Giá tôm hùm chạm đáy, người nuôi lỗ nặng
Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc bùng nổ từ năm 2024 và tiếp tục tăng cao trong tháng 1 năm nay, đạt 70 triệu USD (gần 1.800 tỷ đồng), theo VASEP. Mức này tăng gấp 9 lần cùng kỳ năm ngoái, chiếm 98% tổng lượng xuất khẩu. Bất chấp sản lượng bán sang Trung Quốc tăng mạnh, giá thu mua vẫn chạm đáy, đẩy nhiều hộ vào cảnh thua lỗ triền miên.
Ông Thanh, một hộ nuôi tại Khánh Hòa vừa bán hơn 1 tấn tôm với giá 700.000 đồng một kg, mức thấp nhất trong ba năm qua (để có lãi, giá phải đạt từ 820.000 đồng một kg). Với mức này, mỗi tấn tôm, ông Thanh lỗ hơn 100 triệu đồng. "Nếu giá không cải thiện, 1-2 tháng tới, gia đình tôi có thể lỗ nặng hơn", ông nói.
Tại xã Cam Bình (Khánh Hòa), nơi có hơn 700 hộ nuôi tôm hùm, tình hình cũng không khả quan hơn. Ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã - cho biết giá tôm hùm luôn ở mức thấp trong thời gian dài, không đủ để người dân có lãi.
"Thức ăn đắt đỏ, con giống nhập từ Indonesia, Philippines, Myanmar cũng tăng cao khiến người dân càng nuôi càng lỗ," ông cho hay.

Tôm hùm tại hộ nuôi ở Khánh Hoà. Ảnh: Huyền Trần
Lý giải về tình trạng này, ông Thành Trung, đầu mối xuất khẩu tôm sang Trung Quốc, cho biết tôm hùm Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều quốc gia.
Theo ông, trước đây, tôm hùm Việt Nam có lợi thế riêng, nhưng hiện nguồn cung từ Australia, Canada, Mỹ ngày càng dồi dào với giá cạnh tranh hơn. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu tôm hùm Australia, thị phần của Việt Nam tiếp tục bị thu hẹp.
Không chỉ vậy, các nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Malaysia cũng đang xuất khẩu tôm hùm bông - dòng sản phẩm tương tự hàng Việt - với giá hấp dẫn hơn. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm soát chất lượng nhập khẩu, khiến hàng Việt càng thêm khó khăn, giá liên tục giảm.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu ở TP HCM cũng nhìn nhận hoạt động xuất khẩu tôm hùm ngày càng khó khăn nên lợi nhuận doanh nghiệp "teo tóp" dần. Không chỉ thay đổi về tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng, đối tác nhập khẩu Trung Quốc còn đòi hỏi kích cỡ tôm phải phù hợp. Trước đây, họ chuộng tôm có trọng lượng lớn, nay loại này rớt giá mạnh.
"Họ chỉ mua hàng kích cỡ nhỏ hơn với mục đích hợp túi tiền người tiêu dùng. Điều này đang khiến các hộ nuôi gặp khó khăn", ông nói.
Trước thực trạng trên, theo ông Ân, người nuôi nên chủ động thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường. Với doanh nghiệp, cần có chiến lược phù hợp để cạnh tranh về giá và chất lượng nhằm đẩy mạnh thương hiệu tôm hùm Việt. Ngoài ra, thay vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp có thể tìm hướng tiêu thụ bằng nhiều cách ở nội địa và xuất khẩu đi các quốc gia khác dưới sự hỗ trợ của nhà chức trách.
Ông Đoàn Văn Quang, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, cũng đang tìm cách để khắc phục tình trạng quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông Quang cho biết đang làm thủ tục để đưa tôm hùm xanh xuất chính ngạch sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông kỳ vọng kinh tế bớt ảm đạm để sức tiêu thụ tôm hùm ở thị trường nội địa và xuất khẩu khả quan hơn, giúp người nông dân có thể duy trì nghề nuôi tôm hùm lâu dài.