|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Năm thắng lớn của doanh nghiệp cá tra, một công ty tôm vẫn ngụp lặn trong thua lỗ

06:55 | 10/02/2025
Chia sẻ
Năm 2024, nhóm xuất khẩu cá tra báo lãi lớn nhờ giá bán đang ở vùng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, trong khi đó những doanh nghiệp nuôi tôm đối diện với nhiều sóng gió, bao gồm giá thương phẩm suy giảm và hai vụ kiện điều tra từ Mỹ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024 với nhiều khó khăn và thách thức từ tác động của lạm phát, chi phí sản xuất gia tăng, nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu khan hiếm, cạnh tranh quốc tế, biến đổi khí hậu… nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn đạt được kết quả tích cực. 

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đã cán đích 10 tỷ USD, vượt 6% so với kế hoạch, và tăng 12% so với năm 2023. Trong đó, tôm xuất khẩu đạt 4 tỷ USD (tăng gần 17%) và cá tra đạt 2 tỷ USD (tăng hơn 9%).

Nhóm cá tra thắng lớn

Theo thống kê của người viết về 5 doanh nghiệp cá tra đã niêm yết trên sàn chứng khoán đã có một năm 2024 kinh doanh thuận lợi khi tất cả đều ghi nhận lợi nhuận tăng một đến hai con số.

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) - đơn vị xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam đạt 12.535 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 1.234 tỷ; tăng lần lượt 25% và 34% so với năm 2023.

Tăng trưởng doanh thu năm 2024 của Vĩnh Hoàn được thúc đẩy bởi mức tăng 25% của doanh số bán phi lê cá tra đông lạnh và các sản phẩm liên quan (cá tẩm bột, mỡ cá, bột cá và thức ăn chăn nuôi), cùng với mức tăng trưởng 7% của mảng kinh doanh collagen và gelatin (C&G), và mức tăng tới 53% của mảng kinh doanh sản phẩm gạo (Sa Giang). 

Doanh số cũng tăng mạnh tại các thị trường chính, bao gồm Mỹ (tăng 33% so với cùng kỳ), châu Âu (tăng 19%) và các quốc gia khác (tăng 32%). Doanh số tại Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6% do mức chi tiêu tiêu dùng thận trọng hơn của quốc gia này. 

Riêng trong quý cuối năm, biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn đạt 18% và cũng ghi nhận mốc cao nhất kể từ quý III/2023 nhờ được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng mạnh của sản lượng và mức sụt giảm của chi phí thức ăn chăn nuôi. 

Năm 2024, Vĩnh Hoàn lên hai kịch bản kinh doanh. Ở kịch bản thấp, doanh nghiệp đề ra kế hoạch 10.700 tỷ đồng doanh thu thuần còn lãi ròng 800 tỷ đồng. Với kịch bản tích cực hơn, Vĩnh Hoàn đề ra mục tiêu doanh thu thuần 11.500 tỷ đồng, 1.000 tỷ lợi nhuận ròng. 

 Như vậy, Vĩnh Hoàn đều vượt xa kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ở kịch bản tích cực. 

Không những Vĩnh Hoàn, mà CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (Mã: IDI), CTCP Nam Việt (Mã: ANV), CTCP Thuỷ sản Cửu Long An Giang (Mã: ACL)CTCP Thuỷ sản Bến Tre (Mã: ABT) hầu hết có doanh thu thuần và lợi nhuận ròng tăng trưởng. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện so với mức nền thấp của năm 2023.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Nhóm xuất khẩu tôm vượt qua 'sóng gió'

Trong năm vừa qua, nhóm xuất khẩu tôm đối diện với nhiều thách thức hơn cả, bao gồm giá tôm thương phẩm biến động, thậm chí những tháng đầu vùng nuôi tôm đã phải "treo ao" vì giá tôm giảm. Đó là chưa kể ngành phải đối diện với hai vụ kiện điều tra chống bán phá giá và điều tra chống trợ cấp (CVD) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Báo cáo tài chính quý công ty mẹ quý IV/2024 của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) đạt doanh thu thuần 8.451 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với năm 2023. Công ty đã có lãi ròng trở lại với 34 tỷ đồng, so với mức lỗ gần 11 tỷ đồng của năm trước đó.

Tuy nhiên riêng quý IV, Minh Phú lỗ 101 tỷ đồng (tăng thêm so với mức lỗ gần 18 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023). Nguyên nhân là mặc dù doanh thu tăng trưởng gần 26% nhưng giá vốn tăng mạnh khiến biên lãi gộp thu hẹp. Lợi nhuận gộp còn 115 tỷ đồng. Chi phí tài chính quý vừa rồi đã ngốn hết 127 tỷ đồng, khiến đơn vị chuyên xuất khẩu tôm này thua lỗ.

Lý giải thua lỗ trong quý IV, Phó Tổng Giám đốc Thuỷ sản Minh Phú cho biết nguyên nhân là do dự phòng tổn thất vào các công ty con sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm. 

Tại thời điểm cuối quý IV/2024, Minh Phú trích lập dự phòng đầu tư tài chính ngắn hạn tới 1.590 tỷ đồng (tăng thêm hơn 321 tỷ sau một năm). Trong đó, công ty trích lập 793 tỷ đồng khi đầu tư vào Công ty TNHH Nuôi trồng thuỷ sản Minh Phú – Lộc An; trích lập dự phòng 646 tỷ đồng vào Công ty TNHH Thuỷ sản Minh Phú Kiên Giang; trí,...

Giá tôm thương phẩm biến động và hai vụ kiện từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khiến ngành tôm "hao tổn sức lực". (Ảnh minh hoạ: Bộ Công Thương).

Đối với CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), năm 2024, công ty đã xuất bán hơn 22.000 tấn thủy sản, qua đó ghi nhận doanh thu khoảng 6.913tỷ đồng, không chỉ tăng 36% so với cùng kỳ mà còn thiết lập kỷ lục mới, vượt qua mốc cao nhất từng đạt được vào năm 2022 là 5.700 tỷ đồng. Lãi ròng cả năm đạt 306 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023 và chỉ kém một chút so với mức đỉnh 309 tỷ đồng cách đây 2 năm. 

Năm 2024, Sao Ta đặt mục tiêu doanh số 210 triệu USD và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 320 tỷ đồng. Với kết quả lãi trước thuế 421 tỷ đồng, công ty đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm.

Kết quả này có được một phần đến từ chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 

Trong Thư gửi cổ đông đầu năm, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Sao Ta đánh giá năm 2024 là một năm đầy thách thức khi giá tôm thương phẩm tăng cao từ quý III do cung cầu trong nước trong khi giá bán ra thế giới duy trì ở mức trung bình thấp. 

Theo ông Lực, tình hình giá tôm thương phẩm biến động khiến không ít doanh nghiệp tôm gặp khó. Doanh nghiệp nào có chiến lược bền vững, có sách lược cho từng bước đi phù hợp thì còn cầm cự, còn có lãi. Còn công ty nào sơ suất sẽ rơi vào tình thế khó khăn ngay, dù đơn vị đó là nhỏ hay lớn… 

Sao Ta nói riêng, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam nói chung còn chịu áp lực từ hai vụ kiện điều tra thuế chống bán phá giá tôm (AD) và điều tra chống trợ cấp (CVD) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Chủ tịch Sao Ta cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Năm qua, tôm nuôi của công ty có sản lượng tốt nhưng kích cỡ nhỏ, giá thấp, và chi phí tăng do phải chăm sóc ao tôm kỹ hơn nhằm ngăng ngừa dịch bệnh. Mặt khác, vụ kiện AD và CVD diễn biến bất ngờ khiến công ty chưa thể xử lý khoản tiền trích dự phòng thuế AD năm 2023 (38 tỷ đồng) và phải nộp trích dự phòng thuế CVD cho năm 2024 (khoảng 10 tỷ đồng). Hai khoản tiền này làm giảm lợi nhuận ngoài dự kiến”, ông Hồ Quốc Lực nói. 

