Giá heo hơi bấp bênh, nông dân ngại tái đàn
Trong tháng 10, giá heo hơi có những chuyển mình mạnh mẽ, từ mức đáy 30.000 – 35.000 đồng/kg tăng bật lên 48.000 - 53.000 đồng/kg song đà tăng này không bền vững, chỉ kéo dài chưa đầy 10 ngày.
Kể từ ngày 29/10 đến ngày 2/11, giá heo hơi quay đầu giảm nhẹ, dao động khoảng 45.000 – 48.000 đồng/kg.
Thông thường, tháng 8 – 9 âm lịch được coi là thời điểm vàng để người chăn nuôi heo vào đàn xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Song, trước tình hình giá heo hơi bấp bênh, lên xuống thất thường cùng với sự rình rập của dịch tả heo châu Phi khiến người chăn nuôi dè dặt tái đàn.
Trả lời báo Nông nghiệp Việt Nam, anh Nguyễn Văn Bình (Bình Định) cho biết nếu giá heo hơi ổn định ở mức trên 50.000 đồng/kg, người chăn nuôi sẽ mạnh dạn tái đàn bởi heo giống Pidu đã giảm nửa giá, từ 1,4 triệu đồng/con hạ xuống chỉ còn 700.000 đồng/con. Như vậy, khi xuất bán với giá 50.000 đồng/kg người chăn nuôi sẽ có lãi.
Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn neo cao là thách thức lớn với người chăn nuôi hiện nay.
"Tôi nuôi heo 15 năm nay, chưa bao giờ thấy thức ăn chăn nuôi hạ giá. Giá cứ tăng theo từng thời điểm rồi giữ giá hoặc tăng tiếp
Ví như từ đầu năm đến nay, một bao thức ăn chăn nuôi loại 25 kg đã tăng gần 100.000 đồng/bao. Khi người chăn nuôi phản ứng thì đại lý chỉ hỗ trợ 5.000 – 7.000 đồng/bao chứ đơn giá vẫn giữ nguyên", anh Bình nói.
Dù muốn tái đàn, tăng đàn kiếm lời vào thời điểm Tết Nguyên đán nhưng nhiều người chăn nuôi chưa vượt qua nỗi sợ dịch bệnh ASF.
Chị Trần Thị Lệ (Bình Định) cho biết: "Tôi sợ nhất là dịch bệnh, chỉ có dịch bệnh mới lấy hết vốn của mình.
Thấy dịch tả heo Châu Phi còn hoành hành tại nhiều địa phương, tôi sợ tái đàn mạnh lỡ dính dịch là hết vốn, nên thận trọng để xem diễn biến của dịch bệnh rồi mới tính đến chuyện tái đàn mạnh. Tầm này mọi năm, hai dãy chuồng nhà tôi có khoảng 700 con heo nhưng nay chỉ còn 100 con".
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết 9 tháng đầu năm, tổng đàn heo của tỉnh đạt 639.250 con, giảm 2% so cùng kỳ năm trước.
Riêng đàn heo ở huyện Hoài Ân, "vựa heo lớn nhất miền Trung" chỉ còn hơn 195.000 con, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2020.
"Đầu ra của heo nuôi ở Bình Định vẫn tốt, nhất là thị trường Đà Nẵng ưa chuộng giống heo lai giữa heo siêu nạc và heo móng cái.
Mỗi ngày, hai lò mổ ở TP Quy Nhơn mổ đều đặn 400 con heo thịt để cung ứng cho các chợ đầu mối, các lò mổ ở các địa phương cũng mổ mỗi ngày 500 con heo", ông Quý nói.
Hiện tỉnh đang khuyến cáo các trang trại, gia trại chăn nuôi heo lớn trên địa bàn duy trì tốc độ tái đàn để có sản phẩm cung ứng cho thị trường dịp cuối năm, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.