Lợi nhuận loạt doanh nghiệp chăn nuôi sa sút vì gánh nặng chi phí đầu vào
Gánh nặng chi phí đầu vào, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp lao dốc
Sau khi rơi xuống vùng đáy 33.000 đồng/kg vào tháng 10/2021, thị trường heo hơi nửa đầu năm 2022 đã dần phục hồi và sôi động trở lại. Dù vậy, mặt bằng chung giá heo vẫn nằm trong khoảng 50.000 – 55.000 đồng/kg, giảm 30-35% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá heo hơi vẫn ở mức thấp trong khi chi phí đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi liên tục lập đỉnh khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi vẫn nhuốm màu ảm đạm.
Điển hình như CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) vừa công bố doanh thu thuần trong quý II đạt 2.966 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Dabaco giảm tới 93% còn hơn 14 tỷ đồng. Đây là quý thứ 2 liên tiếp, Dabaco ghi nhận lợi nhuận trượt dốc.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 5.722 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế lại suy giảm 96%, xuống còn 23 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh nghiệp nâng mục tiêu tổng doanh thu lên 22.558 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 918 tỷ đồng. Như vậy sau nửa đầu năm, Dabaco mới đạt 26% kế hoạch doanh thu và khoảng 3% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tập đoàn lý giải cho biết trong quý II và nửa đầu năm nói chung, dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi bùng phát trên nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn.
Bên cạnh đó, tình hình chính trị phức tạp trên thế giới, chiến tranh giữa Nga và Ukraine gây biến động lớn tới giá cả nguyên vật liệu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cũng như các doanh nghiệp trong ngành, công ty phải đối mặt với các khó khăn do chi phí sản xuất, giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi thời điểm đầu quý II không tăng đáng kể.
Tương tự, CTCP Masan MeatLife’s (Mã: MML) cũng ghi nhận doanh thu thuần trong quý II giảm tới 82%, xuống còn 1.010 tỷ đồng; lỗ sau thuế khoảng 210 tỷ đồng trong khi quý II/2021 lãi sau thuế 142 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần của Masan MeatLife’s đạt 1.941 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận sau thuế khiêm tốn ở mức 33 tỷ đồng, giảm 88%.
Kết quả kinh doanh của Masan MeatLife’s có biến chuyển lớn do nhà sản xuất thịt mát này đã chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu hoàn toàn đến từ mảng kinh doanh thịt.
Do đó, nếu loại trừ doanh thu đến từ mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần của MML chỉ giảm 6,1% do giá thịt heo giảm, được bù đắp bởi lượng hàng bán ra cao hơn của mảng thịt heo.
Năm 2022, Masan MeatLife’s đặt mục tiêu doanh thu khoảng 5.000 – 6.000 tỷ đồng, trong đó không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi. Như vậy, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã thực hiện được 32 – 39% kế hoạch doanh thu.
Không nằm ngoài vòng xoáy, CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, Mã: VSN) cũng vừa khép lại quý II với doanh thu thuần khoảng 911 tỷ đồng, giảm 3,5% so với quý trước và giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng chỉ đạt hơn 30 tỷ đồng, giảm 16% so với quý I và giảm 22% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vissan đạt 1.856 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 83 tỷ đồng, giảm 11%; lợi nhuận sau thuế đạt 66,5 tỷ đồng, giảm 13%.
Với kết quả này, Vissan mới thực hiện được 37% kế hoạch doanh thu năm 2022 và 48% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Lý giải việc kết quả kinh doanh đi lùi, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vissan cho biết dù dịch COVID-19 đã lắng xuống nhưng nhu cầu tiêu thụ của người dân vẫn còn yếu, mỗi ngày Vissan tiêu thụ khoảng 500 – 600 con heo, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu tháng 7, giá heo đã tăng tới 35-40% nhưng giá thịt bán ra mới nhích lên khoảng 10%. Trong khi đó, 90% nguồn heo đầu vào Vissan phải nhập của các công ty liên kết, doanh nghiệp chỉ chủ động 10% nguyên liệu tươi và chế biến.
