|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo đang đi lên, doanh nghiệp chủ động thức ăn chăn nuôi sẽ giành phần thắng

07:28 | 07/07/2022
Chia sẻ
Giá heo hơi ba miền đang khoảng 60.000 đồng/kg và có thể tăng 5-10% nữa trong quý III. Với mức giá này, người chăn nuôi đang ở mức hòa vốn, doanh nghiệp có lãi nhẹ. Phần thắng trong cuộc chơi này sẽ thuộc về những doanh nghiệp có thể làm chủ được thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.

Giá heo có thể tăng thêm 10% trong quý III

Vừa bước sang nửa cuối năm 2022, giá heo hơi ba miền đang tiến lên mốc 60.000 đồng/kg sau nhiều tháng đi ngang trong vùng 50.000 đồng/kg.

Cá biệt tại một số thủ phủ chăn nuôi như Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Phước... giá heo hơi hôm nay tăng vọt 4.000 - 5.000 đồng/kg, cao nhất khoảng 62.000 đồng/kg.

 (Số liệu tổng hợp, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Giá heo tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại nhờ các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy mở cửa trở lại.

Ngoài ra, việc giá thịt heo tại quốc gia đông dân số nhất thế giới đã tăng liên tục trong những tuần gần đây cũng tác động tích cực đến thị trường Việt Nam. Cụ thể, ngày 2/7, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc công bố giá thịt heo của nước này khoảng 24,5 nhân dân tệ/kg, tăng 12,9% so với cuối tháng 6, theo Global Times.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào phi mã theo xăng dầu nên tất yếu giá sản phẩm phải nhích lên.

“Tuy nhiên, đà tăng của giá heo hơi vẫn khá chậm và có thể chỉ tăng 5-10% nữa (tương đương 3.000 – 6.000 đồng/kg) trong quý III.

Ngay cả khi bước sang quý IV – thời điểm vàng của tiêu thụ thịt heo, giá heo cũng khó tạo ra bước nhảy vọt vì tổng đàn heo cả nước vẫn ổn định ở mức 28,2 triệu con, cung cấp khoảng 3,8 – 4 triệu tấn thịt/năm”, ông Trọng nói.

Dù nói cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường nhưng không thể phủ nhận dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, họ vẫn hạn chế với các hoạt động ăn uống ngoài gia đình nên lượng tiêu thụ thịt vẫn khó tăng nhanh. Mặt khác, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm, giá heo khó tăng bật.

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá thức ăn chăn nuôi có thể sẽ thiết lập mặt bằng giá mới nhưng giá đầu ra sản phẩm có thể sẽ khó làm được điều này.

Bởi, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn không muốn tăng giá, tranh việc người chăn nuôi nhỏ sẽ chăn nuôi ồ ạt trở lại và cạnh tranh trực tiếp với họ.

Ai làm chủ nguyên liệu, người đó sẽ thắng

Thực tế, giá heo hơi đã khởi sắc hơn so với đầu năm song mức tăng này vẫn chưa đuổi kịp chi phí đầu vào, khi giá thức ăn chăn nuôi đã có 6 đợt tăng liên tiếp.

Ông Nguyễn Kim Đoán cho biết trong chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi thường chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất. Tuy nhiên, 15 – 16 đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi từ năm 2020 đến nay đã đẩy tỷ trọng này lên 80%, khiến cả doanh nghiệp và nông dân đều méo mặt gồng gánh.

Ông Đoán cho rằng trước việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, giá heo vẫn ở mức thấp, việc hạ giá thành sản xuất là bài toán cân não với người chăn nuôi. Và trong cuộc chiến này, ai có thể làm chủ nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, người đó sẽ thắng.

Hiện, một số doanh nghiệp sử dụng phụ phẩm thay thế thức ăn chăn nuôi truyền thống để giảm giá thành chăn nuôi. 

Theo đó, CTCPHoàng Anh Gia Lai sử dụng chuối (một trong những mảng kinh doanh chính) kết hợp với đạm thực vật để làm thức ăn nuôi heo.

Hiện tại, doanh thu mảng chăn nuôi đem lại cho doanh nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai chiếm 22% tỷ trọng và mảng trái cây chiếm 59%. 

Mới đây, công ty này vừa công bố kết quả kinh doanh 5 tháng với doanh thu 1.475 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 431 tỷ đồng, thực hiện được lần lượt 31% và 38% kế hoạch năm 2022. Đáng chú ý, chỉ trong 5 tháng đầu năm, lãi sau thuế của Hoàng Anh Gia Lai đã gấp 3,4 lần mức 127 tỷ đồng của cả năm 2021.

Đến cuối tháng 5 đã hoàn thiện 9 cụm chuồng trại để duy trù nuôi hơn 27.000 con heo nái sinh sản và 600.000 con heo thịt xuất chuồng mỗi năm.

Trước đó tại ĐHĐCĐ, bầu Đức cho biết mảng cây ăn trái và chăn nuôi của doanh nghiệp này đang bổ trợ cho nhau.

Khoảng 200.000 tấn chuối không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu của HAGL sẽ được sấy khô, nghiền thành bột và phối trộn với đạm thực vật làm thức ăn cho heo. Việc này giúp chi phí nuôi heo của HAGL chỉ khoảng 38.000 đồng/kg. 

Do vậy với giá heo hơi hiện tại khoảng 55.000 – 60.000 đồng/kg, doanh nghiệp của bầu Đức vẫn có biên lợi nhuận tốt.

“Giá thức ăn cho heo tăng lên thì HAGL không ngại vì đã có chuối tươi của riêng công ty, khi mà giá vốn thức ăn chăn nuôi chiếm 75% giá thành. Giá thức ăn càng lên cao thì HAGL càng có lợi”, bầu Đức nói.

Không theo hướng “heo ăn chuối” như HAGL nhưng CTCP Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC) lại sở hữu nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Dù Dabaco phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài và chịu những biến động của thị trường thế giới nhưng vẫn ở thế chủ động hơn so với nông dân.

Riêng với mảng heo, ông Nguyễn Như So kỳ vọng giá heo năm 2022 trung bình khoảng 58.000 đồng/kg giúp các kế hoạch thành hiện thực.

Phạm Mơ