|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc: Tiềm năng lớn nhưng cạnh tranh gay gắt

09:09 | 14/12/2023
Chia sẻ
Thị trường Trung Quốc được đánh giá có tiềm năng lớn đối với thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa sức ép cạnh tranh lớn, đặc biệt là với xuất khẩu tôm.

Tiềm năng còn lớn tại thị trường tỷ dân 

Trung Quốc, thị trường tiêu thụ thuỷ sản lớn thứ thứ ba của Việt Nam, được các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đánh giá còn nhiều tiềm năng trong thời gian tới. 

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), cho rằng Trung Quốc sẽ là một trong những động lực lớn của ngành thuỷ sản Việt Nam trong năm 2024. Trong năm 2023 và những năm tới, có một số yếu tố thuận lợi, mang lại cơ hội và dư địa cho thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc.

Cụ thể, dịch COVID-19 đã chấm dứt, kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhu cầu thủy sản (cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, mực, bạch tuộc...) đang hồi phục. Vị thế địa lý gần thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, giúp chi phí logistics ít hơn so với các nước khác.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản, sẽ thay thế bằng các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam…

“Thị trường Trung Quốc sẽ chứng kiến sự bứt phá trong nhu cầu nhập khẩu  thuỷ sản. Nước này đang đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế nhưng có vẻ họ không dành nhiều ngân sách cho sản xuất thuỷ sản nội địa. Bởi, Trung Quốc không coi đây là ngành hàng chủ lực có lợi nhuận cao. Do đó, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường này”, bà Hằng nói. 

Bà cho biết thêm, xuất khẩu thủy sản của nước này cũng giảm dần trong những năm gần đây, do cả yếu tố COVID-19 và xu hướng chuyển dịch kinh tế. Do vậy các chuyên gia kinh tế đánh giá Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu, giống như mô hình các nước phương Tây. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), cho biếtTrung Quốc là thị trường tiềm năng nằm trong chiến lược của công ty.

Ông cho hay lượng tiêu thụ tôm của Trung Quốc rất lớn, thậm chí hơn cả Mỹ và Châu Âu. Trong năm 2023, ước tính nước này nhập khẩu lượng tôm khổng lồ lên tới 1 triệu tấn, chủ yếu là để chế biến, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu gần như không đáng kể. 

Theo nhận định của VASEP, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh tôm trong quý cuối năm 2023 để bù đắp cho mùa tiêu dùng cao điểm tháng 12, tháng 1 và tháng 2.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, Trung Quốc càng đóng vai trò quan trọng khi đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù hoạt động xuất khẩu ở cá tra trong năm nay gặp khó khăn, nhưng một số doanh nghiệp vẫn ghi nhận doanh số bán hàng sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc của CTCP Nam Việt (Mã: ANV), chuyên sản xuất cá tra, cá basa và cá lóc, đạt 852 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái sau giai đoạn sụt giảm (2020 - 2022)do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và dừng hợp tác với đối tác chiến lược Shanghai Fenglei trong năm 2021.

Công ty cho biết sự phục hồi này là docông ty phát triển thành công tập khách hàng lớn ở Bắc Kinh và Quảng Châu, bên cạnh khu vực truyền thống là Thượng Hải, đồng thời mở rộng thêm dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị có nhu cầu cao tại Trung Quốc.

Trao đổi với trang Undercurrent News ông Chen Xindong, chuyên gia kỳ cựu trong ngành, cho rằng nhu cầu cá philê chất lượng cao vẫn còn dư địa tăng trưởng đáng kể tại Trung Quốc. Ông Chen Xindong hiện đang là Tổng giám đốc công ty phân phối cá tra Octogone, công ty con của Vĩnh Hoàn tại Trung Quốc. 

Ông Chen cho rằng cá tra đang có lợi thế tại Trung Quốc, có tiềm năng tăng trưởng bùng nổ nếu thay thế các nguyên liệu khác trong một số món ăn.

Tiềm năng cho thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường tỷ dân càng rộng mở hơn khi mới đây, trong buổi trả lời báo chí, đại sứ Trung Quốc khẳng định nước này sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản, nông sản của Việt Nam.

Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm sang Việt Nam. Tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 13/12 nhân chuyến thăm này, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi của Việt Nam xuất sang nước này.

Cạnh tranh có thể gắt gao

Theo Giám đốc Truyền thông VASEP, mặc dù thị trường Trung Quốc có nhiều tiềm năng nhưng cạnh tranh cũng sẽ không dễ dàng bởi không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác sẽ coi Trung Quốc là thị trường mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản. 

