|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2024

21:31 | 16/01/2024
Chia sẻ
Đại diện hiệp hội ngành hàng thuỷ sản, lâm sản cho rằng nửa đầu năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Nhiều mặt hàng chủ lực khó phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2024

Tại chương trình đối thoại “Nhận diện cơ hội đầu tư - kinh doanh năm 2024: Tiếng nói từ doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết ngành thuỷ sản năm 2024 có nhiều điểm tựa. Song, ngành vẫn sẽ khó khăn trong nửa đầu năm do lượng hàng tồn kho thế giới cao, cùng một loại thuỷ sản có nhiều nhà cung cấp, lực cung đang lớn hơn lực cầu.

Ngoài ra, ông Nam cũng chỉ ra một số vấn đề liên quan đến các ngành hàng chủ lực như cá tra, tôm, hải sản.

Đối với mặt hàng tôm, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc Bộ Thương mại Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Thời kỳ điều tra trợ cấp vào năm 2022. Thời kỳ điều tra thiệt hại từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2023.

Tổng số chương trình trợ cấp bị điều tra khoảng 40 chương trình, thuộc nhóm các chương trình cho vay và bảo đảm; nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; nhóm các chương trình miễn các khoản phải thu; nhóm các chương trình ưu đãi về đất; nhóm các chương trình tài trợ…

Đối với ngành cá tra, ông Nam cho biết sau dịch COVID-19, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30%, chi phối 70% giá thành sản phẩm thuỷ sản chủ lực, giá nguyên liệu cá tra hiện nay chỉ đủ trang trải chi phí thức ăn. Hiệu suất và hiệu quả của ngành đang ở mức thấp, gây áp lực lớn cho nông dân, doanh nghiệp.

Còn với ngành hải sản, đại diện VASEP cho biết Việt Nam vẫn đang bị cảnh báo thẻ vàng của châu Âu, điều này buộc phải gia tăng nguồn lực xã hội, bao gồm cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Kể cả sau này Việt Nam có gỡ được thẻ vàng, nếu toàn bộ thiết lập về khung pháp lý vận hành không thay đổi, những bất cập vẫn sẽ còn.

“Doanh nghiệp mang hàng về, chuẩn bị xuất khẩu nhưng gặp bất cập khi làm các thủ tục xác nhận. Quy định Nhà nước về xác nhận cho hải sản khai thác phải thay đổi, cần xác nhận ngay khi từng lô cá, lô hải sản đánh bắt lên sau khi đã có kiểm kê hàng hóa.

Hiện nay, nhiều lô hàng mất hàng tháng mới làm xong thủ tục, điều này ảnh hưởng đến chất lượng, chuỗi cung ứng, chưa kể việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do”, đại diện VASEP nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết ngành thủy sản chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân tham gia, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có vốn Nhà nước rất ít. 95% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đến từ khối tư nhânchuỗi sản xuất của ngành gắn liền với cả nông, ngư dân.

Bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện VASEP kỳ vọng Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ điều tra của quốc tế và đưa ra những giải pháp củng cố năng lực của ngành hàng chủ lực.

Chương trình đối thoại “Nhận diện cơ hội đầu tư - kinh doanh năm 2024: Tiếng nói từ doanh nghiệp”. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Không chỉ có VASEP, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng cho rằng thị trường xuất khẩu nửa đầu năm 2024 sẽ chưa thực sự khả quan.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng thư ký Viforest cho biết trong năm 2024 những vấn đề như xung đột chính trị, lãi suất cao, hội chứng “sợ chi tiêu”… sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lực cầu hàng hoá.

Hai quý đầu 2024, các ngành hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó.

“Chúng tôi hy vọng tình hình thị trường sẽ tốt hơn từ quý III trở đi. Cùng với các giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện, khó khăn của ngành gỗ sẽ giảm đi phần nào”, ông Hoài cho biết.

Cần chính sách đúng và trúng với lo lắng của doanh nghiệp

Tại cuộc đối thoại, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết thông qua cuộc khảo sát gần đây, Ban IV nhận thấy niềm tin của doanh nghiệp đã quay trở lại.

Cụ thể, số doanh nghiệp đánh giá tích cực/rất tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới tăng hơn 3 lần so với 6 tháng trước. Số doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô cũng tăng 2-2,5 lần.

Theo đại diện Ban IV, niềm tin này đến từ những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy vậy, những thách thức với các doanh nghiệp vẫn chưa dừng lại. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tiêu cực giảm từ 80% xuống còn 60%, song đây vẫn là con số khá cao.

Khoảng 11,8% tổng số doanh nghiệp được khảo sát dự kiến ngừng kinh doanh; 12,2% doanh nghiệp tính tới phương án tạm dừng; 48,4% dự kiến giảm quy mô.

Trong số các doanh nghiệp dự kiến tiếp tục hoạt động, khoảng 58% công ty đã chuẩn bị phương án giảm quy mô lao động...

Cũng theo khảo sát, các doanh nghiệp đánh giá cao nhóm chính sách hỗ trợ như giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; giãn hoãn thời gian đóng tiền thuê đất; giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%.

Bà Thuỷ cho biết trong những k báo cáo, Ban IV luôn đề nghị những chính sách liên quan đến tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp cần kéo dài hơn để doanh nghiệp có cơ hội tích lũy, gia tăng nội lực. Thông thường kỳ xét duyệt khoảng 6 tháng/lần và kéo dài thêm 6 tháng.

Niềm tin của các doanh nghiệp đã quay trở lại, nhưng cũng cần những động thái từ Trung ương và địa phương để doanh nghiệp có thể phục hồi mạnh mẽ hơn.

"Chúng tôi hiểu Nhà nước có nhiều áp lực cân đối giữa bài toán vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên nếu coi 2024 vẫn là năm bù đắp cho doanh nghiệp thì cần có chính sách đúng và trúng những vấn đề doanh nghiệp đang lo lắng nhất", đại diện Ban IV chia sẻ.

Hoàng Anh

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.