cao vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã phải trải qua năm 2023 – khó khăn chưa từng có trong lịch sử.

Kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn còn nhiều điều “khó đoán định”, tuy nhiên cơn bĩ cực với các doanh nghiệp đang dần lắng xuống, đơn hàng đổ về, hầu hết công ty đều kỳ vọng thị trường phục hồi để nhà máy luôn sáng đèn.

Trao đổi với người viết, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công cho biết đến giữa tháng 12/2023, công ty đã nhận 80-90% đơn hàng cho quý I/2024.

Song, số lượng và tốc độ nhận đơn hàng vẫn còn chậm. Cùng thời điểm này những năm trước, doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng cho quý I và 50% đơn hàng cho quý II.

“Tình hình có thể cải thiện vào quý II, sớm là tháng 4 và muộn là tháng 6, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Nếu mọi thứ xảy ra như dự báo, 2024 vẫn là một năm đáng để hy vọng cho doanh nghiệp dệt may”, ông Trần Như Tùng nói.

 

Đối với ngành lâm sản, các doanh nghiệp cũng đang nhận đơn hàng cho năm 2024. Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn chưa thực sự bền vững.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch CTCP Gỗ Lâm Việt, triển vọng xuất khẩu gỗ chưa rõ ràng, đơn hàng cho đầu năm 2024 đã có nhưng nhà máy vẫn chưa chạy hết công suất nhà máy.

"Từ quý III/2023 đến nay, đơn hàng có tăng nhưng đây là đơn hàng bù vào giảm tồn kho của Mỹ, EU và phục vụ cho dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, chứ không phải đơn hàng bền vững. Tín hiệu này chưa thể đánh giá được triển vọng năm 2024", ông Nguyễn Liêm chia sẻ.

Còn theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), xuất khẩu gỗ năm 2024 sẽ tăng trưởng trở lại, tuy nhiên ngành sẽ phải tuân thủ quy định mới như chống phá rừng của EU, sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp…

Giải pháp trọng tâm trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam là phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản đó là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.

Ngoài ra, hiệp hội cũng sẽ tổ chức loạt sự kiện hội chợ, hỗ trợ doanh nghiệp mở kho hàng, văn phòng ở các thị trường lớn… để gia tăng đơn hàng cho doanh nghiệp, giúp nhà máy luôn “sáng đèn”.

Cũng như ngành gỗ, dệt may, các doanh nghiệp thép cũng đã có một năm 2023 đầy thách thức khi tiêu thụ thép ảm đạm, thị trường bất động sản trong nước gặp khó. Tuy nhiên những tháng cuối năm 2023, ngành thép đón tín hiệu tích cực đến từ mảng xuất khẩu.

Riêng trong tháng 11/2023, bán hàng thép các loại đạt 2,5 triệu tấn, tăng 13% so với tháng trước và tăng 30% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu thép đạt 732.000 tấn, tăng 64% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV) cho biết xuất khẩu thép sang EU của Tập đoàn Hòa Phát đã cải thiện tại thị trường EU.

Trong đó, lượng xuất khẩu đi Italy trong 10 tháng năm 2023 ước tính gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đã thâm nhập thành công vào một số thị trường mới như Bỉ và Bồ Đào Nha.

Quý IV/2023, một số nhà máy tại EU đã phải chủ động duy trì công suất ở mức thấp nhằm cân bằng cung - cầu trên thị trường và tối ưu hoạt động.

Do đó, KBSV cho rằng lượng xuất khẩu của Hoà Phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý I, đặc biệt là tại EU nhờ lợi thế cạnh tranh về giá và xu hướng các nhà phân phối nước ngoài gia tăng tích trữ hàng tồn kho giá cạnh tranh từ nguồn nhập khẩu.

Ngoài mảng công nghiệp chế biến, các doanh nghiệp rau quả, gạo... cũng đang rục rịch nhận đơn hàng cho nửa đầu năm 2024, tín hiệu tăng trưởng của hai ngành hàng này được dự báo khá tốt.

Xuất khẩu có khả năng phục hồi nhẹ trong năm 2024

Tổng cục Thống kê đã thực hiện cuộc khảo sát với các doanh nghiệp về tình hình đơn đặt hàng xuất khẩu, trong đó 22% số công ty khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 45% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 33% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới giảm.

Xu hướng quý I này, khoảng 24,6% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,8% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 28,6% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

Tại diễn đàn “Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024”, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nhận định bước sang năm 2024, kinh tế sẽ có nhiều bất trắc. Trường hợp, kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ có thể hạ cánh mềm thì Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường này. Và nếu kinh tế Trung Quốc không quá xấu thì có thể tạo động lực xuất khẩu cho cả năm 2024.

“Vẫn còn rất nhiều bất trắc đối với tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng 5 - 7%, chứ không bị âm như năm 2023”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói.

 

Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu năm 2023 về đích với 355,5 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2022. Tuy nhiên, mức độ suy giảm trong xuất khẩu ngày càng được thu hẹp, từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống giảm khoảng 4,6% của cả năm 2023.

Bộ Công Thương đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 6% so với năm 2023, tương ứng 377 tỷ USD.

 

Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng các đơn vị thuộc bộ, doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, đồng thời đàm phán, nâng cấp các FTA với các đối tác tiềm năng tại Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ… để đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Phạm Mơ