|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản dự kiến phục hồi vào nửa cuối năm 2024

20:52 | 11/01/2024
Chia sẻ
Các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng tốc độ phục hồi của ngành thủy sản trong năm 2024 sẽ chậm, nửa cuối năm sẽ khởi sắc hơn.

Đến nửa cuối năm 2024, xuất khẩu thủy sản mới phục hồi

Trong báo cáo ngành thủy sản mới đây, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm từ năm 2023, tốc độ phục hồi chậm trong năm 2024, chủ yếu là vào nửa cuối năm 2024.

Đối với ngành cá tra, nhìn lại chu kỳ trước, SSI Research nhận thấy giá bán trung bình phải mất 1,5 - 2 năm để chạm đáy và mất khoảng 4 năm để đi hết chu kỳ. Do đó, giá bán cá tra có thể tăng trở lại trong nửa cuối năm 2024.

Bộ phận phân tích kỳ vọng sản lượng xuất sang châu Âu và Trung Quốc sẽ bù đắp một phần sự sụt giảm sản lượng xuất sang Mỹ trong nửa đầu năm 2024 và nhu cầu từ Mỹ sẽ phục hồi vào mùa cao điểm nửa cuối năm 2024.

 (Nguồn: SSI Researh)

Đối với ngành tôm, SSI Research kỳ vọng giá trị xuất khẩu theo tháng sẽ tăng với tốc độ chậm, các doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng.

Trong số các nước xuất khẩu tôm hàng đầu, Việt Nam đứng thứ 4 tại thị trường Mỹ (sau Ấn Độ, Indonesia, Ecuador) và đứng số 1 tại Nhật Bản nhờ lợi thế sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, công nhân lành nghề, công nghệ chế biến tiên tiến.

Trong khi đó, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia chủ yếu xuất khẩu tôm chưa qua chế biến với giá bán thấp. Trong tháng 12/2023, bình quân giá xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 10,6 USD/kg, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Bộ phận phân tích cho rằng giá bán tôm bình quân có thể duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ trong năm 2024 do nhu cầu tiêu dùng phục hồi yếu và phải cạnh tranh với Ecuador, Ấn Độ, Indonesia với giá chiết khấu cao hơn.

(Nguồn: SSI Researh) 

Nhiều yếu tố tác động đến biên lợi nhuận doanh nghiệp

Theo SSI Research, giá đầu vào ngành thủy sản có xu hướng giảm sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của các công ty chế biến. Cụ thể, trong tháng 12/2023, giá cá nguyên liệu và cá giống lần lượt giảm 9% và 22% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, giá tôm nguyên liệu cũng giảm 19%.

Do sản lượng đơn đặt hàng phục hồi yếu, bộ phận phân tích cho rằng năm 2024 sẽ không thiếu nguồn cung tôm hay cá nguyên liệu, tuy nhiên giá sẽ giảm nhẹ do nhu cầu yếu.

Biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thủy sản có thể vẫn sẽ giảm so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024 do giá bán trung bình đi xuống so với cùng kỳ và mức giảm nhanh hơn so với nguyên liệu đầu vào.

Ở một khía cạnh khác, chi phí vận chuyển tăng có thể làm suy yếu lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I.

Hiện nay, căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang, chi phí vận chuyển từ Việt Nam đến thị trường Mỹ, châu Âu trong tháng 1 đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 12/2023.

SSI Research ước tính chi phí vận chuyển tăng sẽ khiến chi phí vận chuyển/doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tăng khoảng 3-5% trong tháng 12/2023 lên 7-10% trong tháng 1/2024. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu đều sử dụng hợp đồng FOB khi xuất khẩu, nghĩa là người mua sẽ chịu chi phí vận chuyển.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ vẫn suy yếu nên người mua có thể đàm phán với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi căng thẳng Biển Đỏ hạ nhiệt.

Hoàng Anh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.