|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Vissan: Doanh thu quý I mới đạt 19% kế hoạch khi sức mua giảm, mục tiêu năm 2022 đối diện nhiều thách thức

15:28 | 21/04/2022
Chia sẻ
HĐQT Vissan cho biết năm 2022, tình hình hoạt động, kinh doanh của công ty sẽ tiếp tục chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan, minh chứng là kết quả kinh doanh quý I hụt 6% so với mục tiêu phân bổ 25% mỗi quý, khiến áp lực doanh thu và lợi nhuận cho các quý sau tăng cao.

Ngày 21/4, CTCP Kỹ nghệ súc sản (Vissan –Mã: VSN) tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2022.

Tại đại hội, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, cho biết năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra đường, giảm tần suất mua sắm, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao, thu nhập của người dân giảm kéo theo sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh.

Dịch COVID-19 còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tác động trực tiếp làm tăng giá nguyên vật liệu đầu vào và phát sinh nhiều chi phí trong công tác phòng chống dịch

Bên cạnh đó, mặc dù dịch tả heo châu Phi (ASF) cơ bản được khống chế nhưng tốc độ tái đàn chậm, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến giá heo hơi trung bình năm 2021 trên 62.000 đồng/kg, giá bán thịt heo duy trì ở mức cao, người dân cắt giảm tiêu dùng thịt heo trong bữa ăn hàng ngày.

 Các thành viên HĐQT Vissan tại  Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. (Ảnh: Như Huỳnh)

“Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đặc biệt trong quý III/2021 và việc áp dụng giãn cách, phong toả cùng hình thức “đi chợ hộ” khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm mạnh, đồng thời lượng lao động tham gia sản xuất thiếu hụt do phát sinh các trường hợp F0, F1 đã tác động chung làm sản lượng, doanh thu giảm so với cùng kỳ và không hoàn thành kế hoạch năm, cùng với việc giá nguyên liệu đầu vào tăng, phát sinh nhiều chi phí phòng chống dịch đã ảnh hưởng lợi nhuận công ty", ông An chia sẻ.

Theo kết quả kinh doanh được công bố, năm 2021 Vissan đạt gần 4.300 tỷ đồng doanh thu, giảm 16,5% so với năm trước đó và mới thực hiện được khoảng 84% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 186 tỷ đồng, tương đương 103% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm (180 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế giảm 10% về mức 148 tỷ đồng.

Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu của Vissan năm 2021 bao gồm thịt tươi sống (thịt heo, thịt bò) và thực phẩm chế biến. Trong đó sản lượng từ mảng thịt tươi sống đạt gần 15.400 tấn, trong đó phần lớn là từ thịt heo các loại, đạt hơn 14.600 tấn, giảm 17%, sản lượng thực phẩm chế biến đạt hơn 23.800 tấn, giảm 15% so với năm 2020.

 Nhiều chỉ tiêu năm 2021 của Vissan đều không hoàn thành. (Ảnh: Như Huỳnh)

Tiếp tục đối mặt nhiều thách thức trong năm 2022

Bước sang năm 2022, công ty đặt mục tiêu đạt 5.000 tỷ đồng tổng doanh thu năm 2022, tăng 16% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 9% về mức 170 tỷ đồng. Về sản lượng, dự kiến mặt hàng tươi sống tăng 20% lên gần 18.500 tấn và thực phẩm chế biến tăng 18% lên 28.000 tấn các loại.

Vissan sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi theo hướng 3F, hướng đến đáp ứng 20-30% nhu cầu của công ty trong dài hạn.

Đồng thời sẽ rà soát đề ra mô hình mới cho hoạt động kinh doanh ở chợ truyền thống để tăng tính cạnh tranh, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Đẩy mạnh công tác bán hàng online thông qua liên kết với các sàn thương mại điện tử, website. Tăng cường chiến lược sử dụng thịt mát cho ngành thực phẩm tươi sống phu hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan, cho rằng hoạt động của công ty sẽ tiếp tục chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan như xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine kéo dài khiến giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến người dân hạn chế mua sắm nơi công cộng, tâm lý thắt chặt chi tiêu làm cho sức mua của người tiêu dùng tiếp tục giữ ở mức thấp.

Đặc biệt, dịch bệnh trên đàn heo, đặc biệt là dịch ASF tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bùng phát ở một số địa phương có tổng đàn lớn, mật độ chăn nuôi cao dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong dài hạn.

Ngoài ra, đối thủ cạnh trạnh xuất hiện ngày càng nhiều với tiềm lực tài chính mạnh mẽ sẽ khiến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành ngày càng khốc liệt. Từ đó sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.  

Đưa dự án Di dời và đổi mới công nghệ nhà máy Long An về đúng tiến độ

Tại đại hội, HĐQT Vissan đã trình và được cổ đông chấp thuận việc rút dự án Di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm Vissan - Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Long An ra khỏi quy hoạch cụm công nghiệp chuyển thành dự án đầu tư trực tiếp với điều kiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đồng ý cho kế thừa toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án đã được phê duyệt và được tiếp tục triển khai dự án trên khu đất.