Giá đầu vào liên tục tăng trong khi giá thịt và sản phẩm chế biến bán ra không theo kịp ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận doanh nghiệp. Theo đó, biên lợi nhuận của Vissan đã có hai quý giảm liên tiếp, từ mức 25,9% vào quý IV/2021 xuống 24,8% vào quý I và 23,6% vào quý II.
“Chúng tôi buộc phải tăng giá sản phẩm khoảng 10% nhưng cũng không bù lại được nhiều so với đầu vào”, ông An nói.
Biên lợi nhuận mảng heo của HAGL giảm sâu quý II
Ngược dòng với Dabaco, Vissan, Masan MeatLife’s, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, Mã: HAG) lại ghi nhận doanh thu thuần quý II tăng 127%, lên mức 1.233 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu từ bán thịt heo mang về 260 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 21% tổng doanh thu. Lợi nhuận gộp từ bán heo là 66 tỷ, gấp 2,3 lần quý II/2021 và biên lợi nhuận gộp đạt 25,4%.
Chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ âm 782 tỷ đồng do hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu, trong khi quý II/2021 ở mức âm 225 tỷ. Điều này không những giúp HAGL thoát lỗ mà còn ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II của HAGL tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ lên 273 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của HAGL đạt 2.036 tỷ đồng, tăng 151% so với cùng kỳ năm 2021; lãi sau thuế khoảng 531 tỷ đồng, gấp 64 lần. Tuy nhiên, biên lãi gộp của công ty chỉ đạt 28,7%, giảm 13,8 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.Năm 2022, HAGL kỳ vọng doanh thu đạt 4.820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.120 tỷ đồng. Kế thúc nửa chặng đường, công ty đã hoàn thành 42% doanh thu và 47% lợi nhuận cả năm.
Trong thư gửi cổ đông hồi giữa tháng 7, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL lý giải nửa đầu năm, giá xuất khẩu chuối rơi vào chu kỳ thấp nhất trong năm chỉ còn bình quân 6,5 - 8,5 USD/thùng kéo dài trong hai tháng gần đây và giá bán heo bình quân cũng trong khoảng 53.000 - 55.000 đồng/kg, đúng như kế hoạch đầu năm.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng còn thấp, chi phí đầu vào cao, biên lợi nhuận sa sút là câu chuyện chung của ngành chăn nuôi.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, biên lợi nhuận gộp mảng heo của Masan MeatLife's đạt 17,6%, giảm 27,3 điểm % so với mức 44,9% của quý II/2021 do doanh nghiệp phụ thuộc một phần nguyên liệu, đầu vào heo hơi của bên thứ ba.
Bầu Đức cho rằng từ nay đến cuối năm, khi giá bán chuối đi vào chu kỳ cao nhất trong năm khoảng từ tháng 9 trở đi và giá bán heo tiếp tục tăng cao như hiện nay (tăng 20% so với kế hoạch).
“HAGL dự kiến 6 tháng cuối năm, sản lượng heo xuất bán dự kiến tăng gấp đôi so với lượng đã tiêu thụ trong nửa đầu năm. Điều này có thể giúp công ty sẽ sớm đạt được kế hoạch đề ra cho cả năm và có thể vượt 20 - 30% mục tiêu”, bầu Đức nói.
Doanh nghiệp đặt "ngôi sao hy vọng" vào nửa cuối năm
Nếu như nửa đầu năm 2022, giá heo đi ngang, thức ăn chăn nuôi phi mã thì bước sang tháng 7, tình thế đã đảo ngược.
Trung tuần tháng 7, giá heo hơi đã có bước nhảy vọt lên mốc 70.000 – 75.000 đồng/kg, sau đó chững lại ở mức 66.000 – 67.000 đồng/kg, tăng 30-35% so với đầu năm.
Chứng khoán VNDirect cho rằng giá heo tăng bật do nguồn cung thiếu hụt ở một số tỉnh bùng dịch tả heo châu Phi trong quý I. Ngoài ra, áp lực chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao cùng với tác động của thị trường Trung Quốc cũng giúp thị trường heo hơi ở Việt Nam sôi động hơn.
VNDirect dự báo giá heo có thể chạm mốc 80.000 đồng/kg vào quý III. Tuy nhiên, đà tăng này có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn và sớm hạ nhiệt vào quý IV.
Bởi thời gian gần đây, Chính phủ đang theo dõi sát diễn biến giá thịt heo trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Giá thịt đóng góp khoảng 4% vào CPI của Việt Nam.
Với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2022, Chính phủ sẽ áp dụng một số biện pháp bình ổn trong trường hợp giá thịt heo tăng quá nhanh. Mặt khác, cho đến thời điểm này, tổng đàn heo cả nước vẫn ổn định trong mức 28 triệu con.
Do vậy, VNDirect dự báo bình quân giá heo trong nửa cuối năm khoảng 65.500 đồng/kg, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, cả năm 2022 sẽ dao động trong mức 60.000 đồng/kg, giảm 3%.
Cũng trong báo cáo này, VNDirect cho biết đến cuối tháng 6, giá lúa mì thế giới giảm 11,6% sau khi đạt mức cao kỷ lục trong 5 năm vào tháng 5. Trong khi đó, giá ngô và đậu tương vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá đã chậm lại so với đầu quý II.
Dựa trên dự báo giá hàng hóa toàn cầu cả năm của World bank, VNDirect kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm nhẹ khoảng 6-10% trong 6 tháng cuối năm 2022.
Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao trong quý III và hạ nhiệt dần trong quý IV.
Sau thời gian dài gồng gánh giá thức ăn chăn nuôi, thông tin này như “ngôi sao hy vọng” với các ông lớn trong ngành, đặc biệt là Dabaco và HAGL.
Theo đó, Dabaco hiện đang sở hữu 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việc tự chủ được nguồn thức ăn chăn nuôi sẽ giúp công ty giảm áp lực tăng chi phí đầu vào và hưởng lợi từ giá heo hơi tăng trong 6 tháng cuối năm.
VNDirect cho rằng kỳ vọng biên lợi nhuận gộp trong quý III sẽ phục hồi đáng kể so với quý trước nhờ giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt và giá heo hơi tăng cao từ giữa tháng 6.
Còn với HAGL, doanh nghiệp này đang tận dụng sản lượng chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ mảng kinh doanh trái cây để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Chuối sấy thành bột (cung cấp đạm cho heo) chiếm 40% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu (ngô, đậu tương) chiếm 60%.
Do đó, HAGL có giá vốn hàng bán khoảng 38.000 đồng/kg, thấp hơn so với các đối thủ như Dabaco, Masan MeatLife’s. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này trong quý III được dự báo sẽ tăng rõ rệt nhờ chi phí đầu vào thấp nhất trong số các nhà sản xuất thịt niêm yết.
Trong khi Dabaco, HAGL chủ động hầu hết các khâu trong chuỗi thì Masan MeatLife’s và Vissan vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu heo của trang trạng liên kết. Do đó, hai doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi ít hơn.
VNDirect ước tính Masan Meatlife’s vẫn phải chịu áp lực chi phí bởi 40% thịt heo đầu vào của doanh nghiệp này được nhập từ bên thứ ba.
Tuy nhiên, Masan Meatlife’s có khả năng chuyển chi phí đầu vào tăng sang người tiêu dùng và tăng giá bán lẻ thông qua đa dạng hóa sản phẩm. Do đó, VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của công ty sẽ cải thiện nhẹ 1-2% trong quý III nhờ giá bán lẻ tăng sẽ bù đắp cho giá heo hơi đầu vào tăng.
Còn Vissan thì hiện không tự chủ hoàn toàn cả nguồn thức ăn chăn nuôi và heo. Do đó, giá heo hơi tăng sẽ giúp công ty bù đắp được phần nào chi phí đầu vào.