 

Những biến động địa chính trị, lạm phát, khủng hoảng năng lượng…khiến cho nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sụt giảm mạnh, trong khi đó nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng lên.

“Nếu xung đột ở Trung Đông leo thang, chi phí nhiên liệu sẽ tăng trở lại. Thế giới tiếp tục xảy ra khủng hoảng năng lượng kết hợp với lạm phát và lãi suất cao. Nếu kịch bản đó xảy ra, dự báo xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU năm 2024 – 2025 sẽ càng khó khăn, và Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu thủy sản”, bà Lê Hằng cho biết.

Đại diện VASEP lưu ý các doanh nghiệp sẽ cần phải tính đến câu chuyện áp lực cạnh tranh lớn về mặt giá cả vì Trung Quốc thích hàng giá rẻ. Mặt hàng tôm là một ví dụ. Việt Nam sẽ rất khó khăn khi gặp các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ.

Ngoài áp lực cạnh tranh về giá với những nước có thế mạnh về tôm nguyên liệu giá rẻ như Ấn Độ và Ecuador,Chủ tịch Sao Ta cho biết Việt Nam còn đối mặt với áp lực trực tiếp từ 1.000 nhà máy chế biến sâu, trình độ cao tại thị trường nội địa Trung Quốc. Các nhà máy này không chỉ có trình độ chế biến tiên tiến mà còn có giá thành rẻ và có cả hệ thống phân phối riêng. 

“Nếu doanh nghiệp tôm Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến tôm thẻ chân trắng, cạnh tranh một cách trực diện thì chắc chắn không được”, Chủ tịch Sao Ta nói.

Ông phân tích, hiện tại đa phần tôm xuất khẩu sang Trung Quốc là tôm sú vì loại tôm này luộc lên có màu đỏ đậm hơn nhiều so với tôm thẻ, phù hợp với thị hiếu người Trung Quốc. Họ cho rằng tôm càng đỏ thì chứng tỏ lúc chế biến tôm ở trạng thái tươi nhất. Tuy nhiên, tôm sú ở Việt Nam chỉ tập trung nhiều ở Bạc Liêu, Cà Mau. 

Do đó, với tôm thẻ để chinh phục được thị trường này cần đảm bảo yếu tố tôm luộc lên có màu đỏ đậm và phải thật tươi. 

“Tôm thẻ của chúng tôi nuôi ở vùng nước màu tối nên tạo ra được sắc màu đỏ đậm khi luộc. Ngoài ra, nhà máy chế biến nằm ngay cạnh vùng nuôi nên có thể đảm bảo việc chế biến tôm ở trạng thái tươi nhất, có thể luộc tại chỗ. Đây là lợi thế cạnh tranh của chúng tôi so với các doanh nghiệp khác”, ông Lực nói.

Theo ông những doanh nghiệp có vùng nuôi riêng sẽ có lợi thế hơn khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi những doanh nghiệp phải mua nguyên liệu sẽ mất chi phí và thời gian vận chuyển tôm từ các nhà dân đến nhà máy và chất lượng cũng giảm xuống. 

Vấn đề mà doanh nghiệp của ông vẫn đang tìm cách giải quyết đó là hệ thống phân phối tôm. Ông cho hay các doanh nghiệp chế biến lớn của Trung Quốc đã có sẵn hệ thống phân phối riêng, còn với doanh nghiệp Việt như Sao Ta cần nhiều thời gian để tìm ra đầu mối tiêu thụ lớn.

Ngoài ra, điều ông lo ngại là cách thức thanh toán và giao thương qua đường tiểu ngạch còn ẩn chứa nhiều rủi. Tuy nhiên, theo ông thời gian tới, vấn đề này sẽ được giải quyết.

Để tận dụng những cơ hội từ Trung Quốc, theo bà Lê Hằng hoạt động giao thương B2B cần được tăng cường hơn nữa, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu. 

Danh sách doanh nghiệp và các sản phẩm thủy sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc cần được mở rộng, mở cửa hơn cho các loài thủy sản tươi sống như tôm hùm bông, cua sống...

Thúc đẩy kết nối giao thông đường bộ, đường sắt tại khu vực biên giới. Hợp tác xây dựng các kho lạnh, cơ sở hậu cần phục vụ cho giao thương nông thủy sản Việt Nam – Trung Quốc, nhất là giao thương qua biên giới.

H.Mĩ