|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo đi lên, vì sao kết quả kinh doanh Vissan đi lùi?

10:06 | 29/07/2022
Chia sẻ
6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vissan đạt 1.856 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 66,5 tỷ đồng, giảm 13% do giá heo, nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi sức mua của người tiêu dùng còn yếu.

Lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh vì chi phí đầu vào cao

Sau khi bật tăng lên mốc 70.000 – 75.000 đồng/kg, giá heo hơi có xu hướng chững lại trong vòng một tuần gần đây. Hiện, giá heo ba miền đang ở mức 66.500 – 69.000 đồng/kg, tăng 35-40% so với đầu năm.

(Số liệu tổng hợp, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Giá heo khởi sắc so với đầu năm nhưng kết quả kinh doanh của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, Mã: VSN), doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối thịt heo lại đi xuống.

Theo đó, doanh thu thuần quý II của doanh nghiệp này đạt 911 tỷ đồng, giảm 3,5% so với quý trước và giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng chỉ đạt hơn 30 tỷ đồng, giảm 16% so với quý I và giảm 22% so với cùng kỳ.

 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vissan đạt 1.856 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 83 tỷ đồng, giảm 11%; lợi nhuận sau thuế đạt 66,5 tỷ đồng, giảm 13%.

Với kết quả này, Vissan mới thực hiện được 37% kế hoạch doanh thu năm 2022 và 48% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Lý giải việc giá heo tăng, kết quả kinh doanh đi lùi, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vissan cho biết dù dịch COVID-19 đã lắng xuống nhưng nhu cầu tiêu thụ của người dân vẫn còn yếu, mỗi ngày Vissan tiêu thụ khoảng 500 – 600 con heo, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu tháng 7, giá heo đã tăng tới 35-40% nhưng giá thịt bán ra mới nhích lên khoảng 10%. Trong khi đó, 90% nguồn heo đầu vào Vissan phải nhập của các công ty liên kết, doanh nghiệp chỉ chủ động 10% nguyên liệu tươi và chế biến.

Giá đầu vào liên tục tăng trong khi giá thịt và sản phẩm chế biến bán ra không theo kịp ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận doanh nghiệp.

Cụ thể, biên lợi nhuận của Vissan đã có hai quý giảm liên tiếp, từ mức 25,9% vào quý IV/2021 xuống 24,8% vào quý I và 23,6% vào quý II.

 

“Chúng tôi buộc phải tăng giá sản phẩm khoảng 10% nhưng cũng không bù lại được nhiều so với đầu vào.

Vissan là doanh nghiệp bình ổn nên chúng tôi không tăng giá sốc, mỗi lần điều chỉnh giá tăng cần phải tính toán rất kỹ. Bởi nếu tăng giá cao và nhanh, sản lượng tiêu thụ, thị phần sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, công ty sẽ nương theo sức mua của thị trường để thay đổi giá bán cho phù hợp, cân đối giữa doanh thu và lợi nhuận”, ông An nói.

Tổng giám đốc Vissan thừa nhận đôi khi cũng thấy doanh nghiệp theo chương trình bình ổn giá cũng có thiệt thòi nhưng nghĩ lại doanh nghiệp được nhiều hơn mất. Bởi việc giữ giá cả hàng hóa ổn định sẽ giúp người tiêu dùng biết đến Vissan nhiều hơn, xây dựng thương hiệu theo hướng bền vững.

Trong bối cảnh hậu COVID-19, lạm phát, vật giá đều leo thang trong khi thu nhập của người lao động vẫn còn hạn chế, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao cho cả các sản phẩm thiết yếu. Việc giữ giá thịt heo ổn định cũng là cách Vissan chia sẻ với người tiêu dùng.

Doanh nghiệp đặt cược vào thị trường nửa cuối năm

6 tháng đầu năm, thị trường heo hơi trầm lắng khiến kết quả kinh doanh của Vissan không đạt được như kỳ vọng.

Tại ĐHĐCĐ năm 2022, Vissan đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 9% về mức 170 tỷ đồng. Để có thể về đích như mục tiêu đề ra, Vissan phải đánh cược vào thị trường nửa cuối năm.

Ông Nguyễn Ngọc An nhận định ở chu kỳ tăng, giá heo đến cuối năm sẽ ổn định trong mức 65.000 – 70.000 đồng/kg. So với giá thành sản xuất 55.000 đồng/kg trong 6 tháng đầu năm, đây là mức giá để doanh nghiệp này có lãi.

Tuy nhiên, ông An vẫn lo lắng về những yếu tố biến động như căng thẳng Nga – Ukraine, lạm phát toàn cầu sẽ khiến thị trường ngũ cốc đảo lộn, giá thức ăn tiếp tục leo thang.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đầu tháng 7, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm 0,3 - 5,5% so với tháng 6 nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng 0,3 - 1,4% do một số doanh nghiệp chưa tăng giá trong tháng 5, 6 phải sử dụng nguyên liệu thức ăn giá cao nhập trước đó. Đến cuối tháng 7, giá thức ăn chăn nuôi đã có 6 đợt tăng liên tiếp kể từ đầu năm.

Dù giá nguyên liệu hạ nhiệt, đại diện Vissan thông tin cho đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thông báo điều chỉnh giá của các doanh nghiệp cung cấp thức ăn gia súc.

Một lo lắng khác của lãnh đạo Vissan là dịch bệnh trên động vật. Thực tế, Việt Nam đã sản xuất được vắc xin dịch tả heo châu Phi song lượng gia súc được phòng ngừa chưa nhiều, nguy cơ bùng phát dịch vẫn tiềm ẩn.

Ông An cho biết nếu doanh nghiệp quản lý được hai rủi ro trên và nắm bắt được thị trường nửa cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán thì doanh nghiệp mới có cơ hội về đích đúng như kế hoạch.

Bên cạnh đó, Vissan cũng đang đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chế biến, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất và quản trị, kiểm soát chi phí ở mức thấp nhất để cải thiện biên lợi nhuận, bù đắp cho mảng tươi sống.

 

Phạm Mơ