Lý do là UBND tỉnh Long An đã bãi bỏ quyết định thành lập đối với 3 dự án cụm công nghiệp, trong đó có cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan nhằm điều chỉnh từ đất khu công nghiệp thành đất sản xuất, kinh doanh.

Theo ban lãnh đạo Vissan, trong năm nay công ty sẽ tiếp tục triển khai thi công các hạng mục thuộc dự án theo đúng tiến độ, nhanh chóng đưa nhà máy sớm đi vào hoạt động.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.600 tỷ đồng, bao gồm 2 công trình là Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức tỉnh Long An có giá trị đầu tư hơn 1.307 tỷ đồng và công trình Văn phòng điều hành kinh doanh của công ty và các kho trung chuyển tại Khu công nghiệp Tân Tạo, có giá trị đầu tư gần 280 tỷ đồng. 

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đặc biệt do thủ tục phức tạp nên thời gian xem xét quyết định đầu tư kéo dài đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư.

Dự án mới hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán toàn bộ công trình và hồ sơ thiết kế công nghệ và dự toán dây chuyền giết mổ heo công suất 360 con/1 giờ. Ngoài ra đã hoàn thành thi công xây dựng hạng mục “Tường rào bao quanh khu đất và cổng tạm công trình”, hủy thầu đối với gói thầu “Tư vấn kiểm toán” và gói thầu “Thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật” theo chủ trương HĐQT. 

  Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua. (Ảnh: Như Huỳnh)

Thảo luận:

Công ty hãy cho biết tình hình kinh doanh trong quý I/2022 và kế hoạch quý II như thế nào?

- Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan: Con số ước tính cho thấy tình hình chung cực kỳ khó khăn, sau tết Nguyên đán và quý II/22 sức mua cực kỳ thấp, vừa qua Tết công ty đã tổ chức đánh giá, khảo sát thị trường cả kênh hiện đại, truyền thống, tại các địa bàn thành phố lớn và cả nông thôn, đặc biệt tại TP HCM, cho thấy trên kênh bán hàng hiện đại sức mua cực kỳ thấp, hàng tươi sống giảm đáng kể trên toàn thị trường, các tiểu thương tại chợ truyền thống hầu như đều bỏ quầy, bỏ sạp, trong tiểu thương phát sinh ngoài chợ phát triển mạnh đã ảnh hưởng hoạt động chung các doanh nghiệp mang tính chính quy.

Chúng tôi đã báo cáo và kiến nghị việc mất an toàn thực phẩm trên các điểm không có kiểm soát dịch bệnh, không rõ nguồn gốc và thời gian qua Ban an toàn thực phẩm đã vào cuộc và có động thái đánh giá, sẽ có giải pháp kiểm soát lại việc kinh doanh thịt tươi sống.

Theo đó, ước tính quý I năm nay công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu, chỉ đạt 19% kế hoạch năm, hụt 6% so với chỉ tiêu phân bổ đều là 25%/quý. Doanh thu quý I giảm nhiều nhất là mảng thịt tươi sống, còn thịt chế biến vẫn ổn định, lợi nhuận trước thuế chưa kiểm toán 45 tỷ, đạt 27% kế hoạch và so với cùng kỳ giảm 2%.

Như vậy, doanh thu chưa đạt được sẽ cộng dồn và chia đều cho 3 quý còn lại nên áp lực quý tiếp theo sẽ tăng cao, do đó, công ty sẽ cố gắng bám thị trường, sản xuất để đạt chỉ tiêu 3 quý còn lại.

Khi nào Vissan sẽ chia cổ tức cho cổ đông?

- Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan: HĐQT Vissan trình Đại hội cổ đông thông qua đề xuất không chi cổ tức năm 2021 do công ty đang thực hiện "Dự án di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm Vissan" và đầu tư máy móc thiết bị sản xuất năm 2022.

Việc thực hiện này đòi hỏi nguồn vốn đối ứng, bên cạnh đi vay công ty cũng cần khoản đối ứng. Hiện phần lợi nhuận để lại đến 31/12/2021 còn khoảng 196 tỷ đồng, cộng với quỹ đầu tư phát triển sản xuất khoảng 120 tỷ đồng thì cơ bản chúng ta tạm yên tâm.

Với chủ trương hiện nay mong cổ đông thông cảm việc "thắt lưng buộc bụng", nên việc chia cổ tức giữ lại để thực hiện dự án này.

Vì sao giá trị cổ phiếu VSN không tăng?

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan: Chúng ta là công ty đại chúng trên sàn UPCoM, chưa được niêm yết với có 3 cổ đông lớn chiếm hơn 90% vốn do đó làm thanh khoản thấp, cổ phiếu ít tăng. Và việc tăng giá của cổ phiếu là do thị trường.

Như Huỳnh