|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó Tổng Vissan: Tết này khỏi lo thiếu heo

16:29 | 05/11/2021
Chia sẻ
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó TGĐ Vissan khẳng định cuối năm không lo thiếu heo bởi các doanh nghiệp lớn đã tái đàn, tăng đàn từ sớm, bản thân Vissan cũng ký các hợp đồng với đơn vị cung ứng, đảm bảo cả về thịt heo tươi và thực phẩm chế biến.

Doanh nghiệp làm gì khi giá heo dưới đất, giá thịt trên trời

Vài tháng vừa qua, ngành chăn nuôi heo nổi sóng vì giá heo dưới đất, giá thịt trên trời.

Cụ thể, khi giá heo hơi giảm sâu xuống dưới 40.000 đồng/kg, đáng lẽ người tiêu dùng phải được tiêu thụ với giá rẻ song giá thịt ở các chợ truyền thống vẫn chắc chân ở mức 70.000 đồng/kg – 120.000 đồng/kg, đỉnh điểm có lúc lên 100.000 – 150.000 đồng/kg.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) lý giải dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây đứt gãy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng khiến nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động.

Thịt heo từ khu vực chăn nuôi phải trải qua 4-5 khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng, mỗi khâu "ăn một tí, đẩy một tí" khiến giá bán thịt vẫn cao. Như vậy, trong cơn bão giá, cả người sản xuất và người tiêu dùng đều không được hưởng lợi.

Phó Tổng Vissan: Tết này khỏi lo thiếu heo - Ảnh 1.

Giá thu mua heo hơi của Vissan thấp nhất là 42.000 đồng/kg. (Ảnh: Kinh tế Đô thị)

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng GĐ CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết giá heo hơi ở mức 40.000 đồng/kg thì giá thịt dao động 100.000 đồng/kg là hợp lý.

"Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, Vissan, doanh nghiệp tham gia bình ổn cùng TP HCM đã hai lần giảm giá thịt heo, mỗi lần 10.000 – 15.000 đồng/kg để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng", ông Phú nói.

Vị này cũng nhận định lượng hàng Vissan đưa ra thị trường giảm 40 – 50% so với cùng kỳ năm 2020 vì nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm mạnh và những hàng rào kỹ thuật ở chợ truyền thống, siêu thị.

Vissan cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mại theo tuần, tháng để kích cầu song nhiều người lại hoài nghi có phải doanh nghiệp muốn "xả" lượng heo tồn trong dịch.

"Vissan có mấy trại heo nhưng tổng đàn chỉ hơn 10 nghìn con, đáp ứng 10% tổng lượng hàng cung cấp ra thị trường, nên không có chuyện heo tồn. 

Phần còn lại ký kết hợp đồng với các đơn vị chăn nuôi với size chuẩn 80 – 110 kg nên chưa bao giờ chúng tôi mua được heo với giá 30.000 đồng/kg, thấp nhất cũng là 42.000 đồng/kg", ông Phú thông tin.

Ngoài ra, một trong những yếu tố khiến người chăn nuôi lỗ nặng trong thời gian qua là chi phí đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng đột biến. Do đó, đại diện Vissan kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, cân bằng lợi ích giữa các khâu.

Cú đảo chiều giá heo có giúp doanh nghiệp lấy lại phong độ

Trong khoảng ngày 20 – 30/10, giá heo hơi thăng hoa khi leo từ mức đáy 30.000 đồng/kg lên 52.000 đồng/kg, sau đó ổn định ở mức 45.000 – 49.000 đồng/kg cho đến nay. 

Đại diện Vissan cho rằng doanh nghiệp bình ổn lúc giá cao có thể chủ động giảm giá xuống song lúc tăng giá lại phải xin ý kiến các cơ quan chức năng mới có thể điều chỉnh. Do đó, dù giá heo hơi phục hồi nhưng doanh nghiệp lại yếu hơn, không được lợi.

Giá thu mua heo tăng 10%, Vissan cũng làm văn bản gửi Sở Tài chính, Sở Công Thương TP HCM đề xuất nếu giá heo ổn định hoặc tiếp tục tăng thì cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá cho phù hợp, nếu không rất khó cho Vissan.

Phó Tổng Vissan: Tết này khỏi lo thiếu heo - Ảnh 2.

Lượng hàng Vissan đưa ra thị trường giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Như Huỳnh)

"Vissan chỉ chiếm 8 – 10% nguồn cung thịt cho miền Nam. 

Chúng tôi xác định tham gia bình ổn sẽ chịu thiệt hơn so với bạn cùng ngành vì đầu vào không chủ động được nhiều, đầu vào chịu sự kiểm soát của thị trường của thị trường và sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước", ông Phú cho biết.

Song, tài sản vô hình Vissan nhận được là sự nhìn nhận của người tiêu dùng về doanh nghiệp trách nhiệm, có sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dù thị trường ở cả 3 miền bắt đầu sôi động trở lại song lượng hàng Vissan đưa ra thị trường vẫn "dậm chân tại chỗ", mã lực chưa tăng.

Hiện, TP đang nỗ lực "bình thường mới" song nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa phục hồi, các kênh bán hàng trực tiếp như cửa hàng, chợ truyền thống hoạt động, cung cấp cho trường học đều hạn chế.

"Kênh hiện đại lại càng thê thảm lắm, 9 – 10 giờ sáng không có người mua luôn dù doanh nghiệp bán không lợi nhuận, hàng rất rẻ. Nhu cầu chưa phục hồi khiến doanh nghiệp vẫn chưa thể trở lại phong độ đỉnh cao", ông Phú nói.

Với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc dự báo thị trường dịp Tết khó chuẩn xác.

Tuy nhiên, ông Phú khẳng định cuối năm không lo thiếu heo bởi các doanh nghiệp lớn đã tái đàn, tăng đàn từ sớm, bản thân Vissan cũng ký các hợp đồng với đơn vị cung ứng, đảm bảo cả về thịt heo tươi và thực phẩm chế biến.

Hoàng Anh