Bù lại, hoạt động kinh doanh của công ty con - Thực phẩm Khang An (Thực phẩm Sao Ta chi phối 51,54% vốn) bất ngờ tăng tốc, giúp lợi nhuận hợp nhất của công ty vẫn vượt 20% kế hoạch năm 2024. 

Năm 2025, xuất khẩu tôm được dự báo tiếp tục gặp nhiều thách thức, đặc biệt là thị trường Mỹ với chính quyền Trump 2.0. Dù vậy, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng điều này không quá bất lợi, đồng thời dự đoán khả năng cạnh tranh giữa các nguồn cung lớn như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam vào Mỹ hầu như không chịu tác động nếu tất cả đều bị đánh thuế 10%. 

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính. Chú thích: (*) Báo cáo tài chính công ty mẹ.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính. Chú thích: (*) Báo cáo tài chính công ty mẹ. 

Mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản năm 2025 11 tỷ USD

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 10 tỷ USD. Sang năm 2025, ngành hàng này đặt mục tiêu khá khiêm tốn với 11 tỷ USD.

Theo Cục Thủy sản, năm 2025, Việt Nam sẽ không mở rộng diện tích nuôi tôm và cá tra mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Việc cải thiện chế biến sâu để kéo dài chuỗi giá trị và hạn chế phụ phẩm sẽ là chiến lược trọng tâm để gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản. Đồng thời, ngành thủy sản sẽ đẩy mạnh đa dạng hóa các đối tượng nuôi như lươn, cá rô phi, rong biển và nhuyễn thể. 

 Nguồn: Tổng hợp từ Tổng Cục Thống kê.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2025 sẽ là năm triển vọng để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường mục tiêu và tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Trung Đông. 

Theo dự báo, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục ổn định và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025, mang lại cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam. Trong năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đã đạt mức tăng trưởng 16%, đạt trên 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, thách thức lớn đến từ chính sách thuế quan của chính quyền mới và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển.

Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường trọng điểm nhưng cũng đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ thị trường nội địa và các nước xuất khẩu như Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể gia tăng thị phần tại Mỹ khi Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại và thuế quan.

ASEAN đang được dự báo là khu vực dẫn đầu trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2025, dù có sự cạnh tranh từ các quốc gia lớn. Đây vẫn là thị trường khả quan cho thủy sản Việt Nam, mặc dù có sự suy giảm của tầng lớp trung lưu tại Indonesia và khó khăn trong phục hồi kinh tế của Thái Lan.

Ngoài ra, Trung Đông, dù chiếm ít hơn 4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng lại là một thị trường đầy triển vọng. Nhu cầu thủy sản ở các quốc gia như UAE, Ả Rập Saudi, Qatar và Kuwait đang gia tăng nhanh chóng.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, các yếu tố như giá thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thủy sản. Điều này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chiến tranh thương mại cũng là rào cản thị trường cho xuất khẩu thủy sản năm nay. Chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể gây ra những xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến thay đổi trong giá cả nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển, từ đó tác động đến giá xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thẻ vàng IUU, các biện pháp bảo vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc các quy định khắt khe về chất lượng và môi trường có thể làm tăng chi phí, giảm nguồn cung, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Ngoài ra, những biến động địa chính trị có thể ảnh hưởng đáng kể đến thương mại thủy sản của Việt Nam, vì ngành thủy sản đóng một vai trò quan trọng trong xuất khẩu và nền kinh tế quốc gia. Các yếu tố địa chính trị có thể tác động theo nhiều cách khác nhau, từ thay đổi trong chính sách thương mại đến những căng thẳng trong khu vực có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Minh Hằng

CEO REE: 'Khó khăn nhất là quy trình cấp phép, có dự án điện rác ba năm vẫn chưa được thông qua'
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc REE, ngoài điều kiện về PPA và DPPA, việc khó khăn nhất hiện nay là quy trình cấp phép. Ở địa bàn Trà Vinh và TP HCM, REE có dự án xử lý rác, tận dụng nhiệt để phát điện, nhưng ba năm vẫn chưa thông qua được.