|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp chăn nuôi phất cao khi giá heo lập đỉnh, riêng heo ăn chuối của bầu Đức ngậm ngùi báo lỗ

13:33 | 11/02/2025
Chia sẻ
Nhờ chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức thấp, trong khi giá heo hơi biến động đi lên do thiếu nguồn cung nên các công ty như Dabaco, Nông nghiệp BaF,... đã tận dụng được cơ hội để gia tăng đàn, nhờ đó có lợi nhuận cả năm tăng trưởng đột biến so với 2023.

Khác với năm 2023, thị trường heo hơi đã có một năm khởi sắc. Từ mốc dưới 50.000 đồng/kg, giá heo hơi tăng vọt trong nửa đầu năm, chạm đỉnh 68.200 đồng/kg vào trung tuần tháng 6/2024. Đà tăng sau đó chững lại, quay đầu giảm về khoảng hơn 61.000 đồng/kg tại tháng 11, rồi lại bật tăng trong tháng 12. Những ngày cuối năm, giá heo hơi tăng từng ngày, xấp xỉ chạm mốc 70.000 đồng/kg.

Tính chung năm 2024, giá heo hơi trong nước đã tăng mạnh 31 – 35% ở cả 3 miền. Nguyên nhân chủ yếu được cho là nhờ câu chuyện về nguồn cung thiếu hụt, thúc đẩy từ nhiều yếu tố như dịch bệnh, thiên tai, và Luật chăn nuôi 2025.

 

Giá heo hơi cải thiện trong năm 2024 đã giúp tô hồng thêm bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi trên sàn chứng khoán. Thế nhưng đi sâu hơn, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được thời cơ đó.

Lợi nhuận doanh nghiệp phất cao nhờ giá heo hơi

Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) giải thích về kết quả kinh doanh tăng tới 37 lần trong quý cuối năm là nhờ giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu ổn định. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi tăng.

Ngoài ra, giá heo hơi duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm kết hợp với việc các công ty chăn nuôi thuộc tập đoàn làm tốt công tác an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã giúp tập đoàn báo lãi cao.

Trong quý IV/2024, tập đoàn chăn nuôi này đạt gần 239 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 37 lần so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu thuần hợp nhất hơn 3.611 tỷ đồng, tăng 38%.

Luỹ kế cả năm 2024, Dabaco ghi nhận hơn 13.573 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22% so với năm 2023, và lãi sau thuế tăng gấp gần 31 lần, đạt 769 tỷ đồng. Qua đó, Dabaco vượt 5% mục tiêu lợi nhuận năm đã đề ra. Tuy nhiên mức lãi này thấp hơn so với giai đoạn 2020 - 2022 của Dabaco.

Ngoài kết quả lợi nhuận hồi phục, biên lãi gộp của mảng hoạt động chính của tập đoàn cũng cải thiện từ 9,9% năm 2023 lên hơn 14% trong năm vừa rồi.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Tương tự, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (Mã: BAF) cũng đã tranh thủ cơ hội giá heo hơi tăng để tái đàn từ sớm giúp công ty có lãi trở lại trong quý IV/2024 với 109 tỷ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp đang có 36 trang trại đang vận hành, gồm 8 trại mới đưa vào vận hành trong năm vừa qua, đồng thời đã M&A tổng cộng 12 trại mới từ đầu năm để đẩy nhanh quy mô đàn.

Phía công ty cho rằng trên thực tế, ngay cả các đơn vị chăn nuôi công nghiệp cũng rơi vào tình trạng thiếu heo trong năm vừa qua, nên cơ hội sẽ đến với những bên có sẵn nguồn cung. Trong bối cảnh nguồn cung heo đang hạn chế và giá heo ngày càng leo thang, BAF vẫn bám sát định hướng mở rộng quy mô.

Lũy kế năm 2024, Nông nghiệp BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.554 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 324 tỷ đồng, tăng tới 980%.

Một doanh nghiệp khác có sự chuyển biến mạnh mẽ là CTCP Masan MeatLife (Mã: MML). Sau ba năm liên tục thua lỗ, năm 2024 công ty đã chính thức có lãi.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, doanh thu thuần của công ty đạt 7.650 tỷ đồng, tăng gần 10%, chủ yếu nhờ tăng trưởng ở mảng thịt ủ mát MEATDeli và thịt chế biến, trong khi doanh thu từ mảng trang trại giảm 7%.

Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ 14,3% lên 25,6% nhờ tối ưu chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, công ty chuyển từ lỗ 540 tỷ đồng sang lãi 25 tỷ đồng năm 2024. Dù vậy tính đến hết tháng 12/2024, công ty lỗ luỹ kế hơn 1.041 tỷ đồng.

Trong năm qua, Masan MEATLife đang thực hiện tái cấu trúc mảng trang trại để chuyển trọng tâm sang hoạt động kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng. 

Trong khi đó, CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan - Mã VSN) đơn vị cung ứng thịt heo lớn nhất cho TP HCM năm vừa qua cũng ít nhiều bị tác động bởi giá heo hơi neo cao. Điều này đã được ban lãnh đạo dự báo và lo ngại tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 4/2024.

Cả năm, công ty này ghi nhận doanh thu thuần giảm 6% về 3.137 tỷ đồng. Nhờ kiểm soát tốt chi phí hoạt động nên lợi nhuận sau thuế nhích nhẹ 3% lên 111 tỷ đồng.

Riêng trong quý IV, doanh nghiệp có doanh thu thuần tăng 1% và lợi nhuận sau thuế tăng 10%.

Kết quả kinh doanh quý IV/2024 của các đơn vị chăn nuôi. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Kết quả kinh doanh năm 2024 của các đơn vị chăn nuôi. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) chính thức bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2015 và hiện đang sở hữu các trang trại chăn nuôi heo, bò Úc, trứng gà và nhà máy thức ăn chăn nuôi. Trong lĩnh vực chăn nuôi heo, Hòa Phát sở hữu hệ thống trang trại tại các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Bình Phước, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Hải Phòng. 

Dù là "tay ngang" nhưng tập đoàn cũng ghi nhận bức tranh kinh doanh năm 2024 sáng sủa trong mảng nông nghiệp với 7.081 tỷ doanh thu, tăng 12% so với 2023 và 1.038 tỷ lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ. Nông nghiệp đóng góp lớn thứ hai sau thép vào kết quả kinh doanh của tập đoàn với tỷ trọng 5% doanh thu và 8% lợi nhuận tập đoàn.

Hiện tại Tập đoàn Hòa Phát đang sở hữu các trang trại chăn nuôi heo, bò Úc, trứng gà và nhà máy thức ăn chăn nuôi. (Ảnh minh họa: Hòa Phát).

HAGL của bầu Đức ngậm "trái đắng"

Bất chấp giá heo hơi đã tăng nóng trong tháng cuối năm, mảng heo của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) ghi nhận doanh thu bán heo trong quý cuối năm sụt tới 66% còn 159 tỷ và lợi nhuận gộp từ mảng này âm 48 tỷ trong quý IV vừa qua. Kể từ khi có doanh thu từ bán heo (quý IV/2020), đây là quý thứ hai HAGL thua lỗ từ mảng này (cùng với quý IV/2022).

Lũy kế cả năm, mảng chăn nuôi heo của HAGL mang lại doanh thu 1.004 tỷ đồng, giảm tới 960 tỷ đồng so với năm 2023. Trừ đi chi phí, lãi gộp mảng này chỉ đạt 92 tỷ đồng. 

Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của HAGL.

Mảng "cứu cánh" cho hoạt động kinh doanh chính của HAGL trong quý cuối năm là nhờ nguồn thu từ trái cây (chủ lực là chuối và sầu riêng) với doanh thu 1.248 tỷ, gấp 1,8 lần cùng kỳ và ghi nhận biên lãi gộp tới 43,3%. 

Kết quả quý IV, doanh nghiệp của bầu Đức báo lãi sau thuế 205 tỷ, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2023 do quý IV/2023 HAGL ghi nhận chi phí tài chính dương nhờ khoản lãi vay được miễn giảm hơn 1.420 tỷ.

Luỹ kế năm 2024, HAGL đạt 5.694 tỷ doanh thu thuần, 1.057 tỷ lãi sau thuế; giảm lần lượt 12% và 41% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.010 tỷ cả năm, bằng 61% cùng kỳ. 

Nguồn cung nửa đầu 2025 sẽ thiếu hụt, giá heo hơi vẫn neo mức cao

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dự báo năm 2025, tiêu thụ thịt heo tại Việt Nam có thể đạt 4 triệu tấn, tăng 3,3% so với năm trước. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước có thể đối mặt thách thức do dịch bệnh và chi phí tái đàn cao. Giá heo hơi được dự báo duy trì ở mức 65.000 - 75.000 đồng/kg đến hết nửa đầu năm 2025.

Cùng chung nhận định, phía Nông nghiệp BaF cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh và Luật chăn nuôi sẽ tiếp tục khiến nguồn cung heo bị giới hạn. “Nhiều đơn vị nhập đàn heo cụ, kỵ về vào đầu năm 2024, mà để ra heo thương phẩm phải mất 2,5 - 3 năm, đồng nghĩa họ sẽ chưa thể tham gia thị trường quá mạnh trong năm tới. Cơ bản, trong 6 tháng đầu năm, nguồn cung sẽ bị thiếu”.

Rủi ro lớn nhất hiện tại là giá heo trong nước đang có độ chênh khá lớn với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… dao động quanh 13.000 – 14.000 đồng/kg, qua đó làm tăng rủi ro nhập lậu. Tuy vậy, doanh nghiệp cho rằng cơ quan Nhà nước đang làm rất gắt gao để hạn chế.

Tới sau tháng 6/2025, giá heo được dự báo có thể dao động từ 65.000 – 70.000 đồng/kg do đàn nái từ các bên (doanh nghiệp, nông hộ…) đã đẻ, làm tăng nguồn cung. Nhìn chung, giá heo hơi cả năm được dự báo sẽ xoay quanh mức này. Dù vậy, trường hợp nhà chức trách cho phép nhập khẩu thịt đông lạnh, mức giá có thể hạ nhiệt. 

Tương tự, các chuyên gia phân tích từ Chứng khoán MB (MBS), chu kỳ tăng giá thịt heo là động lực tăng trưởng chính cho lợi nhuận ròng giai đoạn 2024 - 2026 của các doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, giá heo hơi sẽ duy trì ở mức nền cao cho đến giữa năm 2025 trước khi giảm nhẹ và duy trì trong năm 2026 khi nguồn cung dần ổn định trở lại.

Cụm trang trại xanh hiện đại nuôi heo công nghệ cao Hải Đăng của Nông nghiệp BaF tại Tây Ninh vừa được khánh thành tháng 3/2024. Đây là cụm siêu trang trại có quy mô lớn nhất của BAF từ trước đến nay, công suất 5.000 lợn nái và 60.000 thịt. (Ảnh: BaF).

Hiện tại, các doanh nghiệp như Nông nghiệp BaF và Dabaco đã chuẩn bị để mở rộng thị phần, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Chỉ trong tháng 11/2024, BaF đã thâu tóm thêm 7 công ty chăn nuôi và dự kiến xây thêm 15 trang trại trong năm 2025.

Công ty đặt mục tiêu nâng tổng đàn lên mức 100.000 heo nái vào năm 2025 (tăng hơn 30%), lên 185.000 heo nái vào năm 2026 (tăng 85%), và vào khoảng 260.000 heo nái vào năm 2027 (tăng 40,5%). Đến năm 2030, công ty đặt mục tiêu sẽ có 102 trang trại với tổng đàn nái 450.000 con. 

Với Dabaco, với hệ thống 45 trang trại chăn nuôi gia công lợn thịt tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Hải Dương, công ty dự kiến xây dựng 2 trang trại mới ở Thái Nguyên và Hòa Bình với quy mô 5.000 heo nái mỗi trang trại.

Minh Hằng

Quyết định của ông Trump tác động ra sao đến triển vọng cổ phiếu thép?
Theo một số nhà phân tích trong nước, thị trường Mỹ chiếm khoảng 13% khối lượng xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2024, nên mức thuế mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các công ty niêm yết. Trong khi đó, triển vọng với ngành thép năm 2025 vẫn tương đối tích